• :
  • :
LLVT THỪA THIÊN HUẾ ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH - LLVT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THỰC HIỆN TỐT CUỘC VẬN ĐỘNG " PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, CỐNG HIẾN TÀI NĂNG, XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ"
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA CẤP UỶ ĐỊA PHƯƠNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC QUÂN SỰ QUỐC PHÒNG

 Công tác quân sự quốc phòng địa phương là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng, củng cố quốc phòng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nó có ý nghĩa chiến lược to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là cấp uỷ địa phương đối với công tác quân sự quốc phòng địa phương luôn luôn là nhân tố cơ bản hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của công tác quân sự quốc phòng địa phương. Nó là một khâu quan trọng, trực tiếp cụ thể hoá các quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng, đường lối chiến tranh nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân của đảng. Tiến hành công tác quân sự quốc phòng địa phương cũng là nơi trực tiếp xây dựng, khai thác và bảo vệ mọi tiềm năng tiềm lực quốc phòng, huy động sức người sức của trong nhân dân góp phần to lớn vào việc xây dựng củng cố hậu phương chiến lược của quốc gia, đây là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt cả trong thời bình và thời chiến. Hoạt động công tác quân sự quốc phòng địa phương còn có ý nghĩa trực tiếp thực hiện đường lối của đảng, chủ trương của nhà nước về kết hợp kinh tế với quốc phòng; quốc phòng với kinh tế; quốc phòng với an ninh. Sự kết hợp chặt chẽ đó góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng cả nước đủ sức giữ vững sự ổn định của đất nước trong thời bình và sẵn sàng đáp ứng có hiệu quả mọi yêu cầu của đất nước khi có chiến tranh.

Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, việc thường xuyên tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ địa phương đối với công tác quân sự quốc phòng địa phương vừa là yêu cầu tất yếu khách quan, vừa là vấn đề cấp thiết trong sư nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

 Cấp uỷ địa phương trực tiếp lãnh đạo công tác quân sự quốc phòng địa phương là một tất yếu khách quan.

Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là cấp uỷ địa phương đối với công tác quân sự quốc phòng địa phương luôn luôn là nhân tố cơ bản hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của công tác quân sự quốc phòng địa phương. Tính tất yếu khách quan đó, trước hết là do vai trò lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), tại điều 4 khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc việt nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Thực hiện vai trò đó, Đảng Cộng sản Việt Nam phải có trách nhiệm lãnh đạo mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, an ninh, quốc phòng và lãnh đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Đối với quân đội nhân dân và công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng an ninh, Đảng lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt .

Cấp uỷ địa phương là cơ quan lãnh đạo của đảng bộ địa phương, một bộ phận cấu thành hệ thống lãnh đạo của đảng, chịu trách nhiệm trước toàn đảng bộ và nhân dân địa phương lãnh đạo mọi mặt công tác ở địa phương theo phạm vi chức năng và nội dung quy định cho từng cấp, tất yếu cũng phải thực hiện vai trò lãnh đạo mọi mặt đối với công tác quân sự quốc phòng địa phương.

