• :
  • :
LLVT THỪA THIÊN HUẾ ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH - LLVT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THỰC HIỆN TỐT CUỘC VẬN ĐỘNG " PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, CỐNG HIẾN TÀI NĂNG, XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ"
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ ĐẠI TƯỚNG LÊ TRỌNG TẤN (01/10/1914 - 01/10/2024)

I. KHÁI QUÁT TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐẠI TƯỚNG LÊ TRỌNG TẤN

Đồng chí Đại tướng Lê Trọng Tấn ( 1914 - 1986)

Đồng chí Lê Trọng Tấn (tên thật là Lê Trọng Tố), sinh ngày 01 tháng 10 năm 1914 trong một gia đình nông dân yêu nước tại thôn An Định, làng Nghĩa Lộ, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Được giác ngộ cách mạng, năm 1944 đồng chí Lê Trọng Tấn tham gia Mặt trận Việt Minh và làm công tác binh vận ở Bạch Mai, Hà Nội. Tháng 3 năm 1945, đồng chí được phái về huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông làm công tác tuyên truyền, tổ chức xây dựng cơ sở cách mạng và huấn luyện tự vệ. Tháng 6 năm 1945, cùng với một số đồng chí khác chỉ huy diệt đồn Đồng Quan, sau đó được cử làm Ủy viên phụ trách quân sự trong Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Hà Đông và tham gia chỉ đạo cướp chính quyền tỉnh. Đồng chí nhập ngũ bắt đầu từ thời điểm này.

Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 12 năm 1945 đồng chí Lê Trọng Tấn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Lê Trọng Tấn đảm nhiệm nhiều chức vụ chỉ huy quân đội từ trung đoàn phó đến đại đoàn trưởng.

Từ tháng 12 năm 1945 đến năm 1949, đồng chí Lê Trọng Tấn đã giữ các chức vụ Trung đoàn phó rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 148 (Sơn La), Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 (Sông Lô), cùng với tập thể lãnh đạo, chỉ huy đơn vị bám trụ, đứng vững trên chiến trường, liên tục tiến công tiêu diệt địch và tiến hành vũ trang tuyên truyền khôi phục, phát triển cơ sở cách mạng ở vùng sau lưng địch, góp phần phá vỡ âm mưu bình định khu Tây Bắc của bọn thực dân xâm lược.

Từ năm 1950 đến năm 1954, đồng chí Lê Trọng Tấn được Trung ương Đảng điều về làm quyền Đại đoàn trưởng, sau đó là Đại đoàn trưởng, Phó Bí thư Đại đoàn ủy Đại đoàn 312, cùng với tập thể Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Đại đoàn nhanh chóng kiện toàn tổ chức, thực hiện “vừa xây dựng vừa tác chiến”; chỉ huy Đại đoàn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong các chiến dịch Trung Du, Hoàng Hoa Thám, Lý Thường Kiệt (1951), Hòa Bình, Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953). Đại đoàn hai lần được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Hai. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), Đại đoàn 312 do đồng chí chỉ huy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vinh dự được nhận cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, từ tháng 7 năm 1954, đồng chí Lê Trọng Tấn được cử giữ chức Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục Quân (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1), đồng chí đã đem kiến thức và kinh nghiệm của mình cùng với các đồng chí khác ra sức xây dựng nhà trường, cải tiến công tác đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, hiện đại và tạo nguồn cán bộ quân sự chi viện cho miền Nam chuẩn bị tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Năm 1958, đồng chí Lê Trọng Tấn được phong quân hàm Đại tá. Năm 1961, đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng và được cử giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, có nhiều đóng góp nhằm xây dựng cơ quan tham mưu chiến lược ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “Bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam”.

Năm 1964, đồng chí Lê Trọng Tấn được cử vào miền Nam giữ chức Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Ủy viên Quân ủy Miền. Đồng chí đã có nhiều công lao, đóng góp vào việc xây dựng các đơn vị chủ lực của lực lượng vũ trang; phát triển thế trận chiến tranh nhân dân; xây dựng quyết tâm đánh Mỹ, cách thắng Mỹ; nghệ thuật tác chiến của lực lượng vũ trang nhân dân trên chiến trường miền Nam và giành thắng lợi trong các chiến dịch Bình Giã, An Lão (1964), Đồng Xoài, Ba Gia, Bầu Bàng - Dầu Tiếng, Pleime (1965), đánh bại các cuộc hành quân lớn của địch vào vùng giải phóng miền Đông Nam Bộ (1965), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968).

