• :
  • :
LLVT THÀNH PHỐ HUẾ ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH - LLVT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THỰC HIỆN TỐT CUỘC VẬN ĐỘNG " PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, CỐNG HIẾN TÀI NĂNG, XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ"
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN Kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 31 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

Kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2020) và 31 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2020)

 

 

I. QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM - 76 NĂM XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN, CHIẾN ĐẤU VÀ CHIẾN THẮNG

1. Quân đội Nhân dân Việt Nam ra đời và cùng toàn dân tộc tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công

Trong Chính Cương vắn tắt (tháng 02/1930), Đảng ta đã khẳng định con đường giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc phải tổ chức ra quân đội công nông để giành chính quyền và giữ chính quyền. Vì vậy, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các tổ chức vũ trang lần lượt được hình thành là Đội tự vệ đỏ, đội du kích Bắc Sơn, du kích Nam Kỳ, đội du kích Ba Tơ, đội Du kích Pắc Bó, Cứu Quốc quân. Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và trưởng thành của phong trào đấu tranh cách mạng đòi hỏi cách mạng Việt Nam phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc.

Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh gồm 34 chiến sĩ (trong đó có 25 chiến sĩ là con em dân tộc Cao Bằng), biên chế thành 3 tiểu đội. Đồng chí Hoàng Sâm được cử làm Đội trưởng. Đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có chi bộ Đảng lãnh đạo.

Vào hồi 17 giờ ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (đóng tại tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng); 7 giờ sáng ngày 26/12/1944 lại đột nhập đồn Nà Ngần (đóng tại xã Cẩm Lý, châu Nguyên Bình, nay thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), giết chết hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch và thu tất cả vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã mở đầu cho truyền thống của quân đội ta.

Tháng 4/1945, Trung ương Đảng quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân. Ngày 15/5/1945, tại Định Biên Thượng, Định Hóa, Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành Tư lệnh các lực lượng vũ trang thống nhất, mang tên Việt Nam Giải phóng quân.

Với sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang cùng các tầng lớp Nhân dân đồng loạt đứng dậy tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa của Nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân. Năm 1946, Vệ Quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ngày 22/12/1944, ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam được lấy làm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

2. Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)

Sau cách mạng Tháng Tám, cùng một lúc chúng ta phải đối phó với cả “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”. Ở Nam Bộ, ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp được quân Anh và quân Nhật giúp sức đã trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Tại Bắc Bộ và Trung Bộ, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 10/1945, gần 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch đã chiếm đóng hầu hết các thành phố từ vĩ tuyến 16 trở ra.

Tháng 11/1946, thực dân Pháp đổ bộ lên Đà Nẵng, Đồ Sơn, Cát Bà. Để thực hiện chiến lược “Đánh nhanh thắng nhanh”, sau khi nổ súng ở Hải Phòng và Lạng Sơn (20/11/1946), chúng ráo riết chuẩn bị lực lượng hòng đánh úp các cơ quan đầu não của ta tại thủ đô Hà Nội.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cuộc chiến đấu ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã đã tiêu hao, tiêu diệt và giam chân một lực lượng lớn quân địch, tạo điều kiện cho cả nước chuyển vào kháng chiến lâu dài.

Ngày 7/10/1947, thực dân Pháp huy động hơn 2 vạn quân tinh nhuệ có máy bay, tàu chiến hỗ trợ, mở cuộc tiến công lớn lên Việt Bắc. Thế nhưng sau hơn hai tháng chiến đấu (7/10-20/12/1947), quân ta đã tiêu diệt hàng nghìn tên địch, bắn rơi 18 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 50 tàu, ca nô, phá hủy 255 xe cơ giới, thu hàng nghìn súng các loại, làm nên thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc.

Tháng 6/1950, ta mở chiến dịch Biên Giới, tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới Việt-Trung, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, khai thông đường liên lạc với các nước xã hội chủ nghĩa.

Đầu tháng 9/1952, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Bắc, nối thông được vùng giải phóng Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào. Ta giữ vững thế chủ động tiến công, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng của địch.

Ngày 6/12/1953, ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về “đình chỉ chiến sự ở Việt Nam”, lập lại hòa bình ở Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp.

3. Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975)

Ở miền Nam, tháng 6/1954, Mỹ dựng chính phủ Ngô Đình Diệm và ráo riết thực hiện chính sách khủng bố tàn bạo, gây ra những tổn thất nặng nề cho cách mạng miền Nam.

Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ngày 15/2/1961, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, bộ phận trực tiếp của Quân đội Nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở miền Nam.

Từ năm 1961, để đối phó với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới và phong trào cách mạng miền Nam, đế quốc Mỹ thực hiện “Chiến tranh đặc biệt”. Với kinh nghiệm đấu tranh, quân và dân miền Nam đã sáng tạo nhiều hình thức tiến công, đánh 15.525 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 28.966 tên, vùng giải phóng được giữ vững và mở rộng.