Cấp uỷ địa phương trực tiếp lãnh đạo công tác quân sự quốc phòng địa phương còn xuất phát từ vị trí chiến lược, đặc điểm tính chất của công tác quân sự quốc phòng địa phương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đòi hỏi. Ta biết rằng địa phương là nơi hiện thực hoá đường lối của đảng trong cuộc sống, công tác quân sự quốc phòng địa phương là một nội dung lãnh đạo của đảng, có một vị trí chiến lược rất quan trọng đòi hỏi phải có một tổ chức đảng đủ thẩm quyền, sát thực tế nắm chắc tình hình mọi mặt của địa phương và có khả năng giải quyết thoả đáng hai nhiệm vụ chiến lược ở địa phương, tổ chức đó chính là cấp uỷ địa phương.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 75 năm qua chứng minh rằng, quá trình đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam ra không có tổ chức đảng phái nào đủ khả năng và điều kiện lãnh đạo cách mạng Việt Nam và đưa sự nghiệp cách mạng đến thành công. Ở địa phương ngoài cấp uỷ địa phương không có một tổ chức hay một cá nhân nào có thể đảm nhiệm nổi vai trò và trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo mọi mặt công tác quân sự quốc phòng ở địa phương. Nếu ở đâu và lúc nào khi mà có biểu hiện coi thường, hạ thấp hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của cấp uỷ địa phương đối với công tác quân sự quốc phòng địa phương, hay cấp uỷ địa phương nhận thức không đầy đủ về vai trò trách nhiệm của mình hoặc không đủ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo công tác quân sự quốc phòng địa phương, thì ở địa phương đó công tác quân sự quốc phòng địa phương hoạt động kém hiệu quả. Vì vậy để hoạt động công tác quân sự quốc phòng địa phương luôn phát triển đúng hướng, hoạt động có hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa thì phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ địa phương.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ địa phương đối với công tác quân sự quốc phòng địa phương vừa là vấn đề cơ bản lâu dài vừa là vấn đề  mang tính cấp thiết. Bởi vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay đã có sự phát triển cả về nội dung và yêu cầu. Sự nghiệp đó đang diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, đặc biệt cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc diễn ra gay go quyết liệt phức tạp. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ra sức đẩy mạnh chiến lược "Diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ, kết hợp dùng vũ lực răn đe, sẵn sàng can thiệp vũ trang khi có thời cơ hòng xoá bỏ chủ nghĩa xã hội và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở nước ta. Tình hình đó đòi hỏi từng địa phương phải được xây dựng toàn diện, bảo đảm chính trị ổn định, kinh tế, văn hoá xã hội phát triển, quốc phòng an ninh được củng cố và tăng cường tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện công tác quân sự quốc phòng địa phương, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, bảo vệ vững chắc địa phương, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện yêu cầu đó, đòi hỏi phải tăng cường trách nhiệm lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của cấp uỷ địa phương đối với công tác quân sự quốc phòng địa phương.

Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, kiên định mục tiêu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân ta. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ, hòng xoá bỏ chủ nghĩa xã hội và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó đặt ra nhiệm vụ chính trị, quân sự địa phương là phải động viên đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang địa phương xây dựng địa phương vững mạnh toàn diện, thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng đánh bại âm mưu chiến lược của mọi kẻ thù, bảo vệ vững chắc địa phương, bảo vệ vững chắc địa bàn trong khu vực tỉnh, huyện, góp phần bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và bảo vệ nhân dân. phải xây dựng cơ sở, xây dưng địa phương vững mạnh toàn diện: chính trị ổn định, kinh tế phát triển, quân sự  mạnh để bảo vệ cơ sở, bảo vệ địa phương, góp phần bảo vệ đất nước.

Sức mạnh của công tác quân sự quốc phòng địa phương là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố, đó là sức mạnh chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, quốc phòng và an ninh… các mặt đó có mối quan hệ khăng khít và gắn bó với nhau, tác động lẫn nhau, đặt ra những đòi hỏi phải có sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo thì mới đạt kết quả cao. Chỉ có cấp uỷ địa phương mới có đủ thẩm quyền và khả năng để lãnh đạo và thực hiện thắng lợi công tác quân sự quốc phòng địa phương mà không có cơ quan, cá nhân nào thực hiện được. Vì thế, để công tác quân sự quốc phòng địa phương phát triển đúng hướng và đạt kết quả cao, phải thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ địa phương. Đây vừa là vấn đề tất yếu khách quan, vừa là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Tính cấp thiết của việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ địa phương đối với công tác quân sự quốc phòng địa phương không chỉ do tình hình cách mạng trong giai đoạn mới đòi hỏi, mà còn do tình hình thực tiễn công tác này trong những năm vừa qua đã bộc lộ một số thiếu sót, nhược điểm cả về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đặc biệt trong cơ chế kinh tế thị trường, khi mà mục tiêu trọng tâm là phát triển kinh tế, đó là nhiệm vụ hàng đầu của các địa phương mà các cấp uỷ cần tập trung lãnh đạo, nhưng kinh tế muốn phát triển phải trên cơ sở của sự ổn định về chính trị xã hội của từng địa phương cũng như trên phạm vi cả nước. Nhưng thực tiễn trong nhận thức cũng như trong chỉ đạo công tác quân sự quốc phòng địa phương của một số cấp uỷ địa phương còn bộc lộ nhiều hạn chế, thậm chí buông lỏng, coi nhiệm vụ đó là của lực lượng vũ trang, hoặc chưa thấy hết tính chất phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa hai con đường, đấu tranh với các thế lực thù địch đang thực hiện chiến lược "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ với cách mạng nước ta, do đó khi xẩy ra tình huống phức tạp tại địa phương, nhiều cấp uỷ địa phương trở nên lúng túng, thậm chí không đủ khả năng tổ chức lực lượng để đối phó kịp thời. Vì vậy, hơn lúc nào hết, tổ chức đảng các cấp cần đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của mình đối với công tác quân sự quốc phòng địa phương, làm cho công tác này được triển khai và thực hiện có hiệu quả, đồng bộ trở thành nền nếp trong thực tế, đúng với vị trí chiến lược của nó.

