• :
  • :
LLVT THÀNH PHỐ HUẾ ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH - LLVT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THỰC HIỆN TỐT CUỘC VẬN ĐỘNG " PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, CỐNG HIẾN TÀI NĂNG, XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ"
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CỤC CHÍNH TRỊ QUÂN KHU 4 (16/12/1945 – 16/12/2020)

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CỤC CHÍNH TRỊ QUÂN KHU 4

(16/12/1945 – 16/12/2020)

Phần thứ nhất

QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA CỤC CHÍNH TRỊ QUÂN KHU 4

 

I. CỤC CHÍNH TRỊ QUÂN KHU 4 TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 - 1954)

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 02 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Chính quyền cách mạng vừa mới được thành lập, đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Ở miền Nam, thực dân Pháp núp bóng quân Anh, quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với chiêu bài giải giáp quân Nhật, hơn 20 vạn quân Tưởng kéo theo bọn tay sai, phản động tràn vào miền Bắc, ra sức chống phá cách mạng nước ta. Cùng với đó là nạn đói khủng khiếp và nạn dốt do hậu quả của nhiều năm dưới ách thống trị của thực dân phong kiến gây ra.

Để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo hoạt động tác chiến trên từng hướng chiến lược, ngày 15 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Chiến khu 4. Sau một thời gian ngắn làm công tác chuẩn bị, ngày 16/12/1945, cùng với Bộ Chỉ huy và các cơ quan Chiến khu, Phòng Chính trị được thành lập, đồng chí Trần Văn Quang làm Trưởng phòng và một số cán bộ, nhân viên được điều động về từ các địa phương và các chi đội giải phóng quân.

Thời gian đầu, do còn mới mẻ vì thế hoạt động công tác chính trị chưa đầy đủ. Công tác chính trị lúc này chủ yếu tập trung tuyên truyền, củng cố, cổ vũ tinh thần thi đua học tập chính trị, rèn luyện quân sự, tinh thần tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cho bộ đội và nhân dân. Sự chỉ đạo, hướng dẫn của Phòng Chính trị cho cơ quan chính trị, cán bộ chính trị ở các trung đoàn, các tỉnh đội chưa nhiều.

Từ tháng 2 năm 1947, sau Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ nhất (từ 14 - 16/02/1947), Phòng Chính trị Chiến khu được kiện toàn lại gồm có 5 ban: Văn thư, Tuyên huấn, Địch vận, Ban Công tác chính trị trung đoàn, Ban Công tác chính trị đại đội.

Cuối năm 1947, sau khi được Đoàn kiểm tra của Trung ương chỉ ra những khuyết điểm cần phải được chấn chỉnh, rút kinh nghiệm kịp thời như: tình trạng địa phương chủ nghĩa, nội bộ chưa đoàn kết, thiếu sự chỉ đạo thống nhất và tư tưởng chủ quan, thiếu tích cực của một số cán bộ trong lực lượng vũ trang Khu 4. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính trị ủy viên và Bộ Chỉ huy Khu, Phòng Chính trị đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tổ chức sinh hoạt kiểm điểm sâu kỹ, bàn biện pháp triệt để khắc phục các khuyết điểm đã được Đoàn kiểm tra của Trung ương chỉ ra. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương kháng chiến của Đảng, lòng yêu nước, chí căm thù giặc, tinh thần đoàn kết, quyết tâm trường kỳ kháng chiến, ý thức chấp hành 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật cho cán bộ, đội viên, chiến sỹ. Chỉ đạo từng bước thành lập Hội đồng binh sỹ (Hội đồng quân nhân ngày nay) ở cấp đại đội để phát huy dân chủ của cán bộ, chiến sỹ ở các đơn vị; thành lập các tổ đoàn kết (tổ ba người) để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong chiến đấu, học tập, công tác. Hướng dẫn cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, đội viên, chiến sỹ xây dựng kế hoạch, đăng ký thi đua học tập chính trị, huấn luyện quân sự, chiến đấu, công tác; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, báo chí, văn hóa văn nghệ trong “luyện quân, lập công”, qua đó để cổ vũ, động viên, nâng cao tinh thần học tập, rèn luyện, tinh thần kháng chiến cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân.

Thời kỳ này, ở Khu 4, nhất là vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Phòng Chính trị đã tham mưu cho Bộ Chỉ huy Khu, phối hợp với chính quyền kháng chiến các địa phương tuyên truyền, vận động, tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức tham gia kháng chiến. Phòng Chính trị đã xây dựng được các đội kịch, đội chèo, tòa báo, tổ in. Cùng với các đơn vị, địa phương phát hành các báo “Cứu quốc”, “Kháng địch”, “Tiền tuyến”, “Tập san kỹ nghệ”, “Chiến sỹ vệ quốc”..., thành lập các lớp dạy văn hóa, tổ chức các chương trình văn nghệ phục vụ bộ đội và nhân dân. Khu 4 những năm đầu kháng chiến chống Pháp đã trở thành “cái nôi” của văn nghệ kháng chiến trong cả nước.

Ngày 25/01/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 307/SL đổi tên các khu thành Liên khu, theo đó Khu 4 được đổi thành Liên khu 4. Tháng 4/1948, Phòng Chính trị Liên khu được kiện toàn tổ chức đầy đủ hơn, theo Nghị quyết Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ nhất và Nghị quyết Hội nghị quân sự, chính trị Liên khu, gồm có 6 ban: Văn thư, Địch vận, Huấn luyện, Tuyên truyền, Báo chí, Văn nghệ.

