Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tăng gia sản xuất tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phong Điền
Tăng gia sản xuất (TGSX) góp phần tạo nguồn bảo đảm hậu cần của đơn vị, một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng, thể hiện bản chất, truyền thống của Quân đội ta, là hoạt động thiết yếu góp phần tạo nguồn nông sản đáp ứng nhu cầu cải thiện đời sống bộ đội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Các cơ quan trong quân đội phải cố sức trồng trọt chăn nuôi để tự túc phần nào, để giảm bớt gánh nặng của nhân dân. Tuy công việc chuyên môn vẫn là chính, nhưng phải cố sức tăng gia. Bộ đội đánh thắng giặc thu được nhiều chiến lợi phẩm, đấy cũng là tăng gia”.
Thời gian qua tình hình dịch bệnh Covid -19 trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và huyện Phong Điền nói riêng diễn biến hết sức phức tạp tác động không nhỏ đến nền kinh tế, sự biến động thường xuyên của giá cả thị trường; trong khi đó kinh phi bảo đảm cho hoạt động công tác quốc phòng, quân sự địa phương nói chung, công tác hậu cần nói riêng còn hạn hẹp, cán bộ phải phân tán, thiếu vắng khi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc, thời tiết biến đổi khó lường.. Tuy nhiên bằng sự chủ động trong công tác lãnh, chỉ đạo của tập thể Đảng ủy, Ban chỉ huy và sự đồng lòng, nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ SQ, QNCN trong đơn vị, Ban CHQS huyện Phong Điền đã khắc phục những yếu tố không thuận lợi, đẩy mạnh và phát triển công tác TGSX đạt và vượt chỉ tiêu ngành Hậu cần đề ra, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội.
.jpg)
Xác định bên cạnh công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; công tác huấn luyện SSCĐ, xây dựng nền nếp chính quy trong đơn vị thì công tác tăng gia sản xuất là một nhiệm vụ quan trọng. Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa tầm quan trọng của công tác hậu cần nói chung, công tác tăng gia sản xuất, chăn nuôi nói riêng trong thời gian qua Đảng ủy, Ban CHQS huyện đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất, chăn nuôi quanh bếp, quanh vườn và tập trung phát triển ở căn cứ hậu phương của huyện bằng những nội dung, biện pháp thiết thực, phù hợp, thu được kết quả tích cực tạo nguồn thực phẩm tại chỗ để cải thiện đời sống cho cán bộ cơ quan.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của tăng gia sản xuất, Đảng ủy, Ban CHQS huyện Phong Điền luôn quan tâm và triển khai thực hiện nghiêm túc và thu được những kết quả đáng khích lệ. Trong thời gian qua đơn vị đã tự túc được rau xanh và một phần thực phẩm nên từng bước nâng cao chất lượng bảo đảm đời sống, sức khỏe cho cán bộ cơ quan, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
.jpg)
Sau khi đơn vị chuyển sở chỉ huy vào địa điểm mới, với diện tích khá rộng (gần 5 hecta), nằm trên gò đồi cao sỏi đá, nguồn nước để phục vụ tưới tiêu gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó điều kiện đất trồng không được thuận lợi, chủ yếu là đá, mùa mưa thì ngập úng, mùa hè thì đất không giữ được nước; thêm vào đó sự tác động của gió Tây Nam làm cho khí hậu càng thêm khắc nghiệt, do đó việc trồng và chăm sóc hệ thống cây xanh cũng như TGSX trong đơn vị hết sức khó khăn.
Tuy nhiên, xác định công tác TGSX là một nhiệm vụ không thể lơ là dù điều kiện của đơn vị không thuận lợi như các đơn vị bạn. Với quyết tâm cao, Đảng ủy, Ban CHQS huyện đã lãnh, chỉ đạo thực hiện tốt các khâu đột phá, trong đó có nhiệm vụ TGSX. Để khắc phục những điều kiện khó khăn, ngay từ đầu Ban CHQS huyện đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để đổ hàng trăm xe đất bồi và phân chuồng vào để cải thiện điều kiện thổ nhưỡng, làm hệ thống mái che và quy hoạch lại các khu vực trồng rau xanh theo từng nhóm, phân chia cho các Ban, bộ phận để trồng và chăm sóc. Bên cạnh đó, công tác quán triệt nhiệm vụ và xác định tư tưởng cho cán bộ được cấp ủy, người chỉ huy các cấp thực hiện thường xuyên nên đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong đơn vị.