Năm 1970, Trung ương Đảng điều động đồng chí về lại miền Bắc giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 3 năm 1971, đồng chí là Tư lệnh chiến dịch Đường số 9 - Nam Lào. Tháng 12 năm 1971, đồng chí là đặc phái viên Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Bộ chỉ huy Quân giải phóng nhân dân Lào, tham gia chỉ đạo chiến dịch Cánh Đồng Chum (Thượng Lào).

Năm 1972, đồng chí Lê Trọng Tấn là Tư lệnh chiến dịch Trị Thiên. Năm 1973, đồng chí là Phó Tổng tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Quân đoàn 1. Năm 1974, đồng chí được thăng quân hàm Trung tướng. Tháng 3 năm 1975, đồng chí là Tư lệnh chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng. Tháng 4 năm 1975, đồng chí là Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp chỉ huy cánh quân phía Đông tham gia giải phóng Sài Gòn.

Sau khi đất nước được hoàn toàn độc lập và thống nhất, năm 1976, đồng chí Lê Trọng Tấn là Phó Tổng tham mưu trưởng kiêm Viện trưởng Học viện quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng) và là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, Ủy viên Quân ủy Trung ương, có nhiều chỉ đạo, đóng góp vào việc tổng kết kinh nghiệm trong các cuộc chiến tranh, nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự, góp phần vào việc xây dựng lý luận quân sự cách mạng Việt Nam, xây dựng nền móng của Học viện quân sự cấp cao trong thời kỳ mới thành lập.

Năm 1978, đồng chí Lê Trọng Tấn được cử giữ chức Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Năm 1979, đồng chí Lê Trọng Tấn, tham gia chỉ huy quân tình nguyện    Việt Nam phối hợp với quân và dân Campuchia giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Sau đó, đồng chí về lại Bộ Tổng tham mưu, tham gia chỉ huy, chỉ đạo tổ chức phòng thủ đất nước, củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Năm 1980, đồng chí Lê Trọng Tấn được thăng quân hàm Thượng tướng. Năm 1981, đồng chí được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VII. Năm 1982, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương khóa V. Tháng 12 năm 1984, đồng chí được thăng quân hàm Đại tướng. Năm 1985, đồng chí được chỉ định làm Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Do công lao và những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã được Đảng và Nhà nước ta tặng, truy tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng (truy tặng năm 2007), 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Quân công hạng Nhất, 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 1 Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Đồng chí còn được quân đội một số nước anh em tặng thưởng nhiều huân chương cao quý khác.

Đồng chí mất ngày 5 tháng 12 năm 1986 sau một cơn đau tim đột ngột, tại Hà Nội.

II. CỐNG HIẾN CỦA ĐẠI TƯỚNG LÊ TRỌNG TẤN ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG VIỆT NAM

1. Đại tướng Lê Trọng Tấn - Nhà quân sự mưu lược, sáng tạo và quyết đoán; người thực hiện xuất sắc những ý đồ chiến lược quân sự của Đảng và Bác Hồ

Trưởng thành trong khói lửa của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, từ chỉ huy đánh đồn Đồng Quan giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nét nổi bật về tài năng quân sự của Đại tướng Lê Trọng Tấn là chỉ huy giành thắng lợi trong nhiều chiến dịch; một vị tướng trận mạc, luôn có mặt ở những chiến trường gai góc và nóng bỏng nhất, có khả năng chỉ huy làm xoay chuyển cục diện chiến trường, “biểu trưng cho những quả đấm thép của Quân đội nhân dân Việt Nam”, được “mệnh danh là Giu-cốp của Việt Nam”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: Đại tướng Lê Trọng Tấn “là một người chỉ huy dũng cảm và sáng tạo, mưu lược và quyết đoán, có ý thức trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật rất cao, trong hoàn cảnh gay go phức tạp thế nào, đồng chí cũng tìm cách khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”; Thượng tướng Hoàng Cầm khẳng định: “Đại tướng Lê Trọng Tấn thông minh, quả cảm, rất được bộ đội yêu mến. Tài chỉ huy chiến dịch của ông khó ai sánh bằng”.

Trong chiến dịch Việt Bắc (1947), Trung đoàn 87 của Khu 10 do đồng chí Lê Trọng Tấn chỉ huy đã lập công xuất sắc trên sông Lô, góp phần cùng với quân dân Việt Bắc đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn và làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp; bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ địa của cả nước, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển sang một thời kỳ mới. Sau chiến thắng, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gắn Huân chương Quân công và danh hiệu “Trung đoàn Sông Lô” cho Trung đoàn 87.

