• :
  • :
LLVT THỪA THIÊN HUẾ ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH - LLVT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THỰC HIỆN TỐT CUỘC VẬN ĐỘNG " PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, CỐNG HIẾN TÀI NĂNG, XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ"
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Phong Điền chú trọng nâng cao chất lượng công tác giáo giáo dục Quốc phòng và An ninh

Giáo dục quốc phòng và an ninh (QP&AN) là một nội dung quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; trực tiếp góp phần hun đúc lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, công tác giáo dục QP&AN ngày càng có ý nghĩa quan trọng.

Khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh đối tượng 4, năm 2021

Là một huyện đồng bằng ven biển bán sơn địa, nằm ở cửa ngõ phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế. Phong Điền có lãnh thổ trải rộng trên cả ba vùng đồi núi, đồng bằng và ven biển, có tổng diện tích tự nhiên 948,2273 km2. Toàn huyện được chia thành 16 đơn vị hành chính, trong đó có 15 xã và 01 thị trấn; dân số gần 89.000 người, mật độ dân số là 93 người/km2; có 04 dân tộc anh em là dân tộc Kinh, Vân Kiều, Pa cô, Pahy; có 3 tôn giáo chính là Phật giáo, Thiên chúa giáo và Tin lành với khoảng 14.000 tín đồ, chiếm  gần 15% dân số trên toàn huyện; là huyện có bề dày truyền thống cách mạng, có 13/16 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thời gian qua, công tác quân sự - quốc phòng địa phương luôn được Huyện ủy, UBND huyện Phong Điền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục QP&AN. Qua đó, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.

Hội đồng Giáo dục QP&AN của huyện luôn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tổ chức mở các lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho các đối tượng theo quy định. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong toàn huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục QP&AN; đặc biệt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức QP&AN cho toàn dân phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu và hướng mạnh về cơ sở, với nhiều hình thức phong phú, nội dung được lựa chọn phù hợp với từng đối tượng, được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hệ thống Đài phát thanh và truyền hình huyện thường xuyên tuyên truyền nhiệm vụ “Quốc phòng toàn dân”, “An ninh nhân dân”; nội dung tập trung vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác QP&AN; các hoạt động của LLVT và truyền thống cách mạng của quê hương trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; trách nhiệm của mỗi công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc... Nội dung kiến thức QP&AN được tuyên truyền lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Qua đó, đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của nhân dân.

Với điều kiện là huyện đồng bằng ven biển - đầm phá, vùng đặc thù nên công tác tuyên truyền miệng được đặc biệt quan tâm. Đội ngũ báo cáo viên từ huyện đến cơ sở thường xuyên được kiện toàn cả về số lượng và chất lượng; các tổ, đội công tác của huyện luôn phát huy tốt vai trò truyền tải trực tiếp nội dung thông tin về tình hình thời sự, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm; đồng thời quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân; chủ động nắm bắt và tham mưu cho cấp ủy xử lý kịp thời những vấn đề mới nảy sinh ở cơ sở. Để phục vụ có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức QP&AN, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy biên soạn và phát hành tài liệu lồng ghép các nội dung về nhiệm vụ QP&AN: Thông tin nội bộ, thông tin phục vụ lãnh đạo, thông tin chuyên đề, đề cương tuyên truyền, sách,... Qua đó, giúp các cấp, ngành và nhân dân nắm vững các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về thực hiện nhiệm vụ QP&AN; nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh với các thủ đoạn, âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; tăng cường tiềm lực, thế trận, nhất là tiềm lực chính trị tinh thần vững chắc trong khu vực phòng thủ của huyện.

Hằng năm, huyện thường xuyên chỉ đạo Hội đồng Giáo dục QP&AN phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch giáo dục QP&AN cho học sinh và các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Từ năm 2020 đến nay, Ban CHQS huyện đã phối hợp với Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh (QP&AN) huyện và Hội đồng Giáo dục QP&AN các xã tổ chức mở 20 lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho gần 2.000 lượt cán bộ, đảng viên các cấp. Năm học 2020 - 2021, hoàn thành 100% nội dung chương trình giáo dục QP&AN trong các nhà trường trên địa bàn huyện.

Để thực hiện đồng bộ các biện pháp bồi dưỡng kiến thức QP&AN vùng đặc thù huyện Phong Điền ngày càng vững chắc, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định QP&AN trên địa bàn, trong thời gian tới, Hội đồng Giáo dục QP&AN huyện tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với công tác giáo dục QP&AN. Đây là nguyên tắc, giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục QP&AN. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành cùng đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện về nhiệm vụ QP&AN; những năm tiếp theo, cần quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chính sách về QP&AN của Đảng và Nhà nước; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương. Phát huy tốt vai trò của Hội đồng Giáo dục QP&AN các cấp trong tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác giáo dục QP&AN; nhất là công tác khảo sát nắm chắc số lượng và phân loại để tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP&AN sát, đúng đối tượng. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy môn học giáo dục QP&AN cho học sinh, học viên trong các trường học và Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị của huyện theo hướng dạy học tích cực; ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; củng cố cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, thao trường, bãi tập đáp ứng yêu cầu môn học...

Hai là, tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống chống giặc ngoại xâm; giáo dục đường lối, quan điểm, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, biểu dương kịp thời những cách làm hay, sáng tạo, gương người tốt, việc tốt trong giáo dục QP&AN, công tác quân sự - quốc phòng địa phương và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; đấu tranh phê phán những nhận thức, hành vi tiêu cực sai trái trong xã hội,... góp phần bảo vệ vững chắc khu vực phòng thủ huyện và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Ba là, Hội đồng Giáo dục QP&AN huyện phải thường xuyên tổ chức quán triệt nghiêm túc và chỉ đạo 16 xã, thị trấn, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 03/7/2007 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP&AN trong tình hình mới”; Luật Giáo dục QP&AN, Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục QP&AN; các văn bản hướng dẫn thực hiện của Hội đồng Giáo dục QP&AN tỉnh, các phòng, ban, ngành có liên quan về công tác giáo dục QP&AN, kế hoạch công tác hằng năm của Hội đồng Giáo dục QP&AN tỉnh.

Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và sự phát triển của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh, bổ sung chương trình, nội dung giáo dục QP&AN cho phù hợp. Nội dung điều chỉnh, bổ sung phải bám sát, cập nhật quan điểm, tư duy, phát triển mới về đường lối QP&AN của Đảng, nhất là Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Luật Quốc phòng sửa đổi năm 2018, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và các chiến lược chuyên ngành mới được ban hành; về đối tượng, đối tác, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, nhất là việc các thế lực thù địch thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Năm là, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ huyện đến cơ sở, tập trung xây dựng Đảng bộ, chi bộ, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần, tạo nên thế trận lòng dân vững chắc, an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại, xây dựng thế trận quốc phòng, trước hết là thế trận lòng dân vững chắc, xây dựng cơ sở cụm an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

 

Đại úy Nguyễn Văn Minh, Trợ lý chính trị Ban CHQS huyện Phong Điền


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7
Hôm qua : 456
Tháng 04 : 25.268
Tháng trước : 26.473
Năm 2024 : 96.646
Năm trước : 319.267
Tổng số : 1.171.035