Từ cơ sở lý luận và thực tiễn trên, đặt ra vấn đề và khẳng định rằng tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ địa phương đối với công tác quân sự quốc phòng địa phương không những là vấn đề tất yếu khách quan, mà còn là yêu cầu cơ bản, và là yêu cầu cấp thiết trong tình hình hiện nay.

 Những  giải pháp cơ bản nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ địa phương đối với công tác quân sự quốc phòng địa phương trong giai đoạn cách mạng hiện nay :

Công tác quân sự quốc phòng địa phương là vấn đề lãnh đạo, tổ chức và phát động quần chúng tham gia xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng và tiến hành chiến tranh nhân dân ở địa phương. Lãnh đạo công tác quân sự quốc phòng địa phương là một trong những nội dung lãnh đạo chủ yếu của cấp uỷ địa phương. Thực hiện vai trò lãnh đạo mọi mặt đối với công tác quân sự quốc phòng địa phương, cấp uỷ địa phương phải lãnh đạo tất cả các nội dung, mọi lực lượng và các khâu, các bước của chu trình lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện công tác quân sự quốc phòng ở địa phương mình. để thực hiện tốt và đầy đủ nội dung đó, trong lãnh đạo và chỉ đạo, các cấp uỷ địa phương cần thực hiện tốt các yêu cầu sau đây:

Một là, lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở.

Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương không những để làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc trong chiến tranh nhân dân bảo vệ tổ quốc, mà còn là lực lượng chủ yếu bảo vệ đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân, bảo vệ sự nghiệp xây dựng và củng cố hậu phương vững mạnh. Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương là phải coi trọng cả bộ đội địa phương, lực lượng dân quân tự vệ và tổ chức quản lý lực lượng dự bị động viên để sẵn sàng động viên cho các đơn vị chủ lực. Phải chăm lo cho các lực lượng vũ trang địa phương thường xuyên vững mạnh có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, trong đó phải lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở để xây dựng các yếu tố khác của chất lượng tổng hợp, làm thất bại âm mưu phi chính trị hoá các lực lượng vũ trang của kẻ thù.

Xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị là xây dựng và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Bảo đảm cho lực lượng này luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, trung thành với đảng, với nhà nước và nhân dân; tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó. muốn làm được nhiệm vụ đó, các cấp uỷ địa phương phải thường xuyên chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ. Phải trên cơ sở quán triệt tình hình nhiệm vụ, đường lối chủ trương chính sách của đảng và nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương để bồi dưỡng phẩm chất đạo đức và lối sống cách mạng, tình yêu quê hương đất nước cho cán bộ chiến sỹ, làm cho cán bộ chiến sỹ luôn luôn trung thành với đảng, với tổ quốc, với nhân dân, kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ quê hương, bảo vệ đất nước.

Kịp thời phát hiện và đấu tranh khắc phục những biểu hiện lơ là mất cảnh giác cách mạng, mơ hồ ảo tưởng trước âm mưu thủ đoạn "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của kẻ thù ở địa phương. Tập trung xây dựng các tổ chức đảng trong lực lượng vũ trang địa phương trong sạch vững mạnh. Các chi bộ, đảng bộ phải tích cực bồi dưỡng phát triển đảng, bảo đảm thường xuyên có tỷ lệ lãnh đạo hợp lý, chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng đảng viên, trước hết đảng viên là cán bộ. Tích cực bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ, sắp xếp đội ngũ cán bộ phù hợp với khả năng, nhiệm vụ, bảo đảm cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ; chú trọng bảo vệ chính trị nội bộ trong lực lượng vũ trang địa phương.