Trong chiến dịch Sông Thao (1949), đồng chí Lê Trọng Tấn được cấp trên giao làm Tư lệnh chiến dịch. Đây là một trong những chiến dịch đánh lớn đầu tiên của Quân đội ta. Chiến dịch kết thúc thắng lợi, ta đã tiêu diệt và bức rút 25 cứ điểm, phá vỡ một mảng lớn phòng tuyến Sông Thao, tạo thế liên hoàn nối liền vùng tự do của ba tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái. Qua chiến dịch, bộ đội chủ lực tiến bộ vượt bậc về chiến thuật diệt cứ điểm. Lần đầu tiên trong một chiến dịch ta tiêu diệt hoàn toàn một tiểu khu địch gồm nhiều vị trí lớn nhỏ có công sự vững chắc.

Trong chiến dịch Biên Giới (1950), Trung đoàn 209 do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Trung đoàn trưởng, được Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ định làm Chỉ huy phó trận tiến công tiêu diệt cứ điểm Đông Khê trực tiếp chỉ huy đánh bại Binh đoàn Sác-tông, góp phần vào thắng lợi, tạo ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến, góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh: Ta bước sang giai đoạn chiến lược phản công và tiến công, đẩy Pháp chuyển dần sang thế bị động, phòng ngự. 

Trong chiến dịch Tây Bắc (1952), Đại đoàn 312 do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Đại đoàn trưởng được giao nhiệm vụ tiến công trên hướng chủ yếu và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch, giữ vững thế chủ động tiến công, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng của địch.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), với bản lĩnh chỉ huy kiên quyết, sáng tạo, đồng chí Lê Trọng Tấn đã cùng tập thể chỉ huy động viên, khơi dậy sức mạnh ý chí của cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312 quán triệt và thực hiện tốt việc chuyển phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, tổ chức tiến công tiêu diệt địch ở Him Lam, mở màn chiến dịch, đập tan cái gọi là “Quả đấm sắt”, “Một đơn vị thần thoại chưa bao giờ bị thua một trận nào” của Pháp tại Điện Biên Phủ, xoá sổ tiểu đoàn lê dương 3/13 DBLE, diệt 300 tên, bắt 200 tên, khiến bộ chỉ huy quân Pháp bàng hoàng và binh lính địch ở các cứ điểm khác trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lo sợ. Thắng lợi đã tạo được niềm tin và sức chiến đấu mới cho bộ đội trên toàn mặt trận. Trên đà thắng lợi, đồng chí Lê Trọng Tấn tiếp tục chỉ huy, chỉ đạo Trung đoàn 165 phối hợp với Đại đoàn 308 tiến công chiếm cứ điểm Độc Lập, bức hàng Bản Kéo, sau đó chỉ huy Đại đoàn 312 tiến công tiêu diệt các vị trí đồi E, D1, D2, 105, 505, 505A, 506, 507, 508, 509… phát triển tiến công đánh thẳng vào trung tâm sở chỉ huy Mường Thanh, bắt sống tướng Đờ Cát và toàn bộ bộ tham mưu GONO vào lúc 17 giờ 30 ngày 7 tháng 5 năm 1954, phất cao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho Đại đoàn trên nóc hầm Đờ Cát, ghi nhận sự thắng lợi hoàn toàn của chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau này, Đờ Cát đã thú nhận, bày tỏ sự khâm phục đối với đơn vị đánh đầu tiên Điện Biên Phủ và cũng chính là đơn vị đã bắt sống Bộ chỉ huy quân Pháp vào những ngày cuối cùng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh biên giới Tây Nam, trí tuệ, tài thao lược của Đại tướng Lê Trọng Tấn, tiếp tục được khẳng định  trong những chiến dịch lớn mà đồng chí được cử làm Tư lệnh chiến dịch.

Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (20/01-23/3/1971), là một chiến dịch phản công, đánh tiêu diệt quy mô lớn, trên cương vị Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Lê Trọng Tấn đã cùng tập thể chỉ huy quân và dân ta chiến đấu ngoan cường, mưu trí, giành thắng lớn. Sau hơn 50 ngày đêm chiến đấu, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 21.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 528 xe tăng, xe bọc thép… Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào giành thắng lợi đã đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, tác động mạnh đến cục diện chiến trường, giáng đòn nặng vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đẩy mạnh tiến công tiêu diệt địch.