Hội nghị cán bộ Quân đội Liên khu 4 mở rộng ngày 21/5/1949, đã tập trung quán triệt sâu kỹ hơn các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Tổng Chính ủy, Tổng cục Chính trị về tình hình, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ xây dựng quân đội, nhiệm vụ công tác chính trị. Hội nghị quyết định giải tán Phòng Chính ủy, sáp nhập vào Phòng Chính trị, theo đó một số cơ quan chuyên môn phụ trách công tác đảng cũng được sát nhập vào Phòng Chính trị. Hoạt động tham mưu, chỉ đạo của Phòng Chính trị ngày càng được toàn diện hơn. Đặc biệt là từ năm 1949, Phòng Chính trị Liên khu đã phối hợp tham mưu cho Quân khu ủy mở cuộc vận động xây dựng Đảng trong lực lượng vũ trang, trọng tâm là đẩy mạnh củng cố, phát triển tổ chức, lực lượng, mở rộng ảnh hưởng của Đảng, từng bước đưa tổ chức Đảng trong bộ đội ra hoạt động công khai. Phòng tham mưu, chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc vận động xây dựng "chi bộ chiến lũy", "chi bộ cốt thép", "đảng viên cốt thép", trong đó lấy Chi bộ 87, Trung đoàn 9, làm tiêu chuẩn, mở cuộc vận động nhân rộng điển hình tiên tiến trong xây dựng chi bộ, gọi tắt là "Cuộc vận động 87" trong các chi bộ lực lượng vũ trang Liên khu.

Đến tháng 9 năm 1950, thực hiện Nghị quyết Đại hội Quân chính Liên khu 4, tổ chức Phòng Chính trị Liên khu gồm có: Trưởng phòng, Phó phòng và các ban: Tuyên huấn, Cán bộ, Địch vận và Tổ Quản trị. Đây là thời kỳ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược chuyển mạnh sang giai đoạn mới - Tổng phản công. Bình Trị Thiên - Trung Lào trở thành một chiến trường thống nhất. Tại Bình Trị Thiên, ta chủ trương tổ chức các tiểu đoàn, đại đội độc lập tiến sâu về đồng bằng. Trên mặt trận Trung Lào, ta kiện toàn, phát triển tổ chức, lực lượng, thành lập Trung đoàn Trung Lào. Bám sát tình hình, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Liên khu, Phòng Chính trị Liên khu tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động công tác chính trị, trọng tâm là: Tuyên truyền, giáo dục làm cho các đơn vị, địa phương, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nắm vững tình hình, nhiệm vụ cách mạng, phấn khởi, tin tưởng, đoàn kết quyết tâm đẩy mạnh cuộc kháng chiến, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tác chiến đánh địch trên chiến trường Bình Trị Thiên - Trung Lào; tiếp tục củng cố vững chắc hậu phương Thanh Nghệ Tĩnh, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chi viện cho Bình Trị Thiên - Trung Lào, vừa tạo hướng chiến lược gây áp lực với chiến trường Bắc Bộ.

Từ năm 1952, đến kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến trường của Liên khu ngày càng mở rộng, từ Bình Trị Thiên đến Trung - Hạ Lào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Trung ương Quân ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu, lực lượng vũ trang Liên khu có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, Phòng Chính trị Liên khu 4 tiếp tục nhiều lần được kiện toàn, củng cố tổ chức, biên chế và có bước trưởng thành vượt bậc. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Phòng Chính trị, các ban, các đơn vị trực thuộc thường xuyên được củng cố, bổ sung đầy đủ; được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện qua thực tiễn học tập, chiến đấu, công tác nên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, các hoạt động tham mưu, chỉ đạo, tổ chức công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện, nền nếp hơn. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, nhất là chất lượng chính trị, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Liên khu; đoàn kết phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các tỉnh trong Liên khu; cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân các bộ tộc Lào giành thắng lợi trên chiến trường Bình Thị Thiên - Trung Lào; động viên cao nhất, sức người, sức của chi viện cho các chiến trường, nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Góp phần to lớn vào thắng lợi của quân và dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

          II. CỤC CHÍNH TRỊ QUÂN KHU 4 TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954 - 1975)

  Ngày 3 tháng 6 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 017 - SL thành lập các quân khu: Việt Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc, Tả Ngạn, Hữu Ngạn và Quân khu 4. Theo sắc lệnh, phạm vi và địa giới của các quân khu do Bộ Quốc phòng quy định cụ thể. Quân khu 4 gồm 3 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và huyện Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị (sau này thành Đặc khu Vĩnh Linh).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của Dân tộc, Quân khu 4 là tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam và Lào, cùng một lúc thực hiện 4 nhiệm vụ: Phòng thủ Quân khu; bảo vệ miền Bắc; trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên; làm nhiệm vụ quốc tế đối với nước bạn Lào. Trên 3 chiến trường: Chiến trường A (Quân khu); Chiến trường B (Trị Thiên); Chiến trường C (Lào). Quân khu 4 trở thành nơi trực tiếp đối đầu giữa lực lượng Cách mạng và phản cách mạng, giữa chế độ xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa thực dân kiểu mới, là một trong các chiến trường gian khổ, ác liệt nhất của cả nước.

          Giai đoạn 1954 - 1960 kế thừa, phát huy những kinh nghiệm trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Phòng Chính trị luôn được củng cố, kiện toàn về tổ chức, lực lượng; chủ động, nhạy bén tham mưu cho Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị tiến hành công tác đảng, công tác chính trị kịp thời, có hiệu quả, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nổi bật là: ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết (ngày 20/7/1954), Phòng Chính trị đã tham mưu cho Quân khu ủy, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị phối hợp với địa phương, tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong cán bộ, chiến sỹ và nhân dân, nâng cao nhận thức về thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; âm mưu, thủ đoạn nhằm phá hoại hiệp định của kẻ thù; tình hình, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của quân và dân Quân khu; động viên cán bộ, đồng bào, bộ đội Trị Thiên thực hiện tốt nhiệm vụ tập kết ra Bắc, nhân dân Trị Thiên yên tâm, tin tưởng, kiên quyết đấu tranh đòi địch chấp hành Hiệp định. Các đơn vị lực lượng vũ trang nhanh chóng củng cố tổ chức, lực lượng, làm tốt công tác tư tưởng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương giữ vững trật tự trị an; triển khai đón tiếp chu đáo cán bộ, bộ đội và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc; tích cực tham gia Cuộc vận động “Đoàn kết sản xuất ở miền núi, cải cách ruộng đất ở miền xuôi", tham gia sửa sai, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế. Các đơn vị và nhân dân giới tuyến kiên trì đấu tranh thực hiện Hiệp định Giơnevơ.  

