• :
  • :
LLVT THỪA THIÊN HUẾ ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH - LLVT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THỰC HIỆN TỐT CUỘC VẬN ĐỘNG " PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, CỐNG HIẾN TÀI NĂNG, XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ"
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số kinh nghiệm và giải pháp trong xây dựng lực lượng dân quân biển huyện Phú Vang ngày càng vững mạnh

Phú Vang là huyện đồng bằng ven biển nằm về hướng đông nam của tỉnh Thừa Thiên Huế, có tổng diện tích 235,39 km2, chiều dài bờ biển hơn 25 km, có nhiều đầm phá như Đầm Sam, Đầm Chuồn, Đầm Thanh Lam, Đầm Hà Trung. Cơ cấu tổ chức hành chính gồm 13 xã, 01 Thị trấn, tổng dân số 137.962 người, trong đó có 6 xã ven biển. Toàn huyện hiện có 926 chiếc tàu, thuyền các loại, trong đó tàu có công suất 90 CV trở lên 56 chiếc, tàu dưới 90 CV 564 chiếc. Lao động trên biển 5.062 người. Quy mô tổ chức lao động chủ yếu là chủ tàu hiệp đồng lao động tại địa phương, phương pháp khai thác bằng ngư lưới cụ, có thể độc lập khai thác từ 1 đến 2 tàu và nhiều tàu trên vùng biển ta quản lý, tổ chức thành lập các Tổ, Đội đoàn kết để giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình đánh bắt. Tổ chức quản lý số lao động và tàu thuyền đánh bắt trên biển do UBND các xã, thị trấn ven biển phối hợp với các đồn Biên phòng trên địa bàn huyện, Công an, Phòng NN & PTNT và các ban ngành liên quan phối hợp thực hiện việc đăng ký, quản lý.

Trong những năm qua thực hiện Luật DQTV năm 2019, Nghị định số 30, 130 của Chính phủ, Thông tư số 153 của Bộ Quốc Phòng và Chỉ thị, Hướng dẫn của cơ quan cấp trên, Nghị quyết của Đảng ủy Quân sự tỉnh, Nghị quyết của Đảng bộ quân sự huyện, thực hiện kế hoạch công tác QS-QP của huyện, được sự chỉ đạo của Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS huyện đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị, ban ngành liên quan chỉ đạo triển khai cho 7 xã, thị trấn tuyến biển tổ chức khảo sát số lượng tàu, thuyền và lao động trên biển để tổ chức xây dựng, củng cố LLDQ biển đi vào hoạt động. Đến nay LLDQ biển có 102 đ/c, đạt tỷ lệ 6,10 % so với LLDQ trên toàn huyện; đạt tỷ lệ 0,08% so với tổng dân số trên toàn huyện. Về chất lượng hàng tháng tổ chức sinh hoạt một lần; Đoàn viên 08 đ/c đạt 5,2%; phục viên xuất ngũ 02 đ/c đạt 1,52%. Biên chế thành 2 trung đội, 4 tiểu đội trên 07 tàu, mỗi tàu từ 3-5 đ/c, mỗi trung đội được chia thành 3 tiểu đội và các tổ phù hợp với phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên biển, giao nhiệm vụ cho các Trung đội, Tiểu đội và các chủ tàu thuyền, quán triệt chức năng nhiệm vụ quyền hạn, chế độ chính sách đối với LLDQ Biển bảo đảm theo Luật DQTV hiện hành. Riêng các xã Vinh An, Vinh Xuân, Vinh Thanh, Phú Diên (do bà con ngư dân đánh bắt thủy, hải sản trên biển sản lượng thấp nên một số chủ phương tiện phải bán tàu, thuyền để chuyển sang làm nghề khác) mỗi đơn vị tổ chức 1 tiểu đội dân quân biển).

Đồng chí Thiếu tướng Hà Thọ Bình  – Phó Tư lệnh – TMT Quân khu 4 
báo động kiểm tra việc huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự 
tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Thực hiện Nghị định số 30, 130 của Chính phủ và Thông tư số 153 của Bộ Quốc Phòng, Ban CHQS huyện phối hợp với Bộ CHBĐBP tỉnh, các ban ngành đoàn thể liên quan, chỉ đạo đơn vị Thị trấn Thuận An và xã Phú Thuận tiến hành khảo sát, tuyển chọn số lao động, LLDQ và phương tiện tàu thuyền có từ 90 CV trở lên để thành lập 07 tàu, trang bị 07 máy ICOM để làm nhiệm vụ đấu tranh trên biển. Hàng năm Ban CHQS huyện đã chỉ đạo Ban CHQS các xã, Thị trấn ven biển xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị Biên phòng đứng chân trên địa bàn tổ chức huấn luyện LLDQ Biển bảo đảm nội dung chương trình. Tập trung bồi dưỡng những nội dung cần thiết có liên quan đến quá trình hoạt động trên biển, đi sâu vào các nội dung như: Luật DQTV, Luật biển Việt Nam và các văn bản thi hành luật DQTV, nhiệm vụ của LLQD biển, cách nắm và xử lý thông tin trên biển và quy định vùng biển đánh bắt thủy, hải sản chung của Việt Nam và các nước trong khu vực, huấn luyện các bài kỹ thuật bắn súng từ bờ ra biển, từ tàu qua tàu. 

