• :
  • :
LLVT THỪA THIÊN HUẾ ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH - LLVT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THỰC HIỆN TỐT CUỘC VẬN ĐỘNG " PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, CỐNG HIẾN TÀI NĂNG, XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ"
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lực lượng vũ trang Tỉnh Thừa Thiên Huế với tinh thần “7 dám” của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Kỳ 2: Cuộc di dời lịch sử

Nếu xem việc di dân ra khỏi Kinh thành Huế là “cuộc di dân lịch sử” thì việc di chuyển Sở chỉ huy, cơ quan Bộ CHQS tỉnh sang trụ sở làm việc mới được xem là cuộc di dời mang tính lịch sử. Lần đầu tiên kể từ sau năm 1975, đây là đợt di chuyển đầu tiên sau khi Bộ CHQS tỉnh tiếp quản và sử dụng doanh trại Sở chỉ huy tại Đồn Mang cá lớn, phường Thuận Lộc, thành phố Huế. Việc di dời Sở chỉ huy ra khỏi Đồn Mang cá không những bảo tồn giá trị lịch sử mà còn phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những khó khăn, thử thách không hề nhỏ đối với Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra chất lượng xây dựng Công trình Sở chỉ huy mới của Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nằm ở góc Đông bắc Kinh thành Huế, Trấn Bình đài - dân gian vẫn quen gọi là đồn Mang Cá - một công trình quân sự có vai trò đặc biệt quan trọng ở thời nhà Nguyễn cũng như Pháp thuộc ở Huế. Nơi đây là chứng nhân lịch sử cho nhiều trận đánh lớn như binh biến Kinh thành Huế - thất thủ kinh đô năm 1885, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Sau khi đất nước được giải phóng, nơi đây được giao cho Bộ CHQS tỉnh quản lý và làm trụ sở đóng quân. Từ đó đến nay, Đồn Mang cá đã trở thành tên gọi thân thương, ăn sâu vào tiềm thức người dân xứ cố đô khi nhắc đến Bộ CHQS tỉnh.

Hòa mình vào quá trình vươn mình mạnh mẽ của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định của Bộ Quốc phòng về việc phê duyệt chủ trương đầu tư, di dời các đơn vị tại khu vực Mang Cá và bàn giao đất cho địa phương quản lý để tu bổ, tôn tạo khu vực 1, Di tích Kinh thành Huế. Bộ CHQS tỉnh đã tham khảo ý kiến các chuyên gia đầu ngành, khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư xây dựng dự án Doanh trại Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị trực thuộc.

Tuy nhiên, quyết định di chuyển Sở chỉ huy là bài toán không hề đơn giản đối với Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ chỉ huy. Từng phiến đá, gốc cây đều là chứng nhân lịch sử, mang đậm dấu ấn của thời gian. Nơi đây đã tồn tại hàng chục năm, gắn bó với nhiều thế hệ Thủ trưởng, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ LLVT tỉnh. Việc di dời đồn Mang Cá không chỉ đơn thuần liên quan đến các công trình xây dựng mà còn ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh và cuộc sống của nhiều hộ dân sinh sống ở khu Mang Cá nhỏ. Việc tham mưu, bố trí quỹ đất để xây dựng Sở chỉ huy mới phải hội đủ các yếu tố về mặt quân sự, quốc phòng như ngay trung tâm đô thị, hệ thống giao thông thuận lợi với nhiều tuyến đường mở, thuận lợi trong việc cơ động thực hiện nhiệm vụ. Về phương án kiến trúc tổng thể, việc xây dựng Sở chỉ huy ở địa điểm mới không chỉ đảm bảo đúng công năng hoạt động quân sự mà còn phải làm sao hài hoà với mỹ quan và phù hợp với các công trình đô thị lân cận.

Khó khăn, thách thức bủa vây nhưng với quyết tâm chính trị, tinh thần “dám đương đầu với khó khăn, thử thách” của Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ chỉ huy cùng cán bộ, chiến sĩ toàn tỉnh đã từng bước tháo gỡ nút thắt. Đại tá Phan Thắng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh chia sẻ: Để tháo gỡ các vấn đề, trước tiên cần xác định đây là trách nhiệm chính trị lớn không chỉ của Bộ CHQS tỉnh mà của các sở, ngành liên quan. Quan điểm của chúng tôi, “thắt” ở khâu nào, bước nào, liên quan đến cấp nào, ngành nào thì sẽ phối hợp tháo gỡ ở đó”.

Với một khối lượng khổng lồ về cơ sở vật chất doanh trại, doanh cụ, phương tiện, vũ khí trang bị, để chuẩn bị chu đáo cho nhiệm vụ di chuyển Sở chỉ huy, cơ quan và các đại đội trực thuộc về vị trí mới. Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ chỉ huy đã gặp gỡ, sinh hoạt, đối thoại với cán bộ, chiến sĩ để nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng. Tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị; tiến hành kiểm kê, điểm nghiệm toàn bộ hệ thống vật chất, trang thiết bị, vũ khí trang bị, kỹ thuật; lập hồ sơ danh mục phân loại tài sản, cơ sở vật chất tài liệu cần di chuyển sang Sở chỉ huy mới và vật chất để lại bàn giao cho địa phương quản lý. Việc xây dựng kế hoạch được tiến hành cụ thể, chi tiết đến từng ngành, từng bộ phận, từng giai đoạn; có lực lượng đi trước, bộ phận đi sau để vừa thực hiện công việc chuyên môn vừa tiến hành di chuyển bảo đảm an toàn, nhất là đối với tài liệu, vũ khí, trang bị, khí tài.

Việc di chuyển Sở chỉ huy không chỉ đơn thuần là vấn đề thay đổi địa điểm đóng quân mà còn thay đổi cả về tư duy, cách tiếp cận vấn đề, biến những điều không thể thành có thể; từng bước khẳng định cam kết của LLVT tỉnh trong việc cải thiện tính hiệu quả và năng suất làm việc.

Di chuyển Sở chỉ huy sang vị trí mới không chỉ tạo ra không gian làm việc hiện đại, khoa học, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ đời sống tốt hơn cho bộ đội mà còn tăng cường sự chỉ huy và điều phối giữa các lực lượng trong tỉnh; góp phần phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh. Đây cũng chính là cơ sở để thúc đẩy đổi mới tư duy, sáng tạo, từ đó nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp khác trong tương lai.

Phát huy cao độ truyền thống “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp xây dựng Đảng bộ Quân sự tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Thực hiện nghiêm chủ trương, chỉ đạo của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quân ủy Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; coi trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là tinh thần “7 dám” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới diễn biến ngày càng phức tạp, quốc phòng an ninh ngày càng tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, việc phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm và đổi mới sáng tạo trong LLVT tỉnh là điều cần thiết để từng bước hiện đại hóa Quân đội; chung tay, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á.

Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, với tinh thần kiên quyết và quyết tâm cao, LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ vượt qua mọi khó khăn và thử thách, góp phần vào sự bình yên và phát triển của quê hương. Chính sự quyết tâm ấy sẽ là động lực để mỗi cán bộ, chiến sĩ phát huy tối đa khả năng và sức mạnh, bảo vệ vững chắc quê hương, đất nước trong mọi tình huống./.

Bài ảnh: HOÀNG QUÝ
Trợ lý UBKT Đảng ủy Quân sự tỉnh

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 619
Hôm qua : 1.713
Tháng 09 : 30.953
Tháng trước : 36.320
Năm 2024 : 267.621
Năm trước : 319.267
Tổng số : 1.342.010