• :
  • :
LLVT THỪA THIÊN HUẾ ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH - LLVT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THỰC HIỆN TỐT CUỘC VẬN ĐỘNG " PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, CỐNG HIẾN TÀI NĂNG, XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ"
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự - hành trang vào đời của thanh niên Việt Nam

Đã thành thông lệ, cứ vào những tháng cuối năm, thanh niên trên khắp mọi miền đất nước lại nô nức tham gia khám sức khỏe, tuyển chọn công dân nhập ngũ. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của thanh niên Việt Nam mà còn là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi công dân khi đã đến tuổi trưởng thành. Quân đội là môi trường “thử lửa” cho thế hệ trẻ hôm nay rèn luyện ý chí, thử thách bản lĩnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. Theo Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 và Điều 4, Thông tư 148/2018/TT-BQP, công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự. Riêng công dân nam được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo thì tuyển chọn và gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này. Để được gọi nhập ngũ, công dân phải có đầy đủ các tiêu chuẩn: lý lịch rõ ràng; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định; có trình độ văn hóa phù hợp. Tuy nhiên, nếu thuộc một trong các trường hợp tại Điều 5 thông tư này thì công dân sẽ được tạm hoãn hoặc miễn gọi nhập ngũ. Thời gian khám sức khỏe từ ngày 01 tháng 11 đến hết ngày 31 tháng 12 hằng năm. Thời gian gọi công dân nhập ngũ một lần vào tháng hai hoặc tháng ba; trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ lần thứ hai. Đối với địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì được điều chỉnh thời gian gọi nhập ngũ.

Để góp phần tạo nguồn xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh, củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hiện nay Đảng, Nhà nước ta chú trọng tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, người dân tộc thiểu số để nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên. Với nguyên tắc thống nhất, công khai, minh bạch, những năm qua, công tác tuyển quân luôn được các địa phương, đơn vị chú trọng, thực hiện đúng đối tượng, trình tự và thủ tục. Nhiều thanh niên hăng hái, sẵn sàng tham gia nhập ngũ và phục vụ lâu dài trong Quân đội. Anh Hoàng Văn Chiến, ở phường Phú Bình, thành phố Huế cho biết: “Được khoác trên mình bộ quân phục là niềm ước ao từ thuở bé. Vì vậy, dù đang có công việc ổn định ở một công ty dệt may nhưng khi nhận được Giấy gọi khám sức khỏe, tôi vẫn sắp xếp để đến khám đúng thời gian. Sức khỏe tôi khá tốt nên chắc chắn sẽ được gọi nhập ngũ lần này. Nhìn hình ảnh các anh bộ đội không ngại hiểm nguy tham gia cứu hộ cứu nạn trong các đợt bão lũ vừa qua, tôi thật sự ngưỡng mộ. Tôi mong rằng mình cũng có được vinh dự và tự hào đó!”

(Ảnh minh họa)

Bên cạnh các công dân viết đơn tình nguyện nhập ngũ, vẫn có một vài trường hợp cá biệt, suy nghĩ lệch lạc, thiếu chính chắn. Nhân thời điểm các địa phương đang tổ chức sơ tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2021, một số trang mạng xã hội xuất hiện các video hướng dẫn cách thức nhằm trốn tránh nhập ngũ. Điển hình là khai man lý lịch, sửa giấy khai sinh, làm giả giấy khám sức khỏe, thay đổi tôn giáo, đeo các loại kính cận thị, viễn thị, sử dụng các chất kích thích để tăng huyết áp, xăm trổ hay thậm chí tự tạo ra các vết thương trên cơ thể. Việc làm này là hoàn toàn sai trái, thể hiện sự xuống cấp nghiêm trọng trong nhận thức của một bộ phận giới trẻ ngày nay. Theo điều 59, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015: Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP: phạt từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng nếu không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi mà không có lý do chính đáng. Phạt từ 02 triệu đồng - 04 triệu đồng nếu người khám sức khỏe gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự; đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe.

Hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự là dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành của mỗi một thanh niên Việt Nam. Các cấp, ban, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống của quê hương, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ niềm tự hào dân tộc, khơi dậy lòng tự hào, tinh thần, ý thức trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng, xã hội. Mọi hành vi kích động, xúi giục người khác trốn tránh việc khám và thực hiện nghĩa vụ quân sự đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật./.

Bài: Hoàng Quý


Tổng số điểm của bài viết là: 21 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 157
Hôm qua : 849
Tháng 04 : 17.636
Tháng trước : 26.473
Năm 2024 : 89.014
Năm trước : 319.267
Tổng số : 1.163.403