• :
  • :
LLVT THỪA THIÊN HUẾ ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH - LLVT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THỰC HIỆN TỐT CUỘC VẬN ĐỘNG " PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, CỐNG HIẾN TÀI NĂNG, XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ"
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mệnh lệnh từ trái tim người lính

Thiên tai, bão lũ đổ xuống dải đất miền Trung ruột thịt không chỉ tàn phá của cải vật chất mà còn cướp đi nhiều sinh mạng người dân. Cứu giúp nhân dân là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh từ trái tim. Chính vì thế Bộ đội Cụ Hồ đã đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết. Dù biết khi thực hiện nhiệm vụ ai cũng có thể gặp hiểm nguy, hy sinh; nhưng không vì thế mà cán bộ, chiến sĩ chùn lòng trước nhiệm vụ.

Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở Thủy điện Rào Trăng 3

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT - Bộ NN&PTNT cho biết: Mưa xấp xỉ 3.500 mm ở khu vực Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, Quảng Bình mà chỉ trong vòng 10 ngày.

Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Rất là kinh khủng, có lẽ trong lịch sử chưa bao giờ có lượng mưa lớn mà trút xuống khu vực Phong Xuân và khu vực suối Rào Trăng mà lớn như thế.

Đại tá Vũ Xuân Hùng, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4 cho biết: Có nhiều điểm sạt lở lớn, trong đó có điểm sạt lở có tảng đá trên 30 tấn nằm chắn ngang đường các lực lượng, phương tiện cơ động không được.

Tất cả các lực lượng hướng về Thủy điện Rào Trăng 3

Tiếp nối các giai đoạn tìm kiếm 11 công nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3, giai đoạn 7 lần này bắt đầu từ ngày 22 tháng 7 năm 2021. Công việc tìm kiếm hết sức khó khăn, vất vả, do điều kiện tìm kiếm ở bãi bồi cách khu vực xảy ra sạt lở 500m địa hình cách trở, hai bên vách đứng, giữa dòng sông có nhiều bãi đá ngầm, đặc biệt khi chặn dòng có rất nhiều trụ thủy và mạch nước ngầm. 

Trung tá Hồ Đắc Quốc, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Để tiếp cận được bãi bồi chúng tôi phải khơi thông dòng chảy, dự kiến nhiều phương án, trong đó có phương án nổ phá mìn và tiếp cận vào bãi bồi này có nhiều tảng đá từ một tấn rưỡi, đến hai tấn do vậy các phương tiện tiếp cận hiện trường gặp rất nhiều khó khăn.

Các lực lượng tìm kiếm giai đoạn 7

Lực lượng cứu nạn được trang bị máy xúc, máy đào, máy bơm, xuồng cùng các thiết bị hiện đại để triển khai tìm kiếm quanh khu vực bãi bồi nghi có người mất tích. Bãi bồi này có lượng đất, đá, bê tông lớn từ hiện trường đổ về. Trong quá trình tìm kiếm các lực lượng tìm thấy nhiều quần áo, xe máy và nhiều túi xách, điện thoại, cùng chiếc ví có giấy tờ tùy thân của nạn nhân Lê Văn Phú trú tại Thành phố Huế.

Các lực lượng tìm kiếm giai đoạn 6

Chị Lê Thị Thu Thảo, Người nhà nạn nhân, thành phố Huế tâm sự: Toàn bộ áo quần, điện thoại, ví tiền, rồi trong túi có gói mỳ tôm nữa, thấy mà đau lòng quá, 7 tháng trời mong mỏi chờ đợi mà dừ mong sao tìm thấy em hấn để đưa về.

Chị Lê Thị Linh, Vợ nạn nhân, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh tâm sự: Em 28 tuổi mà 4 đứa con, đứa đầu 8 tuổi, bé út 8 tháng tuổi. Nhà em nghèo, khó khăn thật nhưng Bố rất thương các con, giờ Bố ra đi thiệt thòi cho các con rất nhiều, giờ nói chung em làm kiểu gì cũng không bù đắp được cho các con bằng tình thương của bố. 