Sau sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân lần thứ nhất hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. Các đơn vị hải quân, phòng không, dân quân tự vệ đã nâng cao cảnh giác, hiệp đồng chặt chẽ, mưu trí dũng cảm, chiến đấu ngoan cường, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ. Ngày 5/8 trở thành Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Bộ đội Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Tháng 10/1964, các lực lượng vũ trang miền Nam mở đợt hoạt động Đông- Xuân 1964-1965, tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân chủ lực ngụy, với chiến thắng Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ hoàn toàn bị phá sản.

Từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa lực lượng chiến đấu của Mỹ vào trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam. Hỗ trợ cho nỗ lực quân sự ở miền Nam, Mỹ dùng không quân, hải quân mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Vừa xây dựng, vừa chiến đấu và phát triển lực lượng, bộ đội ta trên các chiến trường miền Nam đã tổ chức các trận tiến công, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ và quân đội Sài Gòn, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Trong 4 năm (1964-1968), quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 3.243 máy bay các loại, bắt sống nhiều giặc lái, bắn chìm và bắn cháy 143 tàu chiến.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân 1968 trên toàn chiến trường miền Nam, cùng với việc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pari.

Từ năm 1969, Mỹ chuyển sang thi hành “Học thuyết Níchxơn” và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đồng thời tăng cường chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” ở Lào và Campuchia.

Đầu năm 1972, quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam, làm thay đổi so sánh lực lượng và thay đổi cục diện chiến tranh, dồn Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn vào thế yếu trầm trọng hơn.

Trước nguy cơ đổ vỡ của quân đội Sài Gòn - xương sống của Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; Níchxơn buộc phải huy động trở lại lực lượng quân sự Mỹ vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngày 6/4/1972, đế quốc Mỹ huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân mở cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc lần thứ hai, với hai chiến dịch Lai-nơ Bếch-cơ 1 và Lai-nơ Bếch-cơ 2. Với tinh thần dũng cảm, bằng cách đánh mưu trí, linh hoạt, quân và dân miền Bắc đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược lần thứ hai bằng B52 của Mỹ, lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không” tại bầu trời Hà Nội.

Thắng lợi to lớn của quân và dân hai miền Bắc và Nam, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari vào ngày 27/01/1973 về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”, cam kết tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chấm dứt dính líu về quân sự, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam.

Hiệp định Pari được ký kết, nhưng với bản chất ngoan cố, đế quốc Mỹ chưa chịu từ bỏ âm mưu duy trì chế độ thực dân mới, chia cắt lâu dài đất nước ta. Trong quá trình rút quân, đế quốc Mỹ vẫn  để lại nhiều sĩ quan mặc áo dân sự và giao lại cho quân đội Sài Gòn toàn bộ cơ sở vật chất, vũ khí, phương tiện chiến tranh. Dựa vào viện trợ của Mỹ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra sức củng cố ngụy quân, ngụy quyền, liên tiếp mở các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm vùng giải phóng của ta.

Ngày 4/3/1975, bộ đội ta mở chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Gia Lai và toàn bộ Tây Nguyên.

Ngày 5/3/1975, quân ta mở chiến dịch Trị - Thiên - Huế, giải phóng tỉnh Quảng Trị, Huế và Thừa Thiên.

Từ ngày 26/3- 9/4/1975, quân ta mở chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà và thị xã Hội An, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà.

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ngày 26/4/1975, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công đồng loạt vào các mục tiêu, phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch. Đại sứ Mỹ và các nhân viên quân sự, binh lính cuối cùng của Mỹ lên máy bay trực thăng rút khỏi Sài Gòn (sáng 30/4). Vào lúc 10 giờ 45 phút, phân đội xe tăng thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc Lập. Quân ta bắt toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Cờ Tổ quốc tung bay trước tòa nhà chính của dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút. Hơn một triệu quân đội Sài Gòn và cả bộ máy chính quyền địch bị đập tan, chế độ thực dân mới được Mỹ dốc sức xây dựng trong hơn 20 năm với 5 đời tổng thống đã hoàn toàn sụp đổ.

Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội Nhân dân Việt Nam cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

4. Quân đội Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1975 - nay)

Trong những năm 1975-1977, quân đội ta thực hiện điều chỉnh một bước về quân số, tổ chức biên chế; vừa đẩy mạnh huấn luyện, xây dựng chính quy phù hợp với tình hình mới, vừa tham gia xây dựng đất nước. Toàn quân đã bố trí hơn 256.000 cán bộ, chiến sĩ chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế. Nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cán bộ, chiến sỹ trong quân đội đã khắc phục khó khăn, gian khổ, tham gia xây dựng tuyến đường sắt Bắc-Nam; khai hoang xây dựng các vùng kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, phát triển các nông trường, lâm trường quốc doanh trên các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ.