Thông qua các nội dung huấn luyện LLDQ biển đã nâng cao được hiểu biết Pháp luật, cách nắm và xử lý thông tin trên biển, phối hợp cùng các lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trên biển, bước đầu đạt một số kết quả nhất định. Đối với lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ đấu tranh trên biển của thị trấn Thuận An, xã Phú Thuận năm 2018, năm 2019, năm 2020 thực hiện kế hoạch của Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS huyện đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị địa phương liên quan tổ chức huấn luyện, diễn tập huy động lực lượng, phương tiện tàu thuyền làm nhiệm vụ đấu tranh trên biển bảo đảm đúng phương án, sẵn sàng xử lý các tình huống trên biển có thể xẩy ra.

Phương tiện tàu thuyền  nhận được lệnh rời vị trí neo đậu tại đất liền cơ động thực hiện nhiệm vụ trên biển

Hoạt động của LLDQ Biển có những nét nổi bật như: Nắm và phát hiện tình hình các hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vào lãnh hải, phối hợp với các lực lượng xua đuổi các hoạt động đánh thủy, hải sản của tàu thuyền nước ngoài trong vùng biển nước ta, phòng chống buôn lậu, thông báo, báo động khi có bão, cứu hộ, cứu nạn trên biển. LLDQ biển đã nêu cao tinh thần trách nhiệm phối hợp cùng các lực lượng như Biên phòng, Cảnh sát biển, tuần tra giữ vững an ninh trật tự trên biển, tạo điều kiện cho ngư dân sản xuất, thực hiện tôt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm chăm lo đến vật chất tinh thần của LLDQ biển, hàng năm đầu tư hỗ trợ kinh phí ngân sách bảo đảm cho nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện và hoạt động của LLDQ biển, 100% cán bộ LLDQ biển được nhận phụ cấp trách nhiệm hàng tháng. Ngoài ra Ban CHQS huyện phối hợp với các đồn Biên phòng, các ban ngành đoàn thể và địa phương trang bị một số công cụ hỗ trợ như đùi cui, phao tròn và một số áo phao cứu hộ, cứu nạn trên biển. Tuy điều kiện vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, song đã thể hiện được sự quan tâm của Cấp ủy, Chính quyền, các  ban ngành, đoàn thể các cấp đã động viên khích lệ cho cán bộ chiến sỹ LLDQ biển hoàn thành nhiệm vụ. Đối với lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ đấu tranh trên biển trong huấn luyện, diễn tập được bảo đảm chế độ chính sách theo Nghị định 30 của Chính phủ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, huấn luyện, diễn tập và hoạt động của LLDQ biển còn những hạn chế như: Nhận thức về vị trí chiến lược biển, đảo; vai trò nhiệm vụ của lực lượng dân quân biển. Công tác quản lý LLDQ biển khi tham gia lao động trên biển chưa chặt chẽ, chưa có cơ chế quản lý, phối hợp thống nhất hoạt động ở từng tuyến, từng ngư trường đánh bắt. Việc tổ chức huấn luyện cho LLDQ biển còn gặp nhiều khó khăn, kinh phí của địa phương có hạn, hàng năm 7 xã, thị trấn ven biển vừa phải huấn luyện LLDQ cơ động, LLDQ tại chỗ, LLDQ binh chủng, LLDQ biển và tham gia diễn tập chiến đấu trị an từ 25-30% xã, thị trấn theo quy định. Tàu thuyền công suất lớn đánh bắt xa bờ còn ít, tổ chức đánh bắt hải sản còn nhỏ lẻ, trang thiết bị thiếu đồng bộ và chưa hiện đại nên việc khai thác hải sản còn bị thua lỗ dẫn đến chuyển nhượng tàu, thay đổi thuyền viên. Vũ khí, phương tiện thông tin liên lạc, công cụ hỗ trợ để bảo vệ người và phương tiện chưa được trang bị đầy đủ nên việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn quá khó khăn, nhất là những lúc gặp sự cố, thiên tai, địch họa. Tổ chức biên chế LLDQ biển chưa thể đạt được yêu cầu vững chắc, bởi việc này còn phụ thuộc vào cơ chế quản lý hành chính, vào chất lượng chính trị, trình độ văn hóa, trình độ tay nghề của từng ngư dân. Trong công tác huy động nhân lực, tàu thuyền, phương tiện còn gặp không ít khó khăn, vào thời điểm cần huy động thì tàu thuyền của ngư dân thường xuyên hoạt động dài ngày trên biển.