Thường xuyên kiện toàn hệ thống tổ chức tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang địa phương, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị theo nhiệm vụ, chức trách quy định cho từng cấp. Ngoài ra phải thường xuyên chăm lo xây dựng các tổ chức quần chúng trong lực lượng vũ trang địa phương, đưa các tổ chức quần chúng đó vào hoạt động có hiệu quả thiết thực, đặc biệt là nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở địa phương.

Phối hợp và phát huy trách nhiệm của các tổ chức kinh tế xã hội, các ban ngành đoàn thể địa phương tiến hành công tác động viên nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương. Phải thực hiện dân chủ, công bằng và công khai các chủ trương nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang như: tuyển quân, tuyển sinh quân sự, xây dựng dân quân tự vệ, xây dựng lực lượng dự bị động viên. Làm cơ sở để động viên tính tích cực, chủ động, tự giác và trách nhiệm của mọi người, và để quần chúng tự kiểm tra động viên lẫn nhau, khắc phục bằng được các vấn đề tiêu cực trong các vấn đề trên.

Hai là, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, coi trọng xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện.

Thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân không chỉ là thế trận của lực lượng vũ trang nhân dân mà là thế trận của toàn dân, thế trận kết hợp chặt chẽ giữa lao động sản xuất với sẵn sàng chiến đấu, thế trận bảo đảm "địch đến là đánh được, địch đi là tiếp tục lao động sản xuất". Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn địa phương là xây dựng và củng cố thế trận lòng dân gắn với thế trận và lực lượng của quân sự, an ninh nhằm giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phòng chống "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ có hiệu quả. Trên cơ sở thế trận lòng dân vững chắc mà xây dựng các nội dung khác trong thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.

Xây dựng cơ sở là nói đến xây dựng con người và xây dựng tổ chức vững mạnh. Cấp uỷ địa phương phải chỉ đạo chặt chẽ khâu xây dựng cơ sở về chính trị và tổ chức an ninh, phải giải quyết kịp thời các yêu cầu chính đáng của cơ sở để khuyến khích phát triển sản xuất và thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo… của đảng, đi đôi với xây dựng về chính trị phải chăm lo phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội bảo đảm tốt các nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đồng thời thông qua kết quả lao động sản xuất và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh ở địa phương mà xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính quyền và các đoàn thể ở địa phương ngày càng vững mạnh.

Các cấp uỷ địa phương phải lãnh đạo việc xây dựng các phương án và kế hoạch phòng thủ tỉnh, thành, quận, huyện, xã, phường trên địa bàn theo một kế hoạch thống nhất, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả các tình huống khác nhau. Khi xây dựng các công trình kinh tế, văn hoá xã hội cần chuẩn bị phương án để chuyển hướng hoạt động khi có chiến tranh. Cùng với các nhiệm cụ trên, cấp uỷ địa phương cần lãnh đạo chặt chẽ công tác hiệp đồng nhằm phát huy tốt khả năng và trách nhiệm của các đơn vị chủ lực đóng quân trên địa bàn tham gia chuẩn bị thế trận quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân ở địa phương. Thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân ở địa phương không chỉ là của riêng quân dân địa phương, mà là thế trận kết hợp giữa địa phương với các đơn vị chủ lực đóng ở địa bàn của tỉnh, thành, quận, huyện; giữa thế trận trong từng khu vực với thế trận chung trên phạm vi cả nước. Vì vậy, các cấp uỷ cần có kế hoạch chủ động thu hút, huy động khả năng của các đơn vị chủ lực đóng quân ở địa phương nào cần nêu cao trách nhiệm tham gia xây dựng hậu phương tại chỗ về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quân sự, an ninh, quốc phòng…

Ba là, lãnh đạo việc kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh; quốc phòng và an ninh với kinh tế, từng bước tạo ra hậu cần tại chỗ và hậu phương trực tiếp của chiến tranh.

 Sức mạnh quốc phòng an ninh của mỗi địa phương là sức mạnh tổng hợp của các mặt: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quân sự, an ninh… các mặt đó có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Chính trị ổn định là điều kiện để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; khi kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng nâng cao là điều kiện bảo đảm cho quốc phòng an ninh được xây dựng củng cố về mặt vật chất và tiềm lực. Ngược lại quốc phòng, an ninh mạnh là điều kiện giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm cho kinh tế phát triển.