Trong chiến dịch Trị Thiên (1972), đồng chí Lê Trọng Tấn là Tư lệnh chiến dịch đã cùng tập thể chỉ huy quân và dân ta tiến công loại khỏi vòng chiến đấu hơn 27.000 tên địch, thu và phá hủy 636 xe tăng, xe bọc thép, 1.870 xe quân sự… giải phóng tỉnh Quảng trị và một số xã tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng, tiến tới góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút quân về nước. 

Trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng (3/1975), Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn  đã chỉ huy các lực lượng làm nên chiến công vang dội, góp phần làm tan rã quân đội Sài Gòn, đập tan ý đồ co cụm chiến lược của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta tập trung lực lượng thực hiện đòn tiến công chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam Việt Nam.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (4/1975), đồng chí Lê Trọng Tấn là Phó Tư lệnh chiến dịch trực tiếp chỉ huy cánh quân phía Đông và Đông Nam, gồm Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng Sài Gòn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Đập tan tuyến phòng thủ từ xa của địch ở Phan Rang, hành quân thần tốc tiêu diệt các ổ đề kháng của địch, tiến vào Dinh Độc Lập bắt sống tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong chiến tranh biên giới Tây Nam (1979), đồng chí được cử làm Tư lệnh mặt trận Tây Nam, với tài thao lược đồng chí Lê Trọng Tấn đã chỉ huy quân và dân ta phối hợp chặt chẽ với quân và dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng và giành những thắng lợi to lớn, giải phóng toàn Thủ đô Phnôm Pênh (7/01/1979), giúp đất nước Campuchia hồi sinh, xây dựng lại đất nước.

2. Đại tướng Lê Trọng Tấn - Nhà chiến lược quân sự có tầm nhìn xa trông rộng nhưng cũng rất cụ thể

Đại tướng Lê Trọng Tấn - Nhà chiến lược quân sự có tầm nhìn xa trông rộng được thể hiện trước hết trong công tác tham mưu, tác chiến mà đồng chí đảm nhận. Từ năm 1961 đến năm 1978, đồng chí là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Tư lệnh của nhiều mặt trận; từ năm 1978 đến năm 1986, đồng chí là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Đại tướng Lê Trọng Tấn đã góp phần quan trọng giúp Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương hoạch định kế hoạch quân sự trong kháng chiến và xây dựng đất nước. Chỉ tính riêng hai chiến dịch lớn có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX (Điện Biên Phủ và Hồ Chí Minh) đều in đậm dấu ấn của nhà tham mưu chiến lược tài giỏi Lê Trọng Tấn.

Mùa hè năm 1953, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng, đồng chí Lê Trọng Tấn và đồng chí Cao Văn Khánh được giao nhiệm vụ phụ trách tổ nghiên cứu chuyên đề “Tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm”. Trên cơ sở nghiên cứu những kinh nghiệm thành công và thất bại của bộ đội ta khi tiến công tập đoàn cứ điểm Nà Sản, dựa vào cách bố trí của địch ở thị xã Hòa Bình trong chiến dịch Hòa Bình, cùng với việc tham khảo kinh nghiệm của quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc và Hồng quân Liên Xô, tổ nghiên cứu đã biên soạn tài liệu tiến công tập đoàn cứ điểm. Trong tư duy của Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn và Đại đoàn phó Đại đoàn 308 Cao Văn Khánh - Những con người chỉ huy tài giỏi của hai Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta thì “Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ” không có gì là ghê gớm như quân đội Pháp tuyên truyền. Đồng chí Lê Trọng Tấn nhận xét: “Quá trình nghiên cứu, biên soạn, chúng tôi xem xét những chỗ mạnh, những chỗ yếu thực sự của tập đoàn cứ điểm, không lấy nguyện vọng chủ quan của mình thay cho hiện thực... Đặt vấn đề rồi lại tự trả lời, chúng tôi đã đi đến kết luận: trước hết hình thức của tập đoàn cứ điểm không phải là một sản phẩm của trí tuệ. Sự xuất hiện tập đoàn cứ điểm có nguyên nhân của nó. Đó là sự trưởng thành về tác chiến của quân đội ta”. Đây là một kết luận rất quan trọng. Kết luận đó dựa trên cơ sở nghiên cứu đối tượng tác chiến trong tàm nhìn chiến lược về đánh giá tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch. Chuyên đề “Tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm” được Bộ Quốc phòng thảo luận làm tiền đề cho phương án tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là sự đóng góp to lớn của hai nhà tham mưu chiến lược cho chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Từ đầu năm 1973, sau khi ký Hiệp định Pari về Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ Tổng tham mưu thành lập Tổ Trung tâm để nghiên cứu kế hoạch quân sự giải phóng miền Nam. Tổ Trung tâm do đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng làm Tổ trưởng và một số thành viên khác tham gia. Nhiều vấn đề về chiến lược được đặt ra và thảo luận tại Tổ, làm tiền đề để Bộ Quốc phòng dự thảo “Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam”.