Trước âm mưu, thủ đoạn phá hoại hiệp định, cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử, đàn áp đẫm máu phong trào cách mạng, từng bước thiết lập chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam của Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, Phòng Chính trị Quân khu tham mưu cho Quân khu ủy lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nhận thức sâu sắc âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, tình hình nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của Quân khu, chủ trương, đường lối của Đảng. Động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân vừa kiên trì đấu tranh thi hành Hiệp định Giơnevơ, đồng thời tích cực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai. Quán triệt sâu sắc nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 (tháng 1/1959) về nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của Đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà. Phương pháp cách mạng là sử dụng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Phòng Chính trị đã kịp thời phối hợp tham mưu cho Quân khu ủy lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu nhanh chóng chuyển hướng công tác tư tưởng, công tác tổ chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trọng tâm là nâng cao nhận thức về tình hình nhiệm vụ, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang bảo vệ vững chắc miền Bắc, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường miền Nam và Lào. Đồng thời, Phòng Chính trị chỉ đạo, hướng dẫn cấp uỷ, cơ quan chính trị các cấp coi trọng tổ chức thực hiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và sự nghiệp củng cố quốc phòng. Tổ chức học tập và thực hiện điều lệ công tác chính trị trong các nhiệm vụ, hoàn cảnh chiến đấu, xây dựng, công tác. Nhạy bén trong công tác tư tưởng, làm cho bộ đội kiên định, chấp hành nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết chống lại những biểu hiện nhận thức, tư tưởng, hành động sai trái, tiêu cực, bảo vệ lực lượng vũ trang trong sạch về chính trị, vững mạnh về tổ chức.

          Cùng với sự phát triển của quân đội và lực lượng vũ trang Quân khu, Cơ quan Chính trị cũng được phát triển. Năm 1962, thực hiện Quyết định số 339/TM6-QĐ ngày 31/7/1962 của Bộ Tổng tham mưu, Sắc lệnh số 27-QP ngày 05/9/1962 của Bộ Quốc phòng về quy định tổ chức chỉ huy và các cơ quan quân khu, theo đó Phòng Chính trị Quân khu 4 được phát triển thành Cục Chính trị Quân khu 4.

Đây là thời kỳ Đế quốc Mỹ đẩy mạnh thực hiện chiến lược "Chiến tranh đặc biệt". Lực lượng vũ trang Quân khu triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ trên cả 3 chiến trường. Trên chiến trường Trị Thiên, trong khó khăn gian khổ Cục Chính trị Quân khu 4 luôn phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Chính trị Phân khu Trị Thiên của Quân khu 5, tham mưu, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nắm vững đường lối cách mạng của Đảng, không ngừng phát huy bản chất truyền thống tốt đẹp của Trị - Thiên khói lửa, trung dũng, kiên cường trong hoàn cảnh và điều kiện mới; nêu cao ý chí tự lực, tự cường, kiên trì bền bỉ, củng cố phong trào, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh, chủ động tiến công địch bằng “hai chân": Chính trị, quân sự, "Ba mũi": chính trị, quân sự, binh - địch vận; giữ vững căn cứ địa miền núi, tiến công về đồng bằng, uy hiếp đô thị, góp phần làm phá sản quốc sách ấp chiến lược và chiến tranh đặc biệt của Mỹ - Ngụy. Cục Chính trị tham mưu cho Quân khu uỷ chỉ đạo các đơn vị, địa phương (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh) nhanh chóng củng cố tư tưởng và tổ chức, phát triển, chi viện lực lượng cho các chiến trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong lực lượng vũ trang Quân khu nâng cao giác ngộ dân tộc, giác ngộ giai cấp; ra sức học tập chính trị, quân sự, kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu; phát huy mạnh mẽ sức mạnh chiến tranh nhân dân, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cao; tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân - dân, đoàn kết quốc tế, triển khai thực hiện nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Lào.

Từ năm 1964 đến năm 1968, Đế quốc Mỹ liên tục đổ thêm quân vào chiến trường miền Nam, thực hiện chiến lược "Chiến tranh cục bộ", và điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân, hải quân. Yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam và Lào ngày càng cao. Quân khu 4 trở thành huyết mạch giao thông vận tải đảm bảo sự chi viện sức người, sức của từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam và Lào; nơi đặt vị trí chỉ huy, hậu cứ, điểm xuất quân của các đơn vị chiến đấu trên chiến trường Đường 9 - Bắc Quảng Trị. Vì vậy, Quân khu 4 là nơi không quân, hải quân địch đánh phá ác liệt nhất, dai dẳng nhất, cũng là nơi kẻ địch thường xuyên liều lĩnh thả biệt kích, thám báo, gián điệp vượt giới tuyến trên bộ, trên biển, biên giới, trên không nhằm thực hiện các hoạt động phá hoại trong nội địa. Cùng với đó, chúng đẩy mạnh chiến tranh tâm lý dọc giới tuyến với các luận điệu truyên truyền xuyên tạc, dụ dỗ, lôi kéo, ru ngủ, hù dọa nhằm làm lệch hướng nhận thức, tư tưởng, phá hoại tinh thần, ý chí quyết tâm chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của lực lượng vũ trang và nhân dân.

Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và lời dạy của Bác Hồ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược"; bám sát tình hình nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Quân khu và âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Cục Chính trị Quân khu đã tập trung tham mưu, chỉ đạo tiến hành toàn diện hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang. Trọng tâm là tham mưu cho Quân khu uỷ phối hợp với các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Quân khu hiểu rõ nhiệm vụ, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, âm mưu, thủ đoạn của Đế quốc Mỹ; xây dựng ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; thường xuyên kịp thời kiện toàn tổ chức, phát triển lực lượng vũ trang rộng khắp; củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, đáp ứng cùng lúc 4 nhiệm vụ trên 3 chiến trường. Tham mưu mở cuộc vận động xây dựng "chi bộ 4 tốt, "đảng viên 4 tốt", "đơn vị quyết thắng", "chi đoàn quyết thắng".

Thông qua hoạt động tham mưu, chỉ đạo của Cục Chính trị đã thúc đẩy phòng trào thi đua “Đánh địch mà đi”, “Mở đường mà tiến”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Phà chờ xe, không để xe chờ Phà”, “Địch phá 1, ta làm 10”, “Tăng từng cân, lấy từng chuyến”, trở thành khẩu hiệu hành động rộng khắp ở các đơn vị, địa phương trên mặt trận đảm bảo giao thông vận tải. Cổ vũ, động viên hàng triệu lượt nam nữ thanh niên Quân khu 4 lên đường nhập ngũ vào các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường trong nước và nước bạn Lào. Cùng với đó là hàng trăm ngàn dân quân, tự vệ, các chị, các bô lão thi đua với tiền tuyến, vững tay cày, tay súng, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các trận địa phòng không, các điểm nút giao thông, các trận địa ven biển.

Sau thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước sang một giai đoạn mới. Chiến lược "Chiến tranh cục bộ" bị phá sản, Đế quốc Mỹ đề ra chiến lược mới "Việt Nam hóa chiến tranh" ở miền Nam và mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, với công thức: Quân đội ngụy Sài gòn + với hỏa lực Mỹ và do cố vấn Mỹ chỉ huy. Mỹ - Ngụy tăng cường lực lượng ở Trị - Thiên, mở rộng chiến tranh xâm lược sang Lào. Mặc dù đã tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, song Đế quốc Mỹ vẫn thường xuyên đánh phá các trọng điểm giao thông vận tải trên địa bàn Quân khu và dọc hành lang vận chuyển trên đất bạn Lào, nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Cục Chính trị đã chủ động tham mưu cho Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tiến hành đồng bộ công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách, tiếp tục phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Quân khu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cục Chính trị triển khai các đợt sinh hoạt chính trị, học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó nâng cao nhận thức về tình hình, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của Quân khu, bồi dưỡng tình cảm, niềm tin, ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sỹ. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân phát huy những thắng lợi to lớn trong tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, quyết tâm thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào"; kiên định vững vàng trước những khó khăn thử thách ác liệt, đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt, chi viện kịp thời và đầy đủ cho các chiến trường. Các đơn vị trên tuyến đầu cùng với nhân dân Vĩnh Linh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ, quân và dân Trị Thiên, tiếp tục chiến đấu, phục vụ chiến đấu đánh bại âm mưu, thủ đoạn lấn chiếm của địch trên chiến trường Đường 9 - Bắc Quảng Trị. Tham mưu, chỉ đạo các đơn vị tình nguyện ở Lào, giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ nhận thức sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu -  "Giúp nhân dân nước bạn, cũng tức là mình tự giúp mình" và mối quan hệ đoàn kết đặc biệt của cách mạng hai nước, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung là Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, nhận rõ "không chỉ ta giúp bạn, mà bạn cũng giúp ta", từ đó xây dựng, củng cố tinh thần không quản gian khổ, hy sinh, sát cánh cùng bạn chiến đấu, công tác, không ngừng củng cố, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, góp phần làm cho mối tình Lào - Việt ngày càng thủy chung, son sắt.

Đến năm 1973, trước những thắng lợi to lớn cả về quân sự và chính trị của ta trên các chiến trường, cùng với đó là sự phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược của Đế quốc Mỹ ngay ở chính nhân dân Mỹ và nhân dân tiến bộ trên khắp thế giới, buộc Đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Mặc dù buộc phải rút quân khỏi Việt Nam, song với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, Đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục hà hơi, tiếp sức, cung cấp một số lượng lớn tiền của, vũ khí, trang bị cùng với đội ngũ cố vấn quân sự cho chính quyền ngụy Sài Gòn. Thực hiện quyết tâm của Đảng, kiên quyết đập tan chế độ tay sai bù nhìn ở miền Nam, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, quân và dân hai miền Nam, Bắc liên tục mở các chiến dịch lớn, tiến công tiêu diệt địch. Cục Chính trị Quân khu đã kịp thời tham mưu, chỉ đạo đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng cho cán bộ, chiến sỹ ý chí quyết tâm chiến đấu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà. Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mùa xuân năm 1975, Cục Chính trị Quân khu đã tham mưu, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ tinh thần thi đua“Một ngày bằng 20 năm”, “Mỗi người làm việc bằng hai” vì đồng bào miền Nam ruột thịt, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, qua đó đã tạo được phong trào hành động cách mạng sôi nổi, rộng khắp, thúc đẩy lực lượng vũ trang Quân khu nỗ lực chiến đấu, phục vụ chiến đấu, không sợ hy sinh, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, cùng quân dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đây cũng là thời kỳ Cục Chính trị được củng cố phát triển mạnh mẽ về tổ chức, biên chế với 25 phòng, ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc. Đảng bộ Cục Chính trị có 6 liên chi trực thuộc (Tuyên huấn, Cán bộ, Bảo vệ, Địch vận, Chính sách, Hành chính), 22 chi bộ, 10 chi đoàn. Tỉ lệ "chi bộ 4 tốt", "đảng viên 4 tốt" của Đảng bộ Cục Chính trị thường xuyên đạt trên 80% (riêng năm 1967, chi bộ 4 tốt đạt 90%, đảng viên 4 tốt đạt 91,54%).

