• :
  • :
LLVT THỪA THIÊN HUẾ ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH - LLVT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THỰC HIỆN TỐT CUỘC VẬN ĐỘNG " PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, CỐNG HIẾN TÀI NĂNG, XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ"
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế (05/9/1945 - 05/9/2021)

   Trải qua 76 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng lớn mạnh, cùng với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thừa Thiên Huế - vùng đất chiến lược nối liền hai miền Bắc – Nam, từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, kinh đô của đất nước dưới thời Quang Trung - Nguyễn Huệ và triều Nguyễn (1802 - 1945); là vùng đất địa linh nhân kiệt sinh ra nhiều tên tuổi lớn làm rạng danh lịch sử dân tộc...Những yếu tố đó hình thành nên một Thừa Thiên Huế có bề dày lịch sử, văn hoá; có truyền thống rất đáng tự hào về tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng vẻ vang trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dưới ngọn cờ hiệu triệu và soi đường chỉ lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ Thừa Thiên Huế đã lãnh đạo quân và dân tỉnh nhà nhất tề nổi dậy lật đổ chế độ phong kiến; đập tan xiềng xích đô hộ của thực dân và phát xít, giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần quyết định vào thắng lợi chung của Cách mạng tháng Tám 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, hầu hết các thôn, xã, khu phố, cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà máy đều có lực lượng tự vệ chiến đấu. Mặc dù vũ khí, trang bị thô sơ, thiếu thốn, chủ yếu là gậy gộc, giáo mác nhưng các tự vệ đã hăng hái luyện tập, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thành quả Cách mạng.

Nhằm đối phó với âm mưu mới của thực dân Pháp và Tưởng Giới Thạch. Theo chỉ đạo của Trung ương và dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, ngày 05 tháng 9 năm 1945 tại Cố đô Huế, Chi đội giải phóng Trần Cao Vân được thành lập do đồng chí Trần Gia Hợi làm chỉ huy. Sau đó chi đội được đổi thành “giải phóng quân Thuận Hóa” gồm 15 trung đội. Trang bị vũ khí còn thô sơ và một số vũ khí lấy được của Nhật. Cuối năm 1945, lực lượng giải phóng quân Thuận Hóa tăng lên 30 trung đội. Hệ thống tổ chức chỉ huy được kiện toàn. Đến tháng 4/1946 phát triển thành Trung đoàn Trần Cao Vân và trở thành đơn vị chủ lực đầu tiên của tỉnh.

Khu ủy Trị - Thiên - Huế năm 1945

Trong kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để giữ chính quyền, tiến hành kháng chiến “toàn dân, toàn diện”, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và vinh dự được nhận cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng. Bước vào kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huế là một trong hai đô thị lớn thời bấy giờ có ảnh hưởng chính trị, quân sự đối với toàn miền Nam, là trung tâm đầu não của chính quyền Mỹ - Ngụy ở bắc trung phần; là lá chắn bảo vệ và ngăn chặn sự tiến công chi viện của quân và dân ta từ hậu phương lớn miền Bắc vào, đồng thời là hậu cứ tiền phương của địch, nơi chỉ huy, tổ chức các cuộc hành quân càn quét, đánh phá ra chiến trường Trị Thiên và miền Bắc.

Với ý chí “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”“không có gì quý hơn độc lập tự do”, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đoàn kết một lòng, anh dũng ngoan cường, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, không quản ngại gian khổ, hy sinh, “Đảng bám dân, dân bám đất, một tấc không đi, một ly không rời”, son sắt giữ trọn niềm tin vì ngày mai chiến thắng. Từng bước đánh bại các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - Ngụy trên chiến trường Thừa Thiên Huế, điển hình là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968, làm chủ thành phố Huế 26 ngày đêm; đồng thời cùng với quân và dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội. Thành phố Huế đã ghi tên mình vào lịch sử các thành phố anh hùng của thế giới. “Cả nước tự hào về Thừa Thiên Huế - mảnh đất kiên cường của Tổ quốc đã góp phần vẻ vang vào thắng lợi mở đầu cuộc tiến công và nổi dậy của miền Nam anh hùng”. Thừa Thiên Huế là một trong ba ngọn cờ đầu của miền Nam chống Mỹ, vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen và Chính phủ tặng danh hiệu “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.

Các chiến sĩ phân đội 1 và 2 quân Giải phóng Trị - Thiên - Huế nghiên cứu sa bàn
trước khi tấn công trung đoàn 7 thiết giáp Ngụy

Chiến tranh đã đi qua nhưng hậu quả của nó rất nặng nề, lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tập trung vào nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa tham gia phát triển kinh tế xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn... vừa phải tiếp tục cử nhiều đơn vị và hàng vạn cán bộ, chiến sỹ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh.