Tháng 7 năm 1974, tại Đồ Sơn, Hải Phòng, đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có cuộc làm việc riêng với hai Phó Tổng tham mưu trưởng là đồng chí Hoàng Văn Thái và đồng chí Lê Trọng Tấn. Tại cuộc họp, đồng chí Lê Trọng Tấn, Tổ trưởng Tổ Trung tâm báo cáo với đồng chí Tổng Bí thư “Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam” đã qua 8 lần dự thảo, lắng nghe nhiều ý kiến chỉ đạo, góp ý của các đồng chí trong Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương để bổ sung vào kế hoạch. Tại hội nghị Bộ Chính trị từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 8 tháng 10 năm 1974, các đồng chí trong Quân ủy Trung ương cùng dự. Đại tướng Lê Trọng Tấn báo cáo Đề án kế hoạch chiến lược hai năm và riêng năm 1975 với quyết tâm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Sau hai ngày thảo luận, Bộ Chính trị thống nhất với kết luận của đồng chí Lê Duẩn: Quyết tâm của ta là động viên nỗ lực toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân ngụy, đánh chiếm Sài Gòn - sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền trung ương và các cấp, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Năm 1975, sau chiến thắng Phước Long, Bộ chính trị có cơ sở khẳng định quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975. Hội đồng khoa học quân sự Bộ Quốc phòng được thành lập do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Chủ tịch; Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng làm Phó Chủ tịch thứ nhất; hai Phó Tổng Tham mưu trưởng là Thượng tướng Hoàng Văn Thái và đồng chí Lê Trọng Tấn làm Phó Chủ tịch thường trực. Nhiệm vụ của Hội đồng là nghiên cứu và từng bước có kế hoạch rà soát từng chuyên đề của kế hoạch Tổng tiến công giải phóng miền Nam của Bộ Tổng Tham mưu đã dự thảo, trao đổi những vấn đề lớn về chiến dịch, kinh nghiệm về tiến công và nổi dậy, cũng như những vấn đề về lý luận quân sự, nghệ thuật quân sự đã được tổng kết.

Ngay sau Hội nghị Bộ Chính trị bàn về Kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, ngày 9 tháng 01 năm 1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp có sự tham gia của các đồng chí: Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Lê Trọng Tấn và đồng chí Hoàng Minh Thảo, trọng tâm bàn về chiến dịch Tây Nguyên. Ngày 4 tháng 3 năm 1975, chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu nhưng ngay từ đầu tháng 2, đồng chí Lê Trọng Tấn đã đề nghị và được Quân ủy Trung ương đồng ý việc nghiên cứu kế hoạch tác chiến các bước tiếp theo chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Sài Gòn. Khi Tổng Tư lệnh hạ quyết tâm mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng thì đồng chí được cử làm Tư lệnh chiến dịch và đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Sau chiến thắng Huế - Đà Nẵng, đồng chí Lê Trọng Tấn cũng là người nêu ý kiến về việc thành lập cánh quân phía Đông theo quốc lộ 1 tiến vào Sài Gòn. Thực tiễn chứng minh đề nghị ấy là chuẩn xác, có tầm chiến lược. Đó là một hướng tiến công rất lợi hại trong chiến dịch mang tên Bác. Được sự đồng ý của đồng chí Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cánh quân phía Đông được thành lập và do đồng chí làm chỉ huy đã thần tốc tiến vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Trong Hội nghị tổng kết cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương: “Cánh quân phía Đông là sáng tạo của Bộ Tổng Tham mưu vì nó không có từ đầu trong kế hoạch giải phóng miền Nam”.