Do vậy, phải trên cơ sở xây dựng và phát triển kinh tế mà củng cố quốc phòng an ninh, thực hiện mỗi bước tiến của phát triển kinh tế ở địa phương lại tăng thêm khả năng củng cố quốc phòng, cung cấp hậu cần tại chỗ rộng khắp, tăng thêm mạng lưới cơ sở hạ tầng để bảo đảm kỹ thuật cơ động và chăm sóc sức khoẻ cho lực lượng quốc phòng an ninh và các lực lượng vũ trang. Ngược lại, phải từ khả năng và thực lực có thể bảo vệ của quốc phòng và an ninh mà thực hiện quy hoạch xây dựng và phát triển kinh tế cho phù hợp bảo đảm cho mỗi công trình kinh tế văn hoá khoa học kỹ thuật… do thành tựu của sự phát triển kinh tế xây dựng lên, đều là những công trình mang dấu ấn văn hoá sâu sắc, đáp ứng nhu cầu thoả mãn ngày càng tốt hơn về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được bảo vệ chu đáo và an toàn, nhưng khi có chiến tranh xảy ra, chúng đều có thể là những cơ sở phục vụ đắc lực cho quân sự và chiến tranh. Muốn vậy cấp uỷ cơ sở phải làm cho mọi cấp, mọi ngành và toàn thể nhân dân địa phương thấu suốt hai nhiệm vụ chiến lược; thấy rõ phải thường xuyên kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế và an ninh để có ý thức và có kế hoạch kết hợp trong thực tế.

Phải chỉ đạo các cấp các ngành và các cơ quan chức năng hiệp đồng và kết hợp chặt chẽ với nhau trong mọi hoạt động, nhất là trong quy hoạch phát triển kinh tế tổng thể của địa phương. Phải thông qua quy hoạch tổng thể và của kế hoạch lớn và đồng thời phải có quy chế về sự kết hợp đó. Trong quá trình lãnh đạo và chỉ đạo sự kết hợp kinh tế với quốc phòng, kết hợp  quốc phòng và kinh tế tại địa phương, cấp uỷ địa phương cần phải làm cho mọi cấp mọi ngành và toàn thể nhân dân địa phương nhận thức rõ những vấn đề cần thiết bảo đảm cho sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu thắng lợi ở các trọng điểm dù chi phí tốn kém cũng phải tập trung sức người sức của thực hiện cho bằng được; những vấn đề có lợi cho cả kinh tế và quốc phòng thì ưu tiên thực hiện trước. Việc nào quốc phòng cần nhưng có thể thực hiện sau thì để lại chuẩn bị đầy đủ rồi mới làm, hoặc chỉ làm thí điểm để rút kinh nghiệm. Khi xây dựng các công trình kinh tế văn hoá xã hội cần tính toán đến khả năng kế hoạch bảo vệ và duy trì hoạt động khi có chiến tranh xảy ra, có phương án kịp thời chuyển hướng phục vụ cho quốc phòng.

Trong quá trình lãnh đạo việc kết hợp kinh tế với quốc phòng cần kịp thời đấu tranh khắc phục tư tưởng cục bộ, bản vị , thiên lệch một chiều, không kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ kinh tế quốc phòng và an ninh ở địa phương. Các cấp uỷ địa phương cần làm cho cán bộ chiến sỹ các lực lượng vũ trang địa phương nhận rõ trách nhiệm tham gia xây dựng kinh tế ở địa phương, chỉ đạo chặt chẽ các lực lượng vũ trang địa phương tham gia lao động sản xuất một cách có kế hoạch. Khi quyết định các vấn đề về nhiệm vụ quốc phòng an ninh ở địa phương cần tính đến thực trạng kinh tế của địa phương cả về sản xuất và đời sống của nhân dân. Phải hết sức tiết kiệm trong huy động và sử dụng sức người, sức của của nhân dân trong công tác quân sự quốc phòng ở địa phương.

Bốn là, lãnh đạo xây dựng cơ quan quân sự và đội ngũ cán bộ quân sự địa phương vững mạnh, đủ sức làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương về công tác quân sự quốc phòng.