Từ sự kiện lịch sử ngày 05/9/1945, qua nhiều cuộc Hội thảo khoa học, ý kiến của các vị lão thành cách mạng, đề nghị của Thường vụ Tỉnh ủy và Bộ CHQS tỉnh, Tư lệnh Quân khu 4 đã ra quyết định số 517/QĐ-TL, ngày 27/8/1999 lấy ngày 05/9/1945 là ngày truyền thống của LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được Nhân dân đùm bọc thương yêu, LLVT Thừa Thiên Huế không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối tin tương vào sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững và phát huy bản chất truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Chủ động, tích cực, sáng tạo, đổi mới nội dung, hình thức tổ chức và phương pháp huấn luyện theo phương châm "cơ bản, thiết thực, vững chắc" phù hợp với tình hình thực tiễn, đối tượng tác chiến, nhiệm vụ của từng huyện, thị xã, thành phố và từng đơn vị. Chất lượng huấn luyện không ngừng được nâng lên. Công tác giao, nhận quân ngày càng đi vào nền nếp, chất lượng tốt; hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao, phong trào tặng sổ tiết kiệm cho thanh niên nhập ngũ thực sự là nguồn động viên rất lớn cho thanh niên yên tâm phục vụ Quân đội. Công tác giáo dục quốc phòng - an ninh được triển khai chặt chẽ, đã mở hàng trăm lớp cho trên 10.000 đối tượng từ cán bộ các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đến cơ sở; các chức sắc, chức việc trong tôn giáo.

Huấn luyện Chiến sĩ mới năm 2021

 

Kiểm tra 3 tiếng nổ Chiến sĩ mới năm 2021

 

Biểu diễn võ thuật tại lễ Ra quân huấn luyện

 

Huấn luyện Dân quân tự vệ hàng năm

Tích cực tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác chính sách hậu phương quân đội, đền ơn đáp nghĩa. Đặc biệt thực hiện Chỉ thị của Bộ Tư lệnh Quân khu, Đảng uỷ, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã thành lập đội quy tập liệt sĩ 192, làm nhiệm vụ cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ ở trong nước và ở Lào. Từ năm 1992 đến nay hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, vượt qua trăm khe, ngàn suối trên đất bạn Lào để tìm kiếm đồng đội, đến nay đã cất bốc được 3.017 liệt sĩ (trong đó, 896 liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào, 2.121 hài cốt liệt sĩ trong nước) đưa vào an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó Đội 192 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ đổi mới.

Lễ truy điệu các liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại chiến trường Lào

Với bản chất từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu nên cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh có mệnh lệnh “giúp dân, cứu dân là trên hết”, “đi về phía nhân dân”. Chính vì thế khi ở tình huống khẩn cấp phải cứu người, giúp, bảo vệ tính mạng nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh khi thấy việc cần kíp cứu dân là không màng nguy hiểm, sẵn sàng xông pha. Có thể nói, với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh việc cứu, giúp nhân dân là mệnh lệnh từ trái tim và là mệnh lệnh cao nhất. Năm 2020, 03 cán bộ, nhân viên lực lượng vũ trang tỉnh đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn đã góp phần tô thắm truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh.

Từ năm 2019 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng Nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành đoàn thể tỉnh và các địa phương tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid 19, hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” của LLVT tỉnh luôn xông pha trên tuyến đầu để bảo vệ sự bình an của Nhân dân đã được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh nhận danh hiệu tôn vinh tập thể có nhiều thành tích trong phòng, chống đại dịch Covid-19

 

Diễn tập tiếp nhận công dân từ vùng có dịch Covid-19 trở về

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng ngày càng được nâng lên, nhất là sau khi thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Chất lượng xây dựng cơ sở xã, phường, thị trấn, cụm an toàn làm chủ có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào chiều sâu, tạo tiền đề xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc. Đến nay số cơ sở xã, phường, thị trấn đạt vững mạnh toàn diện trên 80%, không có cơ sở yếu kém.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân sự tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025

 

Đảng ủy Quân sự tỉnh Hội nghị ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2021

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” gắn với “đơn vị quản lý tài chính tốt” và phong trào “xây dựng doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”; triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông". Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có nhiều bước tiến, hàng năm làm mới, sửa chữa hàng trăm mô hình học cụ, vũ khí tự tạo, trong đó có nhiều sáng kiến được Quân khu đánh giá cao.

Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh kiểm tra công tác Tăng gia sản xuất tại Tiểu đoàn Bộ binh 1

 

Đẩy mạnh công tác Tăng gia sản xuất

 

Làm tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng và sửa chữa Vũ khí trang bị Kỹ thuật

 

Ngành Kỹ thuật đóng giường sắt, xe đẩy cơm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19

Trải qua 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: 204 tập thể và 58 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân; 2.392 mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; có trên một vạn gia đình và cá nhân có công với cách mạng; hàng vạn tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương các loại, bằng khen của các cấp. Biết bao người con yêu quý trên mọi miền Tổ quốc đã anh dũng hy sinh cho quê hương Thừa Thiên Huế được hoàn toàn giải phóng. LLVT tỉnh mãi mãi ghi nhớ và biết ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, những người có công với cách mạng, các thế hệ đi trước đã chiến đấu và hy sinh, góp phần tô thắm truyền thống “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” của quân, dân Thừa Thiên Huế anh hùng./.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 24 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 101
Hôm qua : 764
Tháng 04 : 18.344
Tháng trước : 26.473
Năm 2024 : 89.722
Năm trước : 319.267
Tổng số : 1.164.111