• :
  • :
LLVT THỪA THIÊN HUẾ ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH - LLVT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THỰC HIỆN TỐT CUỘC VẬN ĐỘNG " PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, CỐNG HIẾN TÀI NĂNG, XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ"
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

A SO HỒI SINH

Giữa thung lũng A So, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế có một “tọa độ chết” được đánh dấu, nơi đó được gọi bằng những cái tên rất hãi hùng như “cái rốn da cam”, “vùng đất chết” khi mang trong đất sự hủy diệt của chiến tranh còn sót lại. Nhưng, nhiều nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Hóa học đã giúp hồi sinh vùng đất này tươi xanh như từng có.

Sân bay A So trước lúc chưa xử lý đất nhiễm dioxin

Trong chiến tranh, Mỹ đã sử dụng thung lũng A So của huyện A Lưới làm sân bay dã chiến. Đây cũng là nơi chứa chất độc hóa học, là trạm trung chuyển để không quân Mỹ đi phun rải chất độc ở khu vực miền Trung. Trong 10 năm (1961-1971), Thừa Thiên - Huế với trọng điểm là sân bay A So là nơi hứng chịu khối lượng lớn dioxin, do đó huyện A Lưới nói chung và xã Đông Sơn nói riêng là một trong những địa bàn chịu hậu quả nặng nề của chất độc dioxin.

Ông Lê Thanh Tường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đông Sơn, huyện A Lưới cho biết. Hậu quả chất độc da cam sau chiến tranh do đế quốc Mỹ để lại trên địa bàn huyện A Lưới nói chung và sân bay A So của xã Đông Sơn nói riêng là hết sức nặng nề. Đầu tiên là để lại di chứng trên sức khẻo, trên cơ thể của bà con nhân dân; thứ hai là gia súc, gia cầm và kìm hãm sự phát triển kinh tế của địa phương.

Nạn nhân nhiễm chất độc dioxin

Không chỉ làm chết người, nó còn để lại hậu quả cho nhiều đời sau, khiến những đứa trẻ ra đời bị dị dạng, dị tật, bại não, chậm phát triển trí tuệ, liệt toàn thân. Những ai từng đặt chân đến đây, đều không khỏi bùi ngùi, xót xa khi chứng kiến những đứa trẻ sinh ra với hình hài không trọn vẹn, những con người hằng ngày quằn quại, đau đớn do chất độc này mang lại. Toàn xã có 3 thôn, 404 hộ, với 1.614 nhân khẩu; trong đó, có 384 hộ, 1.561 nhân khẩu đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn xã có đến hơn 500 người nghi nhiễm, 40 người đang hưởng chế độ chất độc da cam dioxin.

Ông Lê Minh Lịch, thôn Tra Chaih, xã Đông Sơn, Huyện A Lưới tâm sự: Đời sống của bà con nói chung rất khó khăn, cây cối lên không nổi, cây giống, con giống phát triển không tốt, bởi vì chất độc da cam quá nhiều, quá lớn.

Bà Hồ Thị Liên, thôn Ka Vá, xã Đông Sơn, huyện A Lưới cho biết thêm: Trước đây hai vợ chồng quen nhau, rồi lấy nhau ở ngay sân bay năm 1992 và sau đó một năm sau mấy đứa con lần lượt ra đời, đứa không có đầu, không có chân, rồi đẻ non.

Quang cảnh hố chôn lấp cô lập

Bệnh tật, nghèo đói là thế, người ta cứ tưởng bà con nơi đây sẽ gục ngã, nhưng không, họ vẫn yêu quý, gắn bó vùng đất này với tinh thần lạc quan, quyết vượt lên tất cả. Bà con nơi đây chỉ mong một ngày vùng đất chết sẽ được tẩy độc và hồi sinh, để con cháu đời sau thoát khỏi bệnh tật, được hạnh phúc và có cuộc sống bình thường như mọi người. Để giúp nhân dân ổn định cuộc sống, giảm những tác động do chất độc hóa học, dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So được thực hiện từ đầu năm 2020. Kết quả khảo sát xác định được khu vực ô nhiễm tại sân bay A So, với diện tích ô nhiễm ước tính khoảng 5,0 ha, chiều sâu ô nhiễm trung bình 0,7m, tổng khối lượng đất ô nhiễm cần xử lý là 35.000 m3. Trong đó có khoảng 6.600 mđất nhiễm có nồng độ ô nhiễm trên 200ppt (mức độ ô nhiễm rất nặng).

Vận chuyển vật liệu ra công trường

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hiếu, Trợ lý phòng công nghệ xử lý môi trường - Viện Hóa học môi trường Quân sự, Binh Chủng Hóa học cho biết: Dioxin là một trong những các chất cực độc mà tồn lưu sau chiến tranh, do đó quá trình xử lí chất độc tồn lưu này chúng tôi phải tuân thủ rất đúng các nguyên tắc an toàn, tất cả các đồng chí tham gia công tác xử lí trước hết đều phải được huấn luyện nghiêm ngặt về công tác đảm bảo an toàn cũng như mang mặc bảo hộ lao động đáp ứng tất cả các quy chuẩn mà khi làm việc đối với chất độc hại. Đối với môi trường bên ngoài thì chúng tôi cũng làm tất cả các biện pháp để ngăn ngừa việc phát tán của chất độc cũng như trong bụi khí ra bên ngoài.