Cơ quan quân sự địa phương và đội ngũ cán bộ quân sự địa phương là lực lượng nòng cốt làm tham mưu cho cấp uỷ chính quyền địa phương về công tác quân sự quốc phòng và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của công tác quân sự quốc phòng địa phương. Để giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương quản lý điều hành tốt công tác quân sự quốc phòng địa phương, các cấp uỷ phải thường xuyên chăm lo xây dựng cơ quan quân sự và đội ngũ cán bộ quân sự địa phương vững mạnh. Yêu cầu đối với cơ quan quân sự và cán bộ quân sự địa phương là phải thường xuyên nắm chắc tình hình mọi mặt của địa phương và các chủ trương kinh tế xã hội của cấp uỷ để nghiên cứu và đề đạt được với cấp uỷ, chính quyền các biện pháp tổ chức thực hiện cụ thể của công tác quân sự quốc phòng địa phương phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

 Cấp uỷ địa phương phải chăm lo xây dựng và bồi dưỡng cho cán bộ quân sự và cơ quan quân sự địa phương có năng lực hướng dẫn kiểm tra các ban ngành đoàn thể và các đơn vị cơ sở địa phương thực hiện các nhiệm vụ của công tác quân sự quốc phòng địa phương theo chức năng, cần phải có kế hoạch huấn luyện bồi dưỡng cho cơ quan quân sự và đội ngũ cán bộ quân sự có trình độ về mọi mặt, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và chức trách được giao, có khả năng chỉ huy đơn vị vũ trang chiến đấu trong khu vực phòng thủ, hoặc hiệp đồng phối hợp chiến đấu với các đơn vị chủ lực tác chiến trên địa bàn.

 Phải khắc phục nhận thức coi cán bộ quân sự địa phương chỉ là cán bộ hoạt động phong trào, hoặc quá nhấn mạnh về yêu cầu chỉ huy quân sự. Cùng với việc nâng cao năng lực bồi dưỡng công tác cho cơ quan quân sự và đội ngũ cán bộ quân sự địa phương, các cấp uỷ địa phương phải thường xuyên chăm lo kiện toàn về mặt tổ chức, phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của quân đội lựa chọn và bố trí cán bộ phù hợp với năng lực từng người, trong đó cần chú trọng các vị trí chủ trì, phải kết hợp công tác cán bộ với công tác xây dựng tổ chức đảng, kết hợp chặt chẽ công tác xây dựng rèn luyện đội ngũ cán bộ với công tác xây dựng giáo dục rèn luyện đội ngũ đảng viên. Do đó trong lãnh đạo xây dựng cơ quan quân sự và đội ngũ cán bộ quân sự địa phương, cấp uỷ địa phương cùng với hệ thống Đảng uỷ quân sự cần thường xuyên chăm lo xây dựng toàn diện, chú trọng bồi dưỡng cho cơ quan quân sự và cán bộ quân sự có đủ khả năng làm tròn nhiệm vụ là trung tâm hiệp đồng, chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra các ban ngành, đoàn thể và cơ sở trong thực hiện công tác quân sự quốc phòng ở địa phương.

Năm là, xây dựng đảng bộ quân sự địa phương trong sạch, vững mạnh có sức chiến đấu cao.

 Đảng bộ quân sự địa phương là tổ chức đảng trực thuộc đảng bộ địa phương, thành lập theo quy định về tổ chức đảng trong quân đội, vừa chịu sự lãnh đạo về mọi mặt của cấp uỷ địa phương, vừa chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo về mặt quân sự, quốc phòng và công tác đảng, công tác chính trị của Đảng uỷ quân sự và cơ quan chính trị cấp trên. Đảng bộ quân sự địa phương có chức năng nhiệm vụ và vai trò rất quan trọng trong tổ chức thực hiện công tác quân sự quốc phòng địa phương. Do vậy, cấp uỷ địa phương phải quan tâm lãnh đạo và xây dựng đảng bộ quân sự địa phương trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu cao ngang tầm với chức năng nhiệm vụ. Phải thường xuyên kiện toàn Đảng uỷ quân sự địa phương theo đúng quy định bảo đảm đủ số lượng và chất lượng, hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ là cơ quan lãnh đạo mọi mặt cơ quan quân sự và các đơn vị bộ đội địa phương thuộc quyền thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ do cấp uỷ địa phương và đảng uỷ quân sự cấp trên giao; đồng thời đảng uỷ quân sự địa phương còn là cơ quan tham mưu cho cấp uỷ địa phương về nội dung lãnh đạo công tác quân sự quốc phòng địa phương, chấp hành đúng chính sách hậu phương quân đội tại địa phương. như vậy xây dựng cấp uỷ quân sự địa phương vừa thực hiện chức năng lãnh đạo, đảng uỷ quân sự địa phương còn thực thiện chức năng làm tham mưu cho cấp uỷ địa phương về công tác quân sự quốc phòng tại địa phương.