Từ những trải nghiệm sâu sắc thực tiễn chiến trường và trước những yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra, đồng chí Lê Trọng Tấn đã viết nhiều tác phẩm, luận văn quân sự có giá trị cùng hàng chục bài báo đăng trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước. Tiêu biểu như: “Cuộc chiến Đông Xuân 1953 - 1954 - Một bước phát triển sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam”; “Mấy vấn đề nghệ thuật quân sự trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975”; “Xây dựng mỗi huyện thành một pháo đài quân sự”; “Mấy vấn đề chỉ đạo và chỉ huy tác chiến”; “Mấy vấn đề cần nắm vững trong công tác chỉ đạo huấn luyện chiến đấu hiện nay”; “Quan điểm thực tiễn trong huấn luyện quân sự”; “Nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ chỉ huy và cơ quan chỉ huy các binh đoàn”; “Dân quân tự vệ một lực lượng cách mạng to lớn”; “Mấy vấn đề công tác nhà trường quân sự”; “Toàn quân hành động theo điều lệnh, nâng cao trình độ chính quy của Quân đội ta”; “Về công tác khoa học quân sự hiện nay”... Các tác phẩm mà đồng chí Lê Trọng Tấn để lại thực sự là những công trình khoa học, tổng kết giàu tính thực tiễn và lý luận nhằm tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Quân đội những vấn đề chiến lược về quân sự, quốc phòng nhưng cũng rất cụ thể. Nội dung chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Xây dựng và thực hiện phương hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhiệm vụ, quy chế, quy định của Nhà nước và Quân đội trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng và chỉ đạo tổ chức thực hiện; hoạch định cơ chế, chính sách quân sự, quốc phòng ở tầm toàn quân và giải pháp, quy định, môi trường pháp lý cho các hoạt động quân sự; xây dựng để trên phê duyệt, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, trong đó tập trung vào xác lập cơ chế quản lý điều hành, xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và đơn vị; xây dựng tổ chức, con người, nhất là công tác nhà trường, huấn luyện quân sự, xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự, tham mưu của lực lượng vũ trang…

Đặc biệt, đồng chí Lê Trọng Tấn rất coi trọng và quan tâm đến việc xây dựng nền nghệ thuật quân sự Việt Nam và phát triển nghệ thuật quân sự, nhất là nghệ thuật chiến dịch tiến công, phản công, phòng ngự; về chỉ đạo tác chiến; về xây dựng huyện thành pháo đài và phát huy vai trò của dân quân, tự vệ; về nâng cao hiệu suất chiến đấu của bộ đội chủ lực và trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ chỉ huy, cơ quan chỉ huy các binh đoàn; về phương thức tác chiến hiệp đồng binh chủng trong chiến tranh giải phóng dân tộc; về huấn luyện chiến đấu trong những điều kiện mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Trong đó, đồng chí tập trung phân tích những nét nổi bật về chỉ đạo chiến lược và chiến dịch của Đảng ta, về hạ quyết tâm chiến lược, tổ chức và thực hành thắng lợi trận quyết chiến chiến lược; nêu lên quy luật phát triển về chiến thuật và cách đánh của Quân đội ta nhằm đánh bại những hình thức và biện pháp tác chiến nhất của địch để giành thắng lợi. Từ những vấn đề được đặt ra trong thực tiễn chiến đấu và đều được giải quyết thành công ngay trong thực tiễn sống động một cách sáng tạo theo đường lối, quan điểm của Đảng, đồng chí rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá trong công tác huấn luyện, xây dựng Quân đội tiến lên chính quy, hiện đại. Đó cũng chính là những đóng góp quan trọng của đồng chí Lê Trọng Tấn trong công tác nghiên cứu, học tập của cán bộ các cấp cũng như đối với việc xây dựng, phát huy những đặc điểm độc đáo của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện nay và mai sau.

3. Đại tướng Lê Trọng Tấn - Người chỉ huy đức độ, hết lòng thương yêu bộ đội

Đại tướng Lê Trọng Tấn được cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân yêu mến không chỉ ở tài năng cầm quân đánh giặc mà còn ở đức độ. Là một cán bộ quân sự, nhưng đồng chí là tấm gương sáng về đạo đức, sống có tình nghĩa, thủy chung, rất mực thương yêu bộ đội. Đại tướng Lê Trọng Tấn hiểu sức mạnh hơn cả vũ khí của đội quân cách mạng chính là yếu tố con người. Tình thương yêu giữa cán bộ và chiến sĩ lúc thường cũng như lúc chiến đấu quyết định sức mạnh chiến đấu của quân đội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Đồng chí sống với đồng chí đồng đội với cả tấm lòng thủy chung. Là một người chỉ huy nhân hậu, đồng chí rất mực thương yêu cán bộ, chiến sĩ, quan tâm săn sóc khi ốm đau, rộng lượng nâng đỡ khi cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm. Đồng chí đã phấn đấu thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về 6 chuẩn mực của người tướng nên ở đâu cũng được cán bộ và chiến sĩ hết lòng tin yêu, kính trọng”.