Hàn lớp vật liệu cách ly chống thấm

Để đẩy nhanh tiến độ xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay A So, A Lưới, Bộ Tư lệnh Hóa học đã sử dụng, áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó đơn vị đã tăng cường lực lượng cán bộ, chiến sĩ cũng như cử các đồng chí có kinh nghiệm đã thực hiện nhiều dự án tương tự để tham gia vào thực hiện dự án. Đồng thời, đơn vị đốc thúc các nhà thầu phát huy tối đa nguồn lực về phương tiện kỹ thuật như là máy xúc, máy đào, máy cẩu, máy phun tẩy độc cũng như các phương tiện ô tô để vận chuyển vật liệu, đất nhiễm từ khu A sang khu B để xử lý tiêu độc, chôn lấp cô lập. Tổ chức lực lượng, phương tiện thay ca, đổi kíp làm cả ngày, lẫn đêm. Chuẩn bị tốt các phương tiện che chắn để thi công bất cứ thời tiết nắng mưa…

Rải lớp vật liệu hấp thụ

Thiếu tá Nguyễn Phượng Minh, Phó Trưởng phòng sinh học - Viện Hóa học môi trường Quân sự, Binh chủng Hóa học cho biết: Xử lý chất nhiễm dioxin tại sân bay A So thì chúng tôi kết hợp hai phương pháp, thứ nhất là xử lý bằng phương pháp chôn lấp cô lập tích cực và phương pháp thứ hai là sử dụng phương pháp sinh học vào để xử lý đất nhiễm. Cái ưu điểm của phương pháp xử lý sinh học là sẽ xử lý được triệt để  nồng độ dioxin ở trong đất, phục hồi môi trường tốt hơn so với các phương pháp khác.

Xử lý tiêu độc

Sau 03 năm nổ lực, cố gắng của cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Hóa học đến tháng 10 năm 2023 đơn vị đã xử lý 5 luống đất nhiễm chất độc dioxin bằng phương pháp chôn lấp cô lập và xử lý xong 1 luống bằng phương pháp phân hủy sinh học (tổng khối lượng 38.718 m3 đất nhiễm, trong đó xử lý sinh học 6.500 m3, xử lý chôn lấp cô lập 32.218 m3; tổng diện tích 9,35ha. Dự án xử lý đất nhiễm dioxin hoàn thành là cơ hội mới cho cuộc sống bà con nhân dân nơi đây cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh của địa phương sẽ được mở ra. Hơn 49 năm sống cùng tử thần, niềm mong mỏi của người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy nơi thung lũng A So này cuối cùng cũng thành hiện thực. Vùng đất chết trên chiến địa năm nào đã được hồi sinh.                                    

Chôn lấp đất nhiễm chất độc hóa học xuống hố cô lập

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Sau 03 năm nổ lực, cố gắng, vượt qua đại dịch, chúng ta đã hoàn thành toàn bộ xử lý đất nhiễm dioxin tại khu vực sân bay A So của thừa Thừa Thiên Huế, trả lại đất sạch để cho bà con nhân dân được hưởng không khí trong lành; Thứ hai là phát triển cây trồng, vật nuôi, các mô hình sinh kế để đưa  vùng căn cứ cách mạng,  vùng nghèo khó của A Lưới ngày càng phát triển bền vững đi lên cùng với tỉnh, cùng với cả nước.                        

Tư lệnh Binh chủng Hoá học và Chủ tịch UBND huyện A Lưới ký Biên bản bàn giao đất sạch cho địa phương

A So, A Lưới, Thừa Thiên Huế đang từng bước hồi sinh với những cánh rừng xanh ngát, nhiều công trình dân sinh đã và đang mọc lên khang trang. Để một vùng đất không có cây gì có thể sống nổi thì nay gần 100% số hộ dân nơi đây đã trồng rừng kinh tế phát triển nông nghiệp bền vững, những thành quả ấy là sự nỗ lực không ngừng của bà con nhân dân và chính quyền địa phương cùng với sự chung tay dóc sức của những người lính bộ đội Cụ Hồ.

Xây dựng các công trình dân sinh
Các công trình dân sinh được xây dựng khang trang

Ông Đoàn Văn Hiền, thôn Ka Vá, xã Đông Sơn, huyện A Lưới tâm sự: Sau khi được Quân đội tẩy chất độc dioxin tại sân bay A So thì bà con an tâm lao động sản xuất, đặc biệt là vấn đề trồng trọt và chăn nuôi rất thuận tiện.

Ông Trương Toàn Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, huyện A Lưới cho biết: Sau khi được Binh chủng Hóa học khử toàn bộ diện tích này thì bà con rất vui mừng và phấn khởi, bà con trực tiếp lao động, sản xuất, phát triển kinh tế ngay tại mảnh đất mà đã được Binh chủng Hóa học tiến hành xử lý.

Sân bay A So sau một năm xử lý đất nhiễm dioxin
Cuộc sống sinh hoạt của bà con tại sân bay A So

Xử lý chất độc dioxin hồi sinh những vùng đất da cam là một hành trình dài cần sự chung tay phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trong đó quân đội giữ vai trò nòng cốt. Những kết quả hình tượng đạt được trong công tác khắc phục hậu quả chất động hóa học tồn lưu sau chiến tranh, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế xã hội tại những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc này đã minh chứng nỗ lực không ngừng của những người lính Bộ đội Cụ Hồ với nhiệm vụ đặc biệt giữa thời bình và từ sự hồi sinh mạnh mẽ trên vùng đất A So sẽ là khởi đầu và hy vọng về tương lai hồi sinh trên nhiều vùng đất da cam khác, khát vọng về một cuộc sống tươi đẹp, một môi trường sống an toàn trong lành không nhiễm độc dioxin của những người dân Việt Nam đã và đang trở thành hiện thực trong thời gian tới./.

 

                                                                    Bài, ảnh Trần Tình

 


Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 613
Hôm qua : 1.713
Tháng 09 : 30.947
Tháng trước : 36.320
Năm 2024 : 267.615
Năm trước : 319.267
Tổng số : 1.342.004