III. CỤC CHÍNH TRỊ QUÂN KHU 4 TRONG THỜI KỲ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, cùng với quân dân cả nước, lực lượng vũ trang Quân khu bước vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tháng 4 năm 1976, Cục Chính trị Quân khu Trị Thiên sát nhập với Cục Chính trị Quân khu 4, các phòng, ban và đơn vị trực thuộc được kiện toàn và phát triển đầy đủ hơn, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang Quân khu ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện, vững chắc hơn.

Cục Chính trị Quân khu tham mưu, chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng ổn định tình hình đơn vị sau chiến tranh và sau hợp nhất với Quân khu Trị Thiên, kiện toàn công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác chính sách, tập trung giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục nhiệm vụ, làm cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Quân khu nhận rõ tình hình nhiệm vụ cách mạng, khắc phục tư tưởng xả hơi sau chiến tranh; đảm bảo cho lực lượng vũ trang Quân khu sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh, ở các công trình kinh tế trọng điểm trên địa bàn Quân khu; sẵn sàng lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào, Campuchia. 

Những năm 80, 90 của thế kỷ XX, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế, xã hội trầm trọng, đặc biệt là sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, ảnh hưởng không ít đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm, niềm tin của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Cùng với đó là sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, phản động bằng chiến tranh "phá hoại nhiều mặt", "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng văn hoá, với các chiêu bài kêu gọi "đa nguyên chính trị", "đa đảng đối lập", mở cửa, cải cách chính trị…, nhằm xoá bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Với lập trường chính trị kiên định vững vàng, nhãn quan chính trị nhạy bén, Cục Chính trị đã kịp thời phối hợp tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang Quân khu, nổi bật là: tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân viên, chiến sỹ bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định trước mọi khó khăn, thử thách, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Hướng dẫn cấp ủy các cấp chăm lo xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch vững mạnh; chấp hành nghiêm nền nếp chế độ sinh hoạt đảng, phát huy cao độ tính chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, đảm bảo luôn giữ vững sự lãnh đạo "tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt" của Đảng đối với lực lượng vũ trang Quân khu. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng cơ sở, xã, phường, thị trấn an toàn làm chủ sẵn sàng chiến đấu; chỉ đạo tổ chức và hoạt động của các tổ đội xây dựng cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc ít người (các đội 123), góp phần giữ vững sự ổn định từ cơ sở. Lực lượng vũ trang Quân khu trở thành điểm tựa vững chắc cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn trong thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Nhiều cán bộ, đảng viên của Cục Chính trị đã có mặt ở những nơi khó khăn gian khổ, bám sát mọi hoạt động chiến đấu, huấn luyện, lao động sản xuất của đơn vị để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giúp đơn vị nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của kẻ thù, giữ vững trận địa chính trị, tư tưởng của Đảng trong LLVT Quân khu.

Từ năm 2000 đến nay, đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX, khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Cục Chính trị đã phối hợp tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trọng tâm là: triển khai thực hiện có hiệu quả 2 chuyển hướng (chuyển hướng về cơ sở và chuyển hướng công tác quân sự địa phương), tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ sở, xã, phường, cụm tuyến an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu, không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn Quân khu. Tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua quyết thắng, gắn với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhất là cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nay là "Đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; phong trào thi đua "Lực lượng vũ trang Quân khu chung sức xây dựng nông thôn mới", "Lực lượng vũ trang chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau"

Đồng thời đã tham mưu, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động như: Hoạt động đấu tranh với các quan điểm, tư tưởng sai trái trên không gian mạng (lực lượng 47); xây dựng chi bộ “3 tốt, 3 không”; xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng ngày càng cao, chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, phát triển, tạo nguồn nhiều cán bộ trẻ. Thực hiện chặt chẽ các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ, phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chính sách, hậu phương quân đội, trong đó đã tập trung tham mưu giải quyết tốt một số lượng lớn chế độ chính sách cho các đối tượng theo quy định của Nhà nước. …Tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị lớn của lực lượng vũ trang Quân khu như: Đại hội Đảng bộ Quân khu lần thứ IX, X, XI; Đại hội Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2009 - 2014; 2014 - 2019, kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Lực lượng vũ trang Quân khu. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tham mưu giải quyết có hiệu quả các điểm nóng trên địa bàn, phòng, chống thiên tai và thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa như: đền ơn đáp nghĩa; giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo; gặp gỡ, biểu dương các già làng, trưởng bản, người có uy tín; xuân biên cương, tết biển đảo; bánh chưng xanh cho người nghèo; tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân bám biển…

Cùng với hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang Quân khu, Cục Chính trị luôn quan tâm xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện, thực sự “chính quy, chuyên sâu, mẫu mực”, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, xây dựng Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Từ ngày 01/7/2020, thực hiện Quyết định số 1640/QĐ-BQP ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Quyết định số 365/QĐ-TM ngày 24 tháng 5 năm 2020 của Tổng Tham mưu trưởng về tổ chức, biên chế cơ quan Quân khu thời bình, Cục Chính trị gồm có: 8 phòng (Tuyên huấn, Tổ chức, Cán bộ, Chính sách, Dân vận, Bảo vệ an ninh, Công tác quần chúng, Kế hoạch tổng hợp, trong đó Phòng Công tác quần chúng vừa mới được thành lập), Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân khu và 2 ban (Tài chính, Sử CTĐ, CTCT, trong đó Ban Sử CTĐ,CTCT vốn được lâm thời thành lập để thực hiện nhiệm vụ tổng kết các công trình lịch sử CTĐ,CTCT của lực lượng vũ trang Quân khu, theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương và hướng dẫn của Tổng cục Chính trị). Các cơ quan, đơn vị trực thuộc gồm: Viện Kiểm sát Quân sự, Tòa án Quân sự, Báo Quân khu, Đoàn Văn công, Đoàn điều dưỡng 40, Đoàn điều dưỡng 41, Bảo tàng, Xưởng in, Nhà Văn hóa.