Đầu tư phát triển và nhân giống đàn heo rừng, heo nái và heo nuôi lấy thịt
Bên cạnh đó công tác chăn nuôi cũng được chú trọng đầu tư, hệ thống chuồng trại được sữa chữa, nâng cấp đảm bảo chăn nuôi tập trung theo mô hình “Dàn, ao, chuồng,” mang lại hiệu quả cao. Hiện nay việc chăn nuôi được đơn vị thực hiên với nhiều chủng loại gia súc, gia cầm đa dạng khác nhau, trong đó có gần 100 con heo (gồm cả heo rừng, heo nái và heo nuôi lấy thịt) đang phát triển tốt và chuẩn bị sinh sản phát triển đàn; hơn 500 con gà, ngan nuôi lấy thịt và lấy trứng; ngoài ra đơn vị cũng đang phát triển đàn bò tại khu vực thao trường bắn của đơn vị. Với kết quả trên công tác TGSX của Ban CHQS huyện đã đạt và vượt chỉ tiêu ngành Hậu cần đề ra, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội.
Đầu tư phát triển gia cầm gà, vịt và nuôi cá theo mô hình “Vườn, ao, chuồng”
Tuy nhiên, việc tăng gia sản xuất trong thời gian qua còn một số hạn chế nhất định như có tư tưởng chạy theo thành tích, chưa chú trọng đến chất lượng; chưa chủ động về nguồn cây, con giống, thiếu biện pháp hiệu quả đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo nguồn thực phẩm; trong điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, chưa có quy hoạch vườn rau, chuồng trại hợp lý, kế hoạch sản xuất thiếu cụ thể và khoa học; chưa tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dẫn đến thừa rau khi chính vụ, thiếu trong những thời điểm giáp vụ.

Qua kết quả đạt được và từ thực tiễn kinh nghiệm rút ra bài học; để nâng cao hiệu quả TGSX ở đơn vị, chúng ta cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Một là, phát huy vai trò của cấp ủy, trách nhiệm của người chỉ huy và tính tích cực, chủ động, sáng tạo của cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất.
TGSX là nhiệm vụ thường xuyên của coq quan, đơn vị, vì vậy, cấp ủy các cấp cần cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, kế hoạch tăng gia sản xuất của cơ quan Hậu cần, nắm chắc tình hình xác định nội dung, mục tiêu, chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát thực, hiệu quả.
Chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tăng gia sản xuất chặt chẽ, nghiêm túc. Việc xây dựng kế hoạch phải khoa học, đúng với hướng dẫn của cấp trên, phù hợp với tính chất nhiệm vụ và khả năng của đơn vị; chỉ tiêu xác định phải đạt mức tiên tiến để khuyến khích tính tích cực, năng động, sáng tạo của mọi người. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với mùa vụ, điều kiện thời tiết. Phân bổ diện tích gieo trồng sản phẩm hợp lý; chú trọng xen canh, gối vụ; duy trì chặt chẽ quy trình kỹ thuật ở các khâu để nâng cao hiệu quả sản xuất. Quá trình tổ chức thực hiện, người chỉ huy phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, duy trì sản xuất ổn định. Tổ chức thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm hợp lý, làm tăng giá trị dinh dưỡng, nâng cao chất lượng bữa ăn bộ đội, hạn chế hiện tượng ứ động, quá lứa sản phẩm. Thường xuyên động viên cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; tận dụng triệt để mọi tiềm năng, nguồn lực để phát triển sản xuất. Tổ chức hạch toán, công khai thu chi, sử dụng quỹ vốn, nguồn lãi hiệu quả, tạo bầu không khí dân chủ, tin tưởng, phấn khởi trong đơn vị.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tăng gia sản xuất.
Cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị cần tập trung giáo dục, quán triệt cho mọi đối tượng nhận thức đúng đắn, sâu sắc quan điểm của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Quân khu, tỉnh về nhiệm vụ lao động sản xuất, làm kinh tế trong Quân đội nói chung, tăng gia sản xuất nói riêng, nhất là những chủ trương, định hướng mới. Nắm chắc các quy định, đặc điểm, yêu cầu, phương thức bảo đảm hậu cần trong tình hình mới; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tăng gia sản xuất. Giáo dục truyền thống vẻ vang của Quân đội, đơn vị và truyền thống ngành Hậu cần, trong đó đi sâu giáo dục truyền thống tự lực, tự cường trong tăng gia sản xuất tạo nguồn bảo đảm qua các thời kỳ, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; giáo dục tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và những lời dạy của Người về tăng gia sản xuất, quản lý, sử dụng vật chất tiết kiệm, hiệu quả.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp và đội ngũ cán bộ cần vận dụng linh hoạt các hình thức giáo dục, như: thông qua sinh hoạt, giao ban, hội ý; qua tổ chức thực hiện các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu thi đua; kết hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ tăng gia sản xuất ở đơn vị để giáo dục, quán triệt. Chấn chỉnh kịp thời những hành vi, biểu hiện nhận thức lệch lạc cũng như biểu dương những tập thể, cá nhân hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tăng gia sản xuất.
Ba là, nêu cao vai trò hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ và tổ chức điều tiết tiêu thụ sản phẩm của cơ quan Hậu cần.
Cơ quan Hậu cần phải thường xuyên nghiên cứu, quán triệt, nắm chắc các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan nghiệp vụ cấp trên, tình hình mọi mặt của các đơn vị… Trên cơ sở đó, tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo kỹ thuật, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đơn vị bằng văn bản, kết hợp kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp. Định kỳ, tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ, tổ chức tập huấn ngành; sơ, tổng kết rút kinh nghiệm… giúp các đơn vị có cơ sở để triển khai thực hiện; lập kế hoạch tăng gia sản xuất, xác định lịch gieo trồng, tiêm phòng gia súc, gia cầm, thời vụ thả cá phù hợp; tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, thu hoạch, bảo quản sản phẩm đúng quy trình kỹ thuật, đem lại hiệu quả thiết thực cho đơn vị.
Bốn là, tích cực nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Trong TGSX, các đơn vị chủ động nghiên cứu, đầu tư xây dựng các loại nhà vườn để sản xuất rau sạch, rau an toàn; quy hoạch vườn rau chuyên canh, vườn ươm cây giống; lắp đặt hệ thống tưới tiêu, phun mưa tự động... Tiếp cận, thử nghiệm các loại hạt giống, cây trồng có sức đề kháng, chống chịu sâu bệnh, chịu mưa, chịu hạn tốt cho năng suất, chất lượng cao. Tiếp cận, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học có nguồn gốc thảo dược vào phòng trừ sâu bệnh để bảo vệ cây trồng và bảo đảm an toàn cho bộ đội.
Trong chăn nuôi, tổ chức xây dựng, cải tạo hệ thống chuồng nuôi đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật của chăn nuôi an toàn sinh học (mô hình chuồng kín hoặc chuồng hở có kiểm soát), lắp đặt hệ thống quạt thông gió, hệ thống tưới nước (phun mưa) tự động để làm mát vào mùa nóng, hệ thống đèn sưởi, mái che, rèm chắn gió để chống rét vào mùa lạnh... Tổ chức tiêm vắc - xin phòng bệnh, giải nhiệt, các loại thuốc điều trị, chế phẩm sinh học để tiêu độc, khử trùng, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.
Nâng cao hiệu quả TGSX là yêu cầu khách quan, đòi hỏi sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của các cấp, các ngành; sự nỗ lực, chủ động trong thực hiện của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ; quan tâm đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào các khâu của quy trình sản xuất trên cơ sở phát huy mọi nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của từng đơn vị./.
Trung tá Đặng Tiến Dũng
Chủ nhiệm Ban Hậu cần - Kỹ thuật, Ban CHQS huyện Phong Điền
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.