Chị Mai Thị Thu Thủy, Vợ nạn nhân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế tâm sự: Trước mắt là em phải lo tìm chồng về cái đã, khi đó mới cũng cố tinh thần làm ăn nuôi con được, mỗi lần lên đây tốn kém mà mình không lo thì tâm mình không yên ổn, khi nào mà cuộc tìm kiếm kết thúc khi đó mới tuyệt vọng, còn bây giờ mình vẫn nuôi hy vọng.

Các lực lượng tìm kiếm giai đoạn 5

Dưới cái nắng rát da, rát thịt cuối tháng 7, lực lượng tìm kiếm vẫn cặm cụi đào bới đất, đá tìm kiếm nạn nhân mất tích, tất cả các đơn vị vẫn tập trung phương tiện cơ giới đào sâu, múc kỹ từ bãi bồi đến lớp đất nguyên thổ, trên mỗi xe múc đều cử người theo dõi từng gàu múc để phát hiện dấu vết của người gặp nạn.

Thiếu tá Võ Văn Lý, Đội 192, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Trong quá trình ngồi trên xe rất căng thẳng, rất vất vả, mắt thường xuyên theo dõi từng gàu múc, mũi phát hiện mùi hôi, khi phát hiện được thi thể, vật dụng hay những di vật còn sót lại của nạn nhân thì chúng tôi kịp thời cho xe dừng lại để xử lý.

Các lực lượng ngăn sông, nắn dòng tìm kiếm giai đoạn 4

Sạt lở đất là loại hình thiên tai phổ biến và nguy hiểm nhất ở nước ta, trong tháng 10 năm 2020 các tỉnh miền trung hứng chịu liên tiếp 6 trận sạt lở đất lớn cùng hàng trăm vụ sạt lở đất nhỏ, tổng cộng đã có 110 người chết và 398 người bị thương, trong đó tỉnh Thừa Thiên Huế với 2 vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3 và trạm kiểm lâm Tiểu khu 67 làm 30 người thiệt mạng, trong đó có 11 cán bộ Quân đội, 2 cán bộ địa phương. Trước khi triển khai tìm kiếm tại khu vực bãi bồi ở giai đoạn 7 các lực lượng Quân đội, Công an, Sở Giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 9 tháng khắc phục khó khăn tìm kiếm những người mất tích. Quảng đường từ xã Phong Xuân, huyện Phong Điền vào hiện trường vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 dài khoảng 30km, dọc theo đường này có hàng trăm điểm sạt lỡ khiến cho việc tiếp cận hiện trường gặp nhiều khó khăn. Trong đó có vị trí Tiểu khu 67, đây là nơi 13 liệt sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn nghỉ lại và bị vùi lấp vào đêm 12 tháng 10 năm 2020.

Đoàn cán bộ 21 người tức tốc tiến vào tuyến đường 71, tìm cách tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 3

Do lượng đất, đá sạt lở trôi về quá lớn, hiện trường tiếp cận khó, nên công tác tìm kiếm các nạn nhân tại Tiểu khu 67 gặp nhiều khó khăn. Sau 2 ngày tích cực tìm kiếm với sự nổ lực, quyết tâm cao, đến 19h30 phút ngày 15/10 lực lượng tìm kiếm cứu nạn mới tìm thấy được 13 thi thể gồm 11 cán bộ chiến sĩ quân đội và 2 cán bộ địa phương, đưa về Bệnh viện Quân y 268, Quân khu 4 để tổ chức lễ tang.

13 người bị vùi lấp tại Trạm kiểm lâm 67, 8 người may mắn thoát nạn trở về...

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Tiểu khu 67 các lực lượng tiến sâu vào hiện trường sạt lở, 3 hướng tiếp cận được triển khai, hướng thứ nhất sử dụng các phương tiện cơ giới khẩn trương mở đường theo đường 71; hướng thứ 2 sử dụng xuồng cao tốc di chuyển trên lòng hồ Thủy điện Hương Điền tiếp cận nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4 đưa người bị thương đi cấp cứu; hướng thứ 3 sử dụng máy bay Sư đoàn 372 Quân chủng Phòng không Không quân khảo sát tình hình sạt lở, tìm kiếm nạn nhân và tiếp ứng lương thực, thực phẩm cho các công nhân Thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4.