Phần thứ hai

NHỮNG NÉT TIÊU BIỂU TRUYỀN THỐNG VÀ NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC, BỘ QUỐC PHÒNG TRAO TẶNG CỤC CHÍNH TRỊ QUÂN KHU 4

I. NHỮNG NÉT TIÊU BIỂU TRUYỀN THỐNG

75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Cục Chính trị gắn liền với 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang Quân khu. Vì vậy, Cục Chính trị Quân khu mang trong mình đầy đủ những nét truyền thống tiêu biểu của lực lượng vũ trang Quân khu 4. Bên cạnh đó, Cục Chính trị cũng có những nét truyền thống tiêu biểu riêng, thể hiện tính đặc thù của cơ quan tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang Quân khu, đó là "Kiên trung, sáng tạo, mẫu mực, nghĩa tình, đoàn kết, quyết thắng”.

Một là: Kiên định về chính trị tư tưởng; mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ và xây dựng đơn vị.

Sự kiên định vững vàng về chính trị tư tưởng là yêu cầu cao nhất đối với cơ quan, cán bộ đảm nhiệm hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Thể hiện tính Đảng, tính chiến đấu, bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng; luôn tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng; trong bất luận hoàn cảnh nào cũng không xa rời nền tảng tư tưởng, lập trường chính trị, tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; tuyệt đối trung thành, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện chống phá, xuyên tạc để bảo vệ Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ, Quân ủy Trung ương, Tổng Cục Chính trị, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu; nắm vững tính chất, chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Chính trị Quân khu 4 qua các thời kỳ, luôn quán triệt sâu sắc, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; trên cơ sở đó, kiên trì tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị từng bước xây dựng cho lực lượng vũ trang Quân khu có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, tuyệt đối trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, với Tổ quốc và nhân dân; vượt qua mọi hy sinh gian khổ cùng với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các tỉnh trên địa bàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, quốc tế được giao; góp phần to lớn vào thắng lợi của cả nước trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong nhiều thời điểm tình hình quốc tế, khu vực, trong nước có những biến động chính trị sâu sắc, nhất là sự xuất hiện của chủ nghĩa cơ hội xét lại chủ nghĩa Mác từ những năm 1950; sự sụp đổ của hệ thống các nước chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu cuối thập niên 80 đầu 90 của thế kỷ 20; trước những nguy cơ thách thức, cùng với những âm mưu, thủ đoạn chống phá bằng “Diễn biến hòa bình” hết sức tinh vi, quyết liệt của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch giai đoạn 1975 - 2000, đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm, niềm tin, ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và nhân dân; đã có những hoài nghi, thiếu tin tưởng trong không ít cán bộ, chiến sỹ và nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về thành công của công cuộc đổi mới đất nước, về nội dung xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, nhất là nội dung xây dựng quân đội về chính trị.

 Đứng trước những thử thách to lớn đó, Cục Chính trị Quân khu 4 đã luôn thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, cũng như công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Cục Chính trị qua các thời kỳ luôn giữ vững thái độ, lập trường chính trị vững vàng, quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; không có biểu hiện hoài nghi, dao động, thoái thác nhiệm vụ.

Bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình, Cục Chính trị Quân khu 4 đã kiên trì, tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị một cách tích cực, quyết liệt góp phần trực tiếp xây dựng và củng cố vững chắc trận địa chính trị tư tưởng ở tất cả các cơ quan, đơn vị; đảm bảo cho cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, quần chúng trong lực lượng vũ trang Quân khu trong những thời điểm khó khăn nhất, luôn giữ vững sự ổn định về chính trị; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, vào thắng lợi trong sự nghiệp kháng chiến giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vào công cuộc đổi mới đất nước; cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh trên địa bàn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, thực sự xứng đáng với vị thế của Quân khu luôn là hậu phương chiến lược, cầu nối liền hai miền đất nước và nước bạn Lào.

Cùng với sự kiên định về chính trị tư tưởng là sự mẫu mực về phẩm chất, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ và xây dựng đơn vị. Đây là nét truyền thống, đồng thời cũng là yêu cầu, là thước đo về phẩm chất tốt đẹp của cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác đảng, công tác chính trị, có tác dụng làm mẫu, làm gương cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tin tưởng noi theo.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền” và yêu cầu nói đi đôi với làm, nêu gương cho mọi người làm theo. Các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Cục Chính trị không ngừng tự tu dưỡng, học tập, rèn luyện giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống trung thực giản dị; ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Đảng, kỷ luật quân đội, qui định của đơn vị, địa phương; nêu cao tinh thần trách nhiệm gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ, trong xây dựng cơ quan, đơn vị.

Trong chiến đấu các cán bộ, phái viên của Cục Chính trị có mặt cùng cán bộ, chiến sỹ các đơn vị trên các mặt trận, trận địa trong những thời điểm ác liệt nhất, cùng chia sẻ những hy sinh gian khổ nhất. Trong thời bình cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Cục Chính trị luôn đi đầu trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua mà Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân khu phát động; gương mẫu trong chấp hành pháp luật, kỷ luật, trong thực hiện nhiệm vụ và xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Sự lan tỏa từ lời nói và hành động mẫu mực của đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Cục Chính trị góp phần làm cho việc chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai hoạt động công tác đảng, công tác chính trị thực sự có hiệu quả; tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân; thúc đẩy cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và nhân dân Quân khu không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả trong kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả.

