• :
  • :
LLVT THỪA THIÊN HUẾ ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH - LLVT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THỰC HIỆN TỐT CUỘC VẬN ĐỘNG " PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, CỐNG HIẾN TÀI NĂNG, XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ"
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TẠO ĐỘNG LỰC PHẤN ĐẤU CHO ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN LÀ SỶ QUAN BIỆT PHÁI TẠI TRUNG TÂM GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG & AN NINH ĐẠI HỌC HUẾ HIỆN NAY

Cũng như ở các Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP & AN) trên địa bàn cả nước, đội ngũ giáo viên là sỹ quan biệt phái (SQBP) ở Trung tâm GDQP&AN Đại học Huế (ĐHH), có tiềm năng và lợi thế vốn có của mình. Luôn giữ vai trò, vị trí quan trọng  trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị. Tạo động lực phấn đấu cho đội ngũ này, không đơn thuần chỉ là vấn đề lý luận mà còn là vấn đề thực tiễn, không chỉ là phục vụ cho yêu cầu trước mắt mà còn nhằm tới những mục tiêu cơ bản, lâu dài.

Vấn đề đặt ra đòi hỏi phải quan tâm trước tiên đến những khía cạnh cơ bản trong lý luận về động lực hoạt động của các chủ thể xã hội. Cần chú ý rằng, nhân tố tiềm tàng bên trong có khả năng tạo ra động lực thúc đẩy toàn bộ hoạt động của con người chính là nhu cầu. Nhưng nhu cầu chỉ trở thành động lực thúc đẩy con người phấn đấu một khi có được hiện thực hoá (được thoả mãn), nghĩa là khi nó trở thành lợi ích của chủ thể. Nói cách khác, lợi ích chính là động lực chủ yếu và trực tiếp thôi thúc con người phấn đấu vươn lên. Điều đó là đơn giản và rõ ràng, nhưng sự phức tạp lại ở khía cạnh khác dưới đây.

Hội nghị giao ban khoa giáo viên

Lợi ích thúc đẩy con người hành động, nhưng bản thân lợi ích, tùy theo tiêu chí xem xét lại rất phong phú, phức tạp về dạng, loại. Chẳng hạn chúng ta hoàn toàn có thể thấy được sự khác nhau giữa lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần, giữa lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, giữa lợi ích trước mắt với lợi ích lâu dài v.v… Vai trò động lực của các lợi ích đối với sự phấn đấu của chủ thể, vì thế cũng hết sức khác nhau.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, trong hệ thống các lợi ích trên thì lợi ích cá nhân luôn có vai trò quan trọng hàng đầu, là động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy mỗi chủ thể hành động. Bởi vì, lợi ích cá nhân luôn được mỗi chủ thể nhận biết trước tiên và hơn nữa nó đáp ứng những nhu cầu thiết thân của từng cá nhân cụ thể. Tuy nhiên, không phải mọi lợi ích cá nhân đều được coi là chính đáng, tiêu chí cơ bản phản ánh tính chất chính đáng của lợi ích cá nhân, đó là sự thoả mãn mang tính tập thể những nhu cầu cá nhân. Nghĩa là sự thỏa mãn nhu cầu của mỗi cá nhân phải trên cơ sở có tính đến nhu cầu chung của tập thể. Do đó, không phải là sự thoả mãn bằng mọi giá, bằng cách làm tổn hại đến lợi ích của các cá nhân khác trong tập thể. Thực tế cho thấy, kích thích lợi ích cá nhân chính đáng sẽ làm nảy sinh nhiệt tình, tài năng và sức sáng tạo của các chủ thể. Ngược lại, khi lợi ích cá nhân không chính đáng được bao che, nhất là trong điều kiện mất dân chủ hoặc ở những tập thể thiếu sức chiến đấu, thì sẽ làm nảy sinh những mưu mô, thủ đoạn khôn lường làm nguội lạnh động lực phấn đấu của phần đông các chủ thể còn lại trong tập thể. Vì vậy, khuyến khích lợi ích cá nhân chính đáng đi liền với việc đẩy lùi, xoá bỏ lợi ích không chính đáng là vấn đề có tính qui luật trong qui trình tạo động lực phấn đấu cho các chủ thể xã hội.

Nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ 

Vai trò động lực của lợi ích cá nhân không chỉ thể hiện ở tính chất chính đáng hay không chính đáng của nó, mà còn thể hiện ở tính phong phú về phương diện tác động của lợi ích này. Mỗi cá nhân do những mối liên hệ tất yếu của họ qui định mà thường là có những nhu cầu khác nhau về hầu hết các phương diện của đời sống xã hội. Do vậy, ở họ cũng xuất hiện những lợi ích khác nhau về kinh tế, chính trị, tinh thần, văn hoá… Vì thế, động lực phấn đấu của một chủ thể là một hợp lực được xác định bởi sự tương tác giữa các phương diện của lợi ích cá nhân. Trong đó, lợi ích kinh tế - vật chất giữ vai trò là động lực cơ bản, quyết định nhất. Điều này là hiển nhiên và đơn giản bởi vì “con người trước hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc đã rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo và v.v.. được”(1). Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích cá nhân còn có các lợi ích mang tính cộng đồng; gia đình, dòng họ, tập thể, giai cấp, dân tộc… Lợi ích cá nhân không bao giờ tách rời lợi ích của các chủ thể. Song, những lợi ích này chỉ thực hiện được vai trò động lực của mình thông qua lợi ích cá nhân, nghĩa là trong chừng mực mỗi cá nhân ý thức được lợi ích đó bao hàm lợi ích của chính mình.

Vấn đề tạo động lực phấn đấu cho một chủ thể xác định mà lại né tránh vấn đề lợi ích, trước hết là lợi ích cá nhân, đặc biệt là lợi ích kinh tế, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, không những không đúng về mặt lý luận mà còn trái với thực tiễn cuộc sống. Nhưng nếu vận dụng một cách máy móc vấn đề lợi ích, tuyệt đối, hoá lợi ích cá nhân, đề cao quá mức lợi ích kinh tế, nhất là đối với một lĩnh vực hoạt động rất đặc thù như lĩnh vực quân sự sẽ là một sai lầm, làm biến dạng động lực phấn đấu của các chủ thể.

Học cách tháo lắp súng tiểu lên AK

Từ sự phân tích sơ bộ trên cho thấy, việc phân tích những đặc điểm về quan hệ lợi ích của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý ở Trung tâm GDQP&AN  Đ HH  là khâu đầu tiên trong qui trình tạo động lực phấn đấu của đội ngũ này. Dưới góc độ phương pháp luận tiếp cận lợi ích, bước đầu có thể chỉ ra mấy vấn đề cần lưu ý sau đây:

Một là, đối với phần đông đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý ở Trung tâm, được giảng dạy và quản lý sinh viên là một lợi ích thiết thân. Có thể có ai đó, vì những lý do khác nhau mà không muốn thừa nhận điều này, nhưng đó là một sự thật. Bởi vì, tuyệt đại đa số giảng viên và cán bộ quản lý ở Trung tâm đều là những người có thiên hướng nghề nghiệp rõ ràng, có khả năng thực sự và họ muốn có một môi trường hội đủ những điều kiện cần thiết để thực hiện ước vọng nghề nghiệp của mình. Với họ, được sống và công tác tại một Trung tâm lớn mang tầm cở của đại học vùng, ở một môi trường luôn đề cao tri thức, trọng dụng thực tài và thi đua lành mạnh về trí tuệ là một lợi ích thực sự. Với tất cả truyền thống và thế mạnh vốn có của mình, Trung tâm có đầy đủ khả năng và điều kiện cần thiết để thoả mãn nhu cầu chính đáng đó của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý. Do vậy, xây dựng Trung tâm theo những chuẩn mực của một xã hội học tập là một trong những nhân tố góp phần tạo nên động lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ đặc biệt này.

Hai là, những năm gần đây, lĩnh vực giáo dục - đào tạo của Trung tâm đang đổi mới mạnh mẽ theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá và xã hội hoá. Theo đó, mặt bằng chất lượng của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý của Trung tâm ngày càng được nâng cao. Họ ngày càng có khả năng hội nhập sâu, đầy đủ và bình đẳng vào các hoạt động của hệ thống giáo dục, đào tạo. Do đó, họ ngày càng có điều kiện để phấn đấu, khẳng định tốt hơn trình độ, uy tín của mình, đây là một trong những nhân tố rất quan trọng góp phần tạo nên động lực phấn đấu cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý ở Trung tâm hiện nay.