 Để làm tròn chức năng nhiệm vụ của mình, đảng uỷ quân sự địa phương phải thực sự là một tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, có năng lực và sức chiến đấu cao, thường xuyên nắm vững đường lối quan điểm của đảng, nắm vững nhiệm vụ chính trị và đặc điểm của địa phương; nắm vững chủ trương nhiệm vụ của Đảng uỷ quân sự cấp trên về nhiệm vụ quân sự quốc phòng trong tình hình mới; nắm vững mọi mặt nhiệm vụ của lực lượng vũ trang địa phương; có kiến thức toàn diện chuyên sâu và luôn luôn chủ động trong công tác; biết căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để lựa chọn các vấn đề tham mưu cho cấp uỷ địa phương đúng, trúng có hiệu quả, lãnh đạo cơ quan quân sự và các đơn vị bộ đội địa phương thuộc quyền hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Sáu là, lãnh đạo thực hiện tốt các chính sách về quân sự quốc phòng của đảng và nhà nước ở địa phương.

Những chủ trương chính sách lớn của đảng và nhà nước trực tiếp liên quan đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng và an ninh là chính sách xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; chính sách xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; chính sách xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân; chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với gia đình thương binh liệt sỹ…  Cấp uỷ địa phương cần coi trọng công tác giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân, đặc biệt là cơ quan chuyên trách thực hiện tốt chính sách mà đảng và nhà nước đã ban hành. Kết hợp chặt chẽ khả năng bảo đảm của nhà nước với việc phát huy tính chủ động, tích cực của địa phương thực hiện tốt chính sách ở địa phương, bảo đảm thực hiện chính sách ở địa phương chu đáo công khai, công bằng, dân chủ và đúng pháp luật.

Bảy là, lãnh đạo xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng ở địa phương để làm tốt công tác quân sự quốc phòng địa phương.

Thực hiện công tác quân sự quốc phòng ở địa phương là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, trong tình hình hiện nay đòi hỏi cấp uỷ địa phương phải lãnh đạo xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng ở địa phương để làm tốt công tác quân sự quốc phòng địa phương.

Tám là, thường xuyên đi sát cơ sở nắm chắc tình hình, dự kiến chính xác các tình huống, có phương án xử lý kịp thời, kiên quyết khẩn trương, khôn khéo, nhanh gọn các tình huống, không để lan rộng, không để các thế lực thù địch lấy cớ can thiệp.

Tóm lại: công tác quân sự quốc phòng địa phương là một bộ phận trong toàn bộ công tác quân sự quốc phòng của đảng và nhà nước, có vị trí chiến lược quan trọng trong các thời kỳ cách mạng của đảng. Dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ địa phương, công tác quân sự quốc phòng địa phương đã phát huy vai trò to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, với đường lối đổi mới vì mục tiêu xã hội chủ nghĩa, trước hoàn cảnh trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Đảng ta chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân để bảo vệ tổ quốc. Vì vậy công tác quân sự quốc phòng địa phương càng có tầm quan trọng đặc biệt, đòi hỏi phải tăng cường trách nhiệm lãnh đạo của cấp uỷ địa phương, tạo nên sức mạnh tổng hợp ở địa phương để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quân sự quốc phòng. Muốn thực hiện được điều đó, cấp uỷ địa phương, các cấp các ngành ở địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm quán triệt nắm vững và thực hiện tốt cơ chế lãnh đạo của đảng đối với công tác quân sự quốc phòng địa phương; vận dụng sáng tạo các nội dung, yêu cầu lãnh đạo phù hợp với tình hình nhiệm vụ và điều kiện thực tế ở địa phương, có như vậy công tác quân sự quốc phòng ở địa phương mới phát triển đúng hướng và đạt kết quả cao. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh,bảo vệ vững chắc tổ quốc vịêt nam xã hội chủ nghĩa . 

 

Thiếu tá Đào Ngọc Thành

CHÍNH TRỊ VIÊN - BAN CHQS HUYỆN PHÚ VANG

                         

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 93 trong 79 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 348
Hôm qua : 1.437
Tháng 12 : 5.569
Tháng trước : 24.168
Năm 2024 : 318.802
Năm trước : 319.267
Tổng số : 1.393.191