 Hai là:Luôn nêu cao tinh thần chủ động nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, mẫu mực trong thực hiện nhiệm vụ và xây dựng đơn vị.

Với tinh thần chủ động, nhạy bén sáng tạo, mẫu mực cao Cục Chính trị Quân khu 4 luôn quán triệt nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Bác Hồ; các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, kế hoạch của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu; thực tiễn tình hình nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu trong từng giai đoạn cách mạng; âm mưu, thủ đoạn thâm độc của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch; tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức hoạt động công tác đảng, công tác chính trị một cách hết sức tích cực, sáng tạo góp phần xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu luôn vững vàng về chính trị, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Do vị trí chiến lược của Quân khu, cho nên yêu cầu nhiệm vụ, tổ chức biên chế, lực lượng và chiến trường đảm nhiệm thường xuyên có sự biến động; yêu cầu cùng lúc phải triển khai công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách cho nhiều loại hình đơn vị, nhiều lực lượng, trên nhiều chiến trường cách xa nhau cả trong nước và nước bạn Lào. Ngoài những yêu cầu chung, mỗi lực lượng có những yêu cầu riêng biệt cả về tổ chức, lực lượng, nhiệm vụ, tính chất hoạt động, giải quyết mối quan hệ, rất khó khăn cho việc triển khai hoạt động công tác đảng, công tác chính trị.

 Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng vũ trang Quân khu trên ba địa bàn chính, với yêu cầu nhiệm vụ khác nhau: Vừa chiến đấu bảo vệ, vừa xây dựng Thanh - Nghệ - Tĩnh thành căn cứ địa, hậu phương lớn thứ hai của cả nước (sau Việt Bắc) từ đó chi viện sức người, sức của cho các chiến trường; trực tiếp chiến đấu tiêu diệt địch trên chiến trường Bình Trị Thiên; thực hiện nhiệm vụ quốc tế đối với nước bạn Lào trên địa bàn rộng lớn Trung Hạ Lào.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng vũ trang Quân khu 4 cùng lúc thực hiện bốn nhiệm vụ trên ba chiến trường (4 nhiệm vụ: phòng thủ Quân khu; bảo vệ miền Bắc; trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên; làm nhiệm vụ quốc tế đối với nước bạn Lào. 3 chiến trường: Chiến trường A - Quân khu; chiến trường B – miền Nam; chiến trường C - Lào).

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, suốt một thời gian dài, lực lượng vũ trang Quân khu cùng lúc ổn định tổ chức biên chế, giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh; làm nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu; vừa tham gia xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, các công nông trường, góp phần tái thiết đất nước; đồng thời nhiều đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quốc tế đối với nước bạn Lào.

Cục Chính trị đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện công tác đảng, công tác chính trị với nhiều mô hình mới, cách làm mới, phù hợp với thực tiễn, thực sự hiệu quả, đảm bảo cho tất cả các lực lượng, các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang Quân khu, ở bất kỳ thời điểm nào, cũng luôn đặt dưới sự lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” của Đảng; được quán triệt, giáo dục nắm vững đường lối chủ trương của Đảng, nhiệm vụ của cách mạng, của quân đội của Quân khu, có ý chí quyết tâm chiến đấu công tác cao; các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên thường xuyên được củng cố, kiện toàn đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân luôn được chăm lo xây dựng phát huy tốt vai trò của mình; các quy định về phòng gian, bảo mật, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật và các quy định về công tác chính sách được phổ biến đầy đủ, thực hiện chặt chẽ, góp phần to lớn vào quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của lực lượng vũ trang Quân khu.

Ba là, Chí nghĩa, chí tình trong giải quyết các mối quan hệ; trong ứng xử với cấp trên, cấp dưới, với đồng chí, đồng đội, với bạn bè và nhân dân.

Đây là nét đặc trưng, là biểu hiện của sự chân thành, sâu sắc trong ứng xử, trong giải quyết, xử lý các mối quan hệ và công việc một cách nhân văn, tinh tế của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị; đồng thời cũng là nét truyền thống của con người Khu 4 bộc trực, giản dị, mộc mạc, nhưng rất trung thực, thẳng thắn, tình cảm chân thành, thủy chung son sắt.

Thực tiễn trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của mình, Cục Chính trị luôn thể hiện tình cảm trân trọng, chân thành sâu sắc; bình tĩnh xem xét xử lý công việc, các tình huống nảy sinh và các mối quan hệ hàng ngày luôn thấu tình đạt lý. Cách ứng xử chân thành của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong nội bộ cơ quan, đơn vị và với cán bộ, chiến sỹ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân khu; với nhân dân và bạn bè quốc tế, nhất là với cán bộ, nhân dân nước bạn Lào anh em để lại những ấn tượng hết sức sâu sắc. Vì vậy mà các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ của Cục Chính trị luôn được các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, nhân dân nước bạn Lào tin tưởng, ủng hộ, chia ngọt sẻ bùi.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Giúp nhân dân bạn cũng là mình tự giúp mình” và phát huy truyền thống đoàn kết quốc tế sâu đậm của Quân khu với nước bạn Lào, các cơ quan, đơn vị Cục Chính trị vừa tích cực chủ động tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, vừa trực tiếp tiến hành nhiều hoạt động phối hợp, giúp đỡ bạn hết sức thiết thực hiệu quả, góp phần to lớn vào việc không ngừng xây dựng củng cố phát triển mối quan hệ truyền thống đoàn kết gắn bó, tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Nhiều thế hệ cán bộ Cục Chính trị Quân khu 4 đã có nhiều năm lăn lộn gắn bó với sự nghiệp cách mạng của bạn, với chiến trường nước bạn ngay từ những ngày đầu tiên. Phát huy truyền thống đó, hiện nay bên cạnh việc tham mưu cho Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu, hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị không ngừng củng cố, gìn giữ mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với bạn; Cục Chính trị trực tiếp phối hợp với bạn tổ chức nhiều hoạt động rất thiết thực, qua đó góp phần giữ vững mối quan hệ tốt đẹp với bạn, được bạn thực sự tin cậy.