Là người trực tiếp chỉ huy của nhiều trận đánh, Đại tướng Lê Trọng Tấn luôn đau xót mỗi khi ra trận có những cán bộ, chiến sĩ dưới quyền phải hy sinh, mãi mãi không trở về. Thắng lợi trong từng trận đánh, tất yếu có sự hy sinh và đổ máu, nhưng đồng chí không bao giờ chấp nhận câu nói: “Trận này ta thiệt hại không đáng kể”. Với Đại tướng Lê Trọng Tấn, xương máu của mỗi cán bộ, chiến sĩ là vô giá và đồng chí luôn thận trọng tìm ra cách đánh ít tổn thất nhất. Chính vì thế, trong mỗi một trận đánh dù nhỏ hay lớn, đồng chí đều suy nghĩ, rút kinh nghiệm; luôn luôn nghiêm khắc kiểm điểm, trung thực và thẳng thắn để những trận đánh sau thắng lợi mà bớt đổ xương máu của bộ đội.

Trong sinh hoạt, đồng chí Lê Trọng Tấn luôn thể hiện tác phong sinh hoạt dân chủ, tôn trọng quần chúng; sâu sát, gần gũi, thân mật, lắng nghe ý kiến của cán bộ, chiến sĩ. Điều đồng chí quan tâm nhất là chăm lo giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, trước hết là đoàn kết trong nội bộ cấp ủy và thủ trưởng đơn vị. Trước những công việc lớn và nhất là khi gặp những tình huống gay go, khó khăn, phức tạp, đồng chí đều tổ chức các cuộc họp mở rộng để lấy ý kiến tham gia đóng góp của những cán bộ và các bộ phận có liên quan. Trong những cuộc họp như vậy, đồng chí thường phát biểu ít và hết sức trân trọng, lắng nghe, ghi chép ngắn gọn ý kiến phát biểu của mọi người. Với những ý kiến khác nhau thì đồng chí lại ghi chép khá tỉ mỉ, không bao giờ cắt ngang, mà còn gợi ý để cấp dưới trình bày hết ý kiến của mình và cuối cùng đồng chí kết luận. Những kết luận của đồng chí rất ngắn gọn, dễ hiểu và thông thường là thoả đáng, chính xác, quyết đoán, khiến cho cấp dưới được vững tin và có cơ sở vững chắc trong tổ chức triển khai thực hiện. Đồng chí không bao giờ thành kiến, trù dập đối với những cán bộ có ý kiến khác và thường xuyên đấu tranh, phê phán với các biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, giấy tờ, thiếu sâu sát cơ sở của cán bộ.

Một phẩm chất cao đẹp của Đại tướng Lê Trọng Tấn là tính cương trực, thẳng thắn. Với bản thân, khi có khuyết điểm, đồng chí sẵn sàng nhận lỗi trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, cầu thị. Ngược lại, với những sai lầm, thiếu sót của cán bộ cấp dưới, đồng chí luôn nghiêm khắc nhưng không thành kiến, luôn tha thứ và tiếp tục giao việc, giúp đỡ tiến bộ. Đặc biệt, đồng chí thường xuyên chăm lo bồi dưỡng và quan tâm đến sự tiến bộ của cán bộ, ân cần bảo ban trong công tác. Khi giao nhiệm vụ, đồng chí khuyến khích cấp dưới phải nỗ lực cao, đồng thời hiểu khó khăn của cấp dưới, tạo điều kiện giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ và trưởng thành. Khi đề bạt, cất nhắc cán bộ, đồng chí thường tránh lệ thuộc vào tình cảm, gia đình mà đề bạt những người có tài được toàn quân tín nhiệm vào những cương vị chỉ huy, lãnh đạo quan trọng. Đồng chí thường cổ vũ và khuyến khích những người chỉ huy dũng cảm, dám đánh, dám chịu trách nhiệm. Đồng chí luôn đòi hỏi những cán bộ quân sự của Đảng, nhất là cán bộ ở cơ quan chiến lược, trước hết phải trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, có lập trường tư tưởng vững vàng, chính kiến phải rõ ràng, trung thực không được dựa dẫm, chỉ nói cho vừa lòng cấp trên. Đồng chí cũng thường xuyên nhắc nhở cán bộ: “Dù ở cấp nào, đều phải tôn trọng tổ chức và sự lãnh đạo của Đảng, ai thoát ly sự lãnh đạo, đứng ngoài tổ chức, thì cá nhân dẫu tài cán đến đâu, cũng không là cái gì cả. Trong tổ chức thì có trên có dưới, có chỉ huy có phục tùng, nhưng trong quan hệ đối xử phải có tình nghĩa, thuỷ chung trọn vẹn với đồng chí, đồng đội bằng cái tâm, độ lượng với cấp dưới, nghiêm khắc với mình. Là người sĩ quan phải biết tự tin nhưng không tự phụ; biết tự hào với binh nghiệp nhưng không tự mãn; kiêu hãnh với chiến công nhưng không kiêu ngạo. Kiêu ngạo thành kiêu binh và sẽ thất bại. Khiêm tốn bao nhiêu cũng là thiếu, ngạo mạn một chút cũng là thừa”. Đồng chí Lê Trọng Tấn là người chỉ huy được cán bộ, chiến sĩ tôn trọng, quý mến.