Trong những năm tới, tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên biển đông tiếp tục diễn biến phứt tạp, do đó việc xây dựng LLDQ biển theo hướng ngày càng vững mạnh, rộng khắp là một yêu cầu hết sức cấp thiết, là một mhiệm vụ rất quan trọng cả về trước mắt cũng như lâu dài, để bảo vệ vững chắc chủ quyền và quyền chủ quyền của ta trên các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ thực tiễn công tác xây dựng LLDQ biển thời gian qua, Đảng ủy- Ban CHQS huyện rút ra một số kinh nghiệm và giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng LLDQ biển trong những năm tới như sau:

Một là: Thường xuyên làm tốt công tác tuyên tuyền, giáo dục đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên biển. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật DQTV và các Nghị định, Thông tư, chỉ thị hướng dẫn của trên về tổ chức xây dựng và hoạt động của LLDQ biển cho cán bộ các cấp, các ngành và nhân dân các địa phương, nhất là ngư dân 6 xã ven biển. Qua đó, giúp họ nắm được vị trí, tầm quan trọng của biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thấy được trách nhiệm của mỗi công dân trong việc khai thác tiềm năng của biển cũng như bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, thấy được sự cần thiết phải xây dựng LLDQ biển, trên cơ sở đó xác định quyền và nghĩa vụ của công dân trong tổ chức thực hiện và tham gia xây dựng LLDQ biển.

Hai là: Tổ chức xây dựng LLDQ biển phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của UBND và chỉ huy trực tiếp của Ban CHQS xã, thị trấn. Cơ quan quân sự làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể để tổ chức xây dựng LLDQ biển vững mạnh, có chất lượng cao, chú trọng công tác phát triển đảng, đoàn, trình độ văn hóa, sức khỏe, không ngừng nâng cao độ tin cậy trong LLDQ biển. Làm tốt công tác đăng ký nhân lực, ngư lưới cụ, phương tiện tàu thuyền, tổ chức xây dựng LLDQ biển phải có sự thống nhất, đồng bộ từ trên xuống cơ sở, thực hiện quản lý theo phân cấp, biên chế quân số gọn theo cấp Trung đội là cụm tàu hoạt động trên từng tuyến, từng khu vực phù hợp với phạm vị hoạt động của tàu thuyền, thuận tiện cho việc chỉ huy, quản lý và huy động khi có tình huống xảy ra. Đồng thời lập dự trù ngân sách sát với huy động, huấn luyện, diễn tập hàng năm, bố trí kinh phí bảo đảm các định mức, tạo hành lang pháp lý thuận tiện để thu hút nguồn nhân lực, tạo thêm cơ sở để xem xét, tuyển chọn người vào lực lượng dân quân biển.

Ba là: Thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Quân sự, Công an, Biên phòng, các cơ quan, ban ngành có liên quan và các địa phương ven biển để thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả khi có tình huống tác chiến xảy ra trên biển. Tổ chức huấn luyện, diễn tập thành thục cho LLDQ biển tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo theo Thông tư 69 của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết một số điều của Luật DQTV về tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, hội thi, hội thao, diễn tập cho DQTV. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực, tổ chức phương pháp huấn luyện cho cán bộ nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện LLDQ biển, vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp huấn luyện phù hợp cho từng xã có cùng thời gian đi về. Huấn luyện sát tình hình và khu vực hoạt động của các tàu thuyền, kết hợp giữa huấn luyện quân sự với huấn luyện quan sát phát hiện mục tiêu, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của lực lượng dân quân biển trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tăng cường công tác kiểm tra đánh giá chất lượng huấn luyện để từ đó có biện pháp khắc phục những vướng mắt, tồn tại trong huấn luyện.

Bốn là: Ban CHQS các xã, thị trấn làm tốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo cho các Tổ, đội đoàn kết và các chủ tàu thuyền hàng năm phải xây dựng kế hoạch khai thác đánh bắt thủy, hải sản kết hợp với mọi hoạt động của LLDQ biển thông qua cấp ủy, chính quyền và được cấp có thẩm quyền phê chuẩn. Nội dung phải thể hiện đầy đủ nhiệm vụ của từng Trung đội, Tiểu đội và từng tàu thuyền, phạm vị hoạt động, dự kiến được các tình huống có thể xảy ra và cách xử trí trên biển cho phù hợp với khả năng lực lượng và trang bị trên tàu thuyền.

Năm là: Quan tâm đầu tư kinh phí, bảo đảm cơ sở vật chất, trang bị, chế độ chính sách cho LLDQ biển và các lực lượng, phương tiện tàu thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo theo Luật DQTV để LLDQ biển yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta trước tình hình thế giới, khu vực luôn biến động, đặc biệt là tình hình biển Đông thời gian qua đã và đang tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định, khó lường. Việc tổ chức xây dựng, huấn luyện, diễn tập cho LLDQ biển của huyện đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong những năm tiếp theo rất mong được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Bộ CHQS tỉnh, sự quan tâm phối hợp giúp đỡ của các đồn Biên phòng, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2, Công an và các cơ quan ban ngành, đoàn thể địa phương để LLDQ biển của huyện ngày càng vững mạnh, góp phần quản lý, bảo vệ có hiệu quả vùng biển, đảo của Tổ quốc./.

 

Trung tá Đào Ngọc Thành

Chính trị viên – Ban CHQS huyện Phú Vang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 578
Hôm qua : 1.102
Tháng 04 : 23.574
Tháng trước : 26.473
Năm 2024 : 94.952
Năm trước : 319.267
Tổng số : 1.169.341