Các lực lượng tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 3 bằng ba mũi chính: Đường bộ, đường thủy và đường không
Trung tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Chỉ huy Tiền phương trực tiếp là Ban Chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì phối hợp hiệp đồng với các lực lượng để tổ chức tìm kiếm.

Đại tá Mai Trọng Tuệ, Cán bộ Cục cứu hộ, cứu nạn Bộ Quốc phòng cho biết thêm: Với độ vách tali từ đáy sông Rào Trăng lên khoảng 80-100m, để các lực lượng thi công cả trên và dưới an toàn, chúng tôi chỉ đạo các lực lượng thi công với phương pháp là cắt tầng cao của mái tali để hạ thấp độ cao đồng thời vừa tìm kiếm ở trên và ở phía dưới cũng bảo đảm an toàn”.

Các lực lượng tìm kiếm giai đoạn 1

Các lực lượng đã tập trung tìm kiếm ở khu vực nhà điều hành, khu vực sạt lở sát chân núi, khu vực bờ suối và khu vực lòng suối của sông Rào Trăng 3. Quá trình tìm kiếm vạch ra từng giai đoạn, giai đoạn thứ nhất khoanh vùng hiện trường, xác định hướng, tuyến sạt lở, tổ chức tìm kiếm; giai đoạn 2 mở rộng hiện trường tìm kiếm trên đất liền; giai đoạn 3 tìm dưới lòng sông; giai đoạn 4,5,6,7 tìm kiếm các bãi bồi dưới hạ lưu sông Rào Trăng. 

Các lực lượng tìm kiếm giai đoạn 2
Ông Ngô Viết Cường, Bố nạn nhân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế tâm sự: Qua các kênh thông tin truyền hình thấy được sự vất vả của các chú, các anh ở đây rồi, nhưng việc tìm cháu ra hay không cái đó còn tùy thuộc thời gian nữa, mặc dù xác của cháu tìm chưa ra nhưng gia đình vẫn thấy thỏa mãn, bởi vì sự tích cực lao động để tìm kiếm xác của công nhân ở đây quá là vất vả.

Ông Lê Văn Phùng, Bố nạn nhân, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa tâm sự thêm: Tôi thấy lực lượng Quân đội tìm kiếm rất tích cực, gia đình tôi cũng rất hài lòng và cũng tin tưởng Quân đội sẽ cố gắng tìm kiếm được cho gia đình con chúng tôi sẽ trở về sớm nhất.

Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Chúng tôi là những người đã từng chứng kiến đồng chí, đồng đội mình hy sinh và chúng tôi rất chia sẽ thấu hiểu những nổi đau, mất mát của các gia đình mà có công nhân mất tích, giai đoạn này kết thúc thì các cơ quan, ban, ngành sẽ tiếp tục đánh giá các phương án tiếp theo và khi có yêu cầu nhiệm vụ được tỉnh, Quân khu giao thì chúng tôi sẵn sàng và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ theo mệnh lệnh của cấp trên và mệnh lệnh từ trái tim người lính.

Các lực lượng ngăn sông, nắn dòng tìm kiếm giai đoạn 3

Tính từ tháng 10 năm 2020 đến cuối tháng 7 năm 2021, các lực lượng cứu nạn đã trải qua 7 đợt tìm kiếm với hơn 9.000 ngày công và huy động nhiều máy móc phương tiện tham gia tìm kiếm thi thể nạn nhân, qua 9 tháng tìm kiếm, đến nay các lực lượng cứu nạn đã tìm thấy 6/17 thi thể công nhân mất tích bàn giao cho gia đình đưa về quê chôn cất, phụng thờ, hương khói.

Các lực lượng cứu nạn đã tìm thấy 6/17 thi thể công nhân mất tích 

Vượt qua mọi nỗi đau, khu vực Rào Trăng trong thời gian qua thực sự là một chiến trường, nơi thử thách lòng cản đảm, sự kiên trì vượt qua mọi khó khăn thử thách của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an, Biên phòng và nhiều lực lượng khác. Dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào, nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân còn lại vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên Huế./.                          

 

             Bài, ảnh Trần Tình

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế

 


Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 300
Hôm qua : 456
Tháng 04 : 25.561
Tháng trước : 26.473
Năm 2024 : 96.939
Năm trước : 319.267
Tổng số : 1.171.328