Tháng 4/1977, tập đoàn Pôn Pốt - Iêngxari phát động cuộc chiến tranh xâm lược vùng biên giới Tây Nam. Mùa khô năm 1978, chúng đã huy động 19 sư đoàn bộ binh tiến công trên toàn tuyến biên giới, gây ra nhiều cuộc thảm sát man rợ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 23/12/1978, quân và dân ta trên toàn tuyến biên giới Tây Nam đã tiến hành mở cuộc phản công chiến lược và đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêngxari. Với sự giúp đỡ to lớn của Quân tình nguyện Việt Nam, ngày 7/1/1979, các lực lượng vũ trang cách mạng và quân, dân Campuchia đã đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêngxari, hồi sinh, tái thiết đất nước.

Ở biên giới phía Bắc, ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân tiến công trên toàn tuyến biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta. Các lực lượng vũ trang địa phương, dân quân tự vệ đã phối hợp với một bộ phận bộ đội chủ lực cùng đồng bào các dân tộc vùng biên giới anh dũng chiến đấu, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, buộc Trung Quốc phải rút hết quân vào ngày 16 tháng 3 năm 1979.

Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung của đất nước trong hơn 34 năm đổi mới. Quân đội đã chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách; ra Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đã tham mưu với Đảng và Nhà nước đề ra đối sách phù hợp, xử lý linh hoạt, đúng đắn các tình huống phức tạp, các vấn đề nhạy cảm về quốc phòng - an ninh, trong quan hệ đối nội và đối ngoại, không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược, đồng thời không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quan hệ tốt với các nước láng giềng; bảo đảm sự ổn định chính trị-xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quân đội đã thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, duy trì và thực hiện tốt công tác sẵn sàng chiến đấu ở tất cả các cấp; tỉnh táo, chủ động và kiên quyết đấu tranh phòng chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và thành quả cách mạng của Nhân dân.Nổi bật là việc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo và sự gây hấn, lấn chiếm của các thế lực thù địch.

Những năm qua, cùng với Nhân dân và các lực lượng khác, quân đội đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn quân đội đã thể hiện rõ là lực lượng tiên phong, đi đầu, ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid 19, bảo đảm ổn định tình hình chính trị xã hội, an ninh quốc phòng trên phạm vi cả nước. Cùng với đó đã thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng, tổ chức lực lượng tham giagìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, góp phần củng cố nền hòa bình trong khu vực và thế giới.

Ngoài ra, quân đội cũng đã thực hiện tốt công tác tham gia xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước, cùng với các lực lượng khác giúp dân xóa đói, giảm nghèo ổn định cuộc sống, góp phần củng cố thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Trải qua 76 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, cùng với những chiến công mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc như những biểu tượng sáng ngời về một quân đội từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, phục vụ, quân đội ta đã xây đắp nên những truyền thống cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.

II. KỶ NIỆM 31 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2020)

Quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, bao gồm tổng thể các hoạt động về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hoá, khoa học… của Nhà nước và Nhân dân để tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, đồng bộ, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt, nhằm giữ vững hoà bình, ổn định đất nước, ngăn chặn các hoạt động phá hoại, gây chiến, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đồng thời sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức và quy mô. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là xây dựng cả lực lượng và thế trận; xây dựng tiềm lực mọi mặt, đặc biệt là tiềm lực chính trị - tinh thần; phát huy sức mạnh tổng hợp về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 17 tháng 10 năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/TƯ quyết định lấy Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12) đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân - Ngày hội của truyền thống bảo vệ Tổ quốc, Ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp“Bộ đội Cụ Hồ” - một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Ngày hội Quốc phòng toàn dân cũng là dịp để phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

31 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của toàn xã hội và sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, an ninh Nhân dân.

Hai là, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm môi trường ổn định, hòa bình và an ninh cho sự phát triển đất nước; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ba là, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được tăng cường, tăng thêm khả năng ngăn chặn và loại trừ nguy cơ chiến tranh và khả năng đối phó thắng lợi các tình huống chiến tranh và các tình huống xâm phạm an ninh quốc gia, nếu xảy ra.

Bốn là, hình thành thế chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới. Thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân bảo vệ Tổ quốc được triển khai rộng khắp, chặt chẽ và liên hoàn; “thế trận lòng dân” được củng cố vững chắc.

Năm là, lực lượng vũ trang mà nòng cốt là Quân đội Nhân dân có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, phát huy được vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

 

        PHÒNG CHÍNH TRỊ - BỘ CHQS TỈNH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.313
Hôm qua : 3.617
Tháng 01 : 30.657
Tháng trước : 41.100
Năm 2025 : 30.657
Năm trước : 354.333
Tổng số : 1.459.379