III. HỌC TẬP VÀ NOI THEO TẤM GƯƠNG CỦA ĐẠI TƯỚNG LÊ TRỌNG TẤN

Hơn bốn mươi năm hoạt động cách mạng liên tục, dù ở cương vị nào, Đại tướng Lê Trọng Tấn luôn luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, với Đảng, với nhân dân. Đồng chí là một trong những chiến sĩ cộng sản kiên trung; nhà quân sự mưu lược, sáng tạo và quyết đoán, người thực hiện xuất sắc những ý đồ chiến lược quân sự của Đảng và Bác Hồ; nhà chiến lược quân sự có tầm nhìn xa trông rộng nhưng cũng rất cụ thể và là người chỉ huy đức độ, hết lòng thương yêu bộ đội. Đồng chí đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; đem hết tài năng và nghị lực phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối, nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Lê Trọng Tấn gắn liền với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, từ một đội quân du kích trở thành một đội quân chính quy với nhiều binh chủng và quân chủng.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Lê Trọng Tấn diễn ra trong lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh các hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân. Đây là hoạt động có ý nghĩa chính trị quan trọng nhằm khẳng định và tôn vinh những cống hiến của đồng chí Lê Trọng Tấn đối với Đảng, dân tộc và Quân đội ta; là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần giáo dục lý tưởng cộng sản, truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay ra sức học tập, rèn luyện và không ngừng bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, lòng tự hào, niềm tin vào Đảng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Chúng ta rất tự hào được đứng trong đội ngũ của lực lượng vũ trang nhân dân, có một người chỉ huy tài giỏi và đức độ như đồng chí Lê Trọng Tấn. Noi gương Đại tướng Lê Trọng Tấn, mỗi cán bộ, chiến sĩ chúng ta nguyện nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giữ vững bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, không quản khó khăn, hy sinh, ra sức học tập nâng cao trình độ toàn diện, nhất là trình độ văn hóa, khoa học, quân sự, chuyên môn, nghiệp vụ hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao; chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của Quân đội; thương yêu đồng chí, đồng đội, sống có tình nghĩa... Quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng, hoàn thành thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và phát huy sức mạnh chiến đấu của quân đội ta trong thời kỳ mới, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thường xuyên củng cố và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội; nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm quân đội luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, giữ vững và phát huy phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới./.

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trung tướng Lê Trọng Tấn - Mấy vấn đề chỉ đạo và chỉ huy tác chiến, Nxb. QĐND, Hà Nội, 1979.

2. Đại tướng Lê Trọng Tấn từ Đồng Quan đến Điện Biên Nxb. QĐND, Hà Nội, 1994.

3. Đại tướng Lê Trọng Tấn - Tổng tập, Nxb. QĐND, Hà Nội, 2007.

4. Tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam qua những trang hồi ức, Nxb. QĐND, Hà Nội, 2005.

5. Đại tướng Lê Trọng Tấn với Đại thắng mùa Xuân 1975, Nxb. QĐND, Hà Nội, 2005.

6. Những nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam, tập 1, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2007.

7. Đại tướng Lê Trọng Tấn - Nhà quân sự tài giỏi, đức độ, Nxb. QĐND, Hà Nội, 2010.

8. Đại tướng Lê Trọng Tấn - Người của những chiến trường nóng bỏng, Nxb. QĐND, Hà Nội, 2013./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 57
Hôm qua : 762
Tháng 11 : 2.324
Tháng trước : 16.752
Năm 2024 : 291.389
Năm trước : 319.267
Tổng số : 1.365.778