Ngắm súng tiểu liên AK

Ba là, bên cạnh những lợi ích nêu trên, quá trình phấn đấu của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý của Trung tâm còn được thúc đẩy bởi những động lực quan trọng khác như: trần quân hàm khá cao, môi trường công tác thuận lợi để đáp ứng nhu cầu phát triển của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý. Thực tế cho thấy, ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt còn hầu hết đội ngũ này đều nhận thấy nhu cầu cấp hàm và chức vụ của mình sẽ được đáp ứng tương xứng với trình độ, khả năng phấn đấu của bản thân. Dễ nhận thấy, nhìn chung những cá nhân có động cơ phấn đấu đúng đắn, thực sự có năng lực và uy tín đều phát triển tốt trong môi trường này. Rõ ràng đây thực sự là một “lợi ích kép” tạo nên một động lực mạnh thúc đẩy đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý phấn đấu vươn lên trong nghề nghiệp đã chọn của mình.

Bốn là, việc Trung tâm chủ trương và từng bước hiện thực hoá một chính sách xã hội hướng sự ưu đãi cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý cũng có một vai trò quan trọng trong quá trình tạo động lực cho đội ngũ này.

Chúng ta nhận thức rằng, lao động của đội ngũ giảng viên và cán bộ quan lý ở Trung tâm là một dạng lao động đặc biệt của lao động quân sự. Giá trị lao động của họ không thể đặt ngang bằng với hao phí lao động thông thường. Sản phẩm đặc trưng của họ - chất lượng bài giảng, chất lượng quản lý sinh viên của đội ngũ giảng viên cán bộ quản lý không thể đơn giản “thanh toán trực tiếp” theo cơ chế thị trường. Vấn đề lợi ích vật chất, kinh tế, tiền bạc ở đây nhiều khi chỉ mang tính chất tượng trưng. Trong khi đó, hầu hết trong số họ đang là trụ cột của gia đình về mọi phương diện. Đó thực sự là một “đại vấn đề” và việc thực hiện một chính sách xã hội theo hướng ưu đãi cho đội ngũ này là chủ trương đúng, rất cần thiết. Những cố gắng lớn của Trung tâm trong những năm qua trong việc đáp ứng những nhu cầu chính đáng của đội ngũ này về phụ cấp giảng dạy, nơi ăn, ở, nơi làm việc, nâng cấp giảng đường và tăng cường trang thiết bị giảng dạy… đang có sức cổ vũ mạnh mẽ họ trong tình hình hiện nay.

Kỹ thuật băng bó vết thương

Năm là, đối với tuyệt đại đa số giảng viên và cán bộ quản lý, được công tác tại Trung tâm là một vinh dự đồng thời là một lợi ích sát sườn. Vinh dự được tạo nên bởi truyền thống và “thương hiệu” đã được khẳng định của Trung Tâm. Còn lợi ích là vì những điều trên đem đến cho đội ngũ này những lợi thế để họ tạo dựng, khai thác và phát huy những mối quan hệ vốn hết sức đa dạng, đa diện của người thầy, của nhà quản lý nhằm phục vụ tốt nhất cho việc hoàn thiện mô thức phát triển của mỗi người. Đó thực sự là một lợi thế, một lợi ích sát sườn của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý so với các chủ thể khác. Đó cũng chính là một động lực mà chúng ta cần phải củng cố, duy trì để nuôi dưỡng quá trình vươn lên không ngừng của đội ngũ này.

Giới thiệu bản đồ địa hình

Tuy nhiên, những lợi ích trên đây chỉ trở thành động lực phấn đấu của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý của Trung tâm khi nó được nhận thức và biến thành động cơ tư tưởng bên trong thôi thúc họ hành động. Vì vậy, vấn đề cần quan tâm trước tiên là chúng ta phải có một quan điểm nhất quán xem lợi ích như là động lực chủ yếu và mạnh mẽ nhất cho quá trình phấn đấu của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý của Trung tâm. Trên cơ sở đó, cần bắt tay vào xây dựng một chiến lược. tạo động lực cho đội ngũ này với yêu cầu có tính nguyên tắc là tuân thủ những vấn đề có tính qui luật của việc phát huy động lực lợi ích nêu trên. Đồng thời, phải tiến hành giáo dục, giác ngộ lợi ích đến từng giảng viên và cán bộ quản lý, để họ trở thành chủ thể chủ yếu và trực tiếp của qui trình tạo động lực phấn đấu của bản thân mình và của cả tập thể và đội ngũ. Kiên quyết ngăn ngừa, đấu tranh có hiệu quả những biểu hiện lệch lạc, nhân danh lợi ích tập thể để hợp lý hoá, hợp thức hoá lợi ích không chính đáng của một số cá nhân, xây dựng Trung tâm vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.

                                                                              Lê Kim Anh

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 297
Hôm qua : 1.057
Tháng 04 : 22.191
Tháng trước : 26.473
Năm 2024 : 93.569
Năm trước : 319.267
Tổng số : 1.167.958