Bốn là: Thường xuyên chăm lo xây dựng giữ vững sự đoàn kết, thống nhất cao và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của đội quân cách mạng.

Quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”, quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Cục Chính trị Quân khu 4 đã ghi đậm dấu ấn của sự đoàn kết, thống nhất cao trong cán bộ, chiến sỹ, nhân viên toàn Cục. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu, đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ từ thủ trưởng Cục, đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc cũng luôn thể hiện sự đoàn kết thống nhất cả về nhận thức và hành động, đồng tâm, nhất trí trong thực hiện nhiệm vụ và xây dựng đơn vị.

Để xây dựng và giữ vững sự đoàn kết thống nhất cao, công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách trong nội bộ Cục được triển khai hết sức chặt chẽ không bỏ sót đối tượng nào, trong đó phát huy cao độ vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ trì từ chỉ huy Cục đến các cơ quan, đơn vị; phát huy dân chủ rộng rãi, sâu sát, quan tâm lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cán bộ, nhân viên, chiến sỹ; kịp thời giải quyết những vướng mắc nảy sinh; chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần và hậu phương gia đình cán bộ, nhân viên, chiến sỹ.

Cục Chính trị luôn tăng cường xây dựng, củng cố vững chắc mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, trở thành cầu nối giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhân dân cả trong và ngoài Quân khu, tạo sức mạnh tổng hợp trong tiến hành công tác đảng, công tác chính trị.

Kế tục truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội và LLVT Quân khu, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Cục Chính trị trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất cứ nhiệm vụ cũng đều nêu cao tinh thần quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cục Chính trị làm tốt nhiệm vụ truyền ngọn lửa cách mạng; khơi dậy mạnh mẽ trong cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nhiệt huyết, ý chí quyết tâm, tinh thần nỗ lực phấn đấu vươn lên vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

75 năm xây dựng, chiến đấu và trư­ởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy, Khu ủy, Liên khu ủy, Đảng uỷ - Bộ Tư­ lệnh Quân khu, sự phối hợp giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang Quân khu và quân đội, nhân dân nước bạn Lào,  bằng trí tuệ, sức lực và tình cảm, trách nhiệm của mình, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ đã xây dựng Cục Chính trị không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, thực hiện tốt chức năng tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; góp phần quan trọng vào việc xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT Quân khu, luôn sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và làm tròn nhiệm vụ quốc tế. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cục Chính trị đã xây đắp nên truyền thống: “Kiên trung, sáng tạo, mẫu mực, nghĩa tình, đoàn kết, quyết thắng”, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của LLVT Quân khu 4.

II. PHẦN THƯỞNG VÀ DANH HIỆU CAO QUÝ MÀ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC, BỘ QUỐC PHÒNG TRAO TẶNG

1. Cục Chính trị

- Huân chương Quân công hạng Ba, năm 1973;

- Huân chương Quân công hạng Nhì, năm 1984;

- Huân chương Chiến công hạng Ba, năm 2002;

- Huân chương Chiến công hạng Nhất, năm 2004;

          - Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2004;

          - Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2005;

          - Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, năm 2008, 2016;

- Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì năm 2018;

          - Cờ thưởng của Thủ tướng Chính phủ năm 2010, 2015, 2016, 2017, 2019;

          - Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2005;

          - Cờ thưởng của Bộ Quốc phòng năm 2004, 2005, 2007, 2008.

2. Cơ quan, đơn vị trực thuộc

          * Phòng Tuyên huấn

          - Huân chương Chiến công hạng Nhì, năm 1973;

          - Huân chương Chiến công hạng Ba, năm 1985, 2004.

          * Phòng Tổ chức

          - Huân chương Chiến công hạng Nhì, năm 1973.

          * Phòng Cán bộ

          - Huân chương Chiến công hạng Nhì, năm 1973.

          * Phòng Chính sách 

          - Huân chương Chiến công hạng Nhì, năm 1973, 1997;

          - Huân chương Chiến công hạng Ba, năm 2005.

          * Phòng Kế hoạch tổng hợp

          - Huân chương Chiến công hạng Nhì, năm 1973.

          * Đoàn Văn công

          - Huân chương Chiến công hạng Nhì, năm 1975;

          - Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, năm 2004.

          * Xưởng in

- Huân chương Quân công hạng Nhì, năm 1981;

- Huân chương Chiến công hạng Nhất, năm 1983;

- Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, năm 2000.

* Bảo tàng

- Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, năm 2020.

Những thành tích vẻ vang đó, là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ - Bộ Tư­ lệnh Quân khu; sự ủng hộ, phối hợp giúp đỡ của cấp uỷ, chỉ huy các cơ quan, đơn vị và địa phương, mà trước hết, đó là kết quả của tinh thần đoàn kết, luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hy sinh, với ý thức trách nhiệm và quyết tâm cao nhất của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên cơ quan Cục Chính trị qua các thời kỳ. Thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục Chính trị hôm nay luôn tự hào và trân trọng những đóng góp, hy sinh to lớn của lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên đi trước vào sự phát triển, trưởng thành của Cục Chính trị, nguyện ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, đoàn kết xây dựng Cục Chính trị luôn vững mạnh toàn diện, thực sự mẫu mực, tiêu biểu, Đảng bộ Cục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tham mưu, chỉ đạo, tổ chức tốt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, nhất là chất lượng chính trị và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

PHÒNG CHÍNH TRỊ - BỘ CHQS TỈNH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 662
Hôm qua : 1.444
Tháng 01 : 18.180
Tháng trước : 41.100
Năm 2025 : 18.180
Năm trước : 354.333
Tổng số : 1.446.902