• :
  • :
LLVT THỪA THIÊN HUẾ ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH - LLVT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THỰC HIỆN TỐT CUỘC VẬN ĐỘNG " PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, CỐNG HIẾN TÀI NĂNG, XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ"
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế đẩy mạnh thực hiện tốt công tác chính sách gắn với hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa"

  Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, quan tâm chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phát huy truyền thống dân tộc; phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng đã trở thành tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội.

           Những năm qua, Đảng ủy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xác định công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm lớn lao, mà còn là tình cảm và đạo lý cao cả, thể hiện nghĩa tình sâu sắc với những người đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, huy động được sức mạnh của toàn xã hội và đã trở thành những công việc thường xuyên với nhiều hoạt động thiết thực đã đi sâu vào tâm thức mỗi người dân nói chung và cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế nói riêng, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần góp phần để chăm sóc người có công trong giai đoạn hiện nay.

Đại tá Hoàng Văn Nhân, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh tặng quà cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Ký tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền
Thượng tá Ngô Nam Cường - UVTV tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh tặng quà cho Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Kan Lịch nhân dịp 27/7

          Chỉ nói riêng về địa bàn Thừa Thiên Huế, để có được sự giàu mạnh như hôm nay, quân và dân Thừa Thiên Huế đã có nhiều cống hiến hy sinh, mất mát. Trải qua 2 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thừa Thiên Huế đã có hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống, trong đó có hơn 17.542 liệt sĩ là con em trong tỉnh; 2.468 Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh là: 10.279; bệnh binh 2.737. Người có công giúp đỡ cách mạng là; 20.909;  người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 2.861; biết bao tài sản quý giá về kinh tế, văn hoá đã bị chiến tranh tàn phá một cách không thương tiếc. Biết bao bà mẹ đã tiễn đứa con duy nhất - tiễn đến đứa con cuối cùng của mình lên đường đánh giặc và không bao giờ còn được gặp lại dù chỉ một lần sau cuối.

 

Đại tá Hà Văn Ái - UVTV Đảng ủy, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh tặng quà cho các thương binh, thân nhân liệt sĩ nhân dịp 27/7

        Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta, 75 năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế luôn dành những tình cảm thiêng liêng và việc làm thiết thực để tỏ lòng ghi nhớ, tri ân những thương binh, liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”,  “Đền ơn đáp nghĩa”; sự trân trọng, biết ơn và trách nhiệm chăm lo của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đối với người có công cách mạng. Bám sát thực tiễn đất nước, nhiệm vụ của LLVT tỉnh, tâm tư, nguyện vọng của đối tượng chính sách, gia đình quân nhân; Đảng ủy Quân sự tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách lớn đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến và chính sách hậu phương Quân đội, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu rộng, phù hợp với tính chất và nhiệm vụ của đơn vị, nhất là chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ mới, đặc thù, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo; chính sách hỗ trợ đối với quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng hy sinh, bị thương trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; đấu tranh phòng, chống tội phạm, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn. Chế độ, chính sách đối với người có công, người trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế và gia đình quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thông qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội, phụng dưỡng “Mẹ Việt Nam anh hùng”; thăm hỏi, tặng quà, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, hỗ trợ đồ dùng học tập, học bổng, phương tiện đi lại cho các cháu học sinh là con em gia đình chính sách, gia đình đặc biệt khó khăn; chăm sóc cho thân nhân liệt sĩ già yếu cô đơn, thương, bệnh binh nặng... Các dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hằng năm, các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh đều tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình liệt sĩ, thương, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng. Các đơn vị đã phối hợp thực hiện tốt chương trình “Quân - dân y kết hợp”, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách và nhân dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, tích cực giúp đỡ nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống đại dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe và cuộc sống bình yên của nhân dân, tham gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt Đề án “Dạy nghề, giới thiệu việc làm đối với thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”. Chính sách nhà ở, đất ở đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quan tâm và từng bước được cải thiện. Chăm sóc phần mộ các liệt sĩ, tổ chức những hoạt động về nguồn đầy xúc động... Tri ân những người hy sinh vì nước đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội. Những việc làm đó còn có ý nghĩa giáo dục cho lớp trẻ hôm nay về một thời oanh liệt của đất nước, về đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh dâng hương tại Tiểu khu 67, nơi mà 13 liệt sĩ đã hy sinh năm 2020

       

Đại tá Hoàng Văn Nhân - Phó bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh tặng quà cho gia đình các liệt sĩ nhân dịp 27/7

  Hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhiều năm qua đã được các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh triển khai cả bề rộng và chiều sâu. Kết quả giai đoạn 2010 - 2022 lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế đã phụng dưỡng tổng cộng 15 mẹ VNAH, hiện còn 01 Mẹ. Bằng nguồn kinh phí của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu và của Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng được 54 Nhà tình nghĩa với kinh phí hỗ trợ hơn 4.320.000.000 đồng và 08 nhà đồng đội với kinh phí hỗ trợ hơn 640.000.000 đồng, tặng cho các đối tượng chính sách, gia đình quân nhân đang công tác có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế còn tổ chức các hoạt động thăm hỏi, gặp mặt, tặng quà nhân dịp các ngày lễ, Tết, ngày truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ đang công tác, cán bộ Quân đội nghỉ hưu; gia đình chính sách. Chính sách hỗ trợ đối với người công tác trong Quân đội mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh tâm thần, người hiếm muộn, vô sinh..., nhất là những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo hằng năm với số tiền gần 01 tỷ đồng; cùng với đó 100% thân nhân của quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cho 31.709  đối tượng với tổng số tiền trên 97.385.963.000 đồng. Tham mưu, phối hợp với Ngành Lao động TB&XH các cấp, Bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí khi đối tượng từ trần một cách nhanh chóng và kịp thời. Điều đó không chỉ trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của các đối tượng chính sách, mà còn thể hiện rõ trách nhiệm chính trị, nghĩa tình đồng chí, đồng đội sâu đậm, thủy chung. Bên cạnh đó công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực, hiệu quả. Kết quả tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giai đoạn 1994 -2022, ở nước Bạn Lào cất bốc được 935 hài cốt liệt sĩ, ở trong nước cất bốc được 2.125 hài cốt liệt sĩ. Tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức đón nhận, bàn giao, truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ, chặt chẽ, chu đáo đã để lại ấn tượng sâu sắc trong cấp uỷ, chính quyền, Quân đội và nhân dân nước Bạn và Đảng bộ, chính quyền nhân dân trong tỉnh, thể hiện sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, được dư luận xã hội đánh giá cao. Những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” thể hiện lòng tri ân và tình cảm của lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế đối với nhân dân trên địa bàn. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống, bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu, phát huy phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.


Tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Lễ truy điệu và an táng các hài cốt liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Huế

        Những năm gần đây dù kinh tế còn gặp khó khăn, nhất là sau thời gian dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ, gây hậu quả hết sức nặng nề về người và tài sản của Nhân dân và LLVT tỉnh, nhưng các hoạt động đền ơn đáp nghĩa vẫn diễn ra sôi nổi, sinh động. Thực tế cho thấy, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang lan tỏa sâu rộng mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút mọi cán bộ, chiến sĩ tham gia, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Điều đó không chỉ góp phần động viên tinh thần mà từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, người có công và đối tượng chính sách; mà còn là động lực to lớn, thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. 

Công tác chi trả trợ cấp 1 lần cho các đối tượng được thực hiện một cách tích cực 

         Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội và hoạt động Đền ơn đáp nghĩa thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế, cần phải khắc phục, như: Công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, nhất là những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và của Quân đội ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa sâu, chưa toàn diện và hiệu quả; năng lực tham mưu, chuyên môn của đội ngũ làm công tác chính sách có mặt còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, chưa huy động được nhiều nguồn lực tham gia công tác quan trọng này. Cùng với đó, những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh phức tạp, nhiều đối tượng hy sinh hoặc bị thương do thời gian quá lâu, địa bàn hoạt động rộng, đơn vị giải tán,... nên việc hoàn thiện hồ sơ, gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để làm tốt hơn nữa công tác chính sách đối với Người có công, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau:

Một làtiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết của trên về công tác chính sách nói chung, công tác thương binh, liệt sĩ và Người có công với cách mạng nói riêng. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài, phát huy khả năng lan tỏa của các phương tiện thông tin đại chúng; kết hợp tốt các biện pháp, hình thức tuyên truyền, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, kịp thời đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhất là các chính sách mới đến cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và đối tượng chính sách. Đồng thời, phòng, chống các biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện. Đây không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, nhằm tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với chính sách thương binh, liệt sĩ, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Cấp ủy, chỉ huy, Chính ủy, Chính trị viên các cấp phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Theo đó, bám sát các chủ trương, chính sách của trên, tình hình thực tiễn của địa phương và nhu cầu, quyền lợi thiết thực của các đối tượng chính sách để chủ động đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện phù hợp, hiệu quả. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc thu, chi, sử dụng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đúng mục đích, đạt hiệu quả thiết thực. Tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Người có công đã phát huy ý chí tự lực tự cường, vượt khó vươn lên. Đồng thời, khắc phục những biểu hiện hình thức, thiếu thực tế, gây lãng phí để lại những dư luận không tốt về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với các đối tượng chính sách, Người có công.

Ba làvận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Mục tiêu quan trọng của công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người được thụ hưởng. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị nắm chắc các nhu cầu thiết thực của đối tượng chính sách. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp, tiếp tục nhân rộng những mô hình, cách làm hiệu quả đã được khẳng định trong thực tiễn; đồng thời, nghiên cứu các hình thức phù hợp với yêu cầu, điều kiện mới. Trước mắt, giải quyết dứt điểm các chế độ, chính sách cho các đối tượng tham gia chiến tranh còn tồn đọng; đẩy mạnh các hoạt động thiết thực như: phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, đảm bảo cuộc sống tốt hơn hoặc bằng mức sống cộng đồng dân cư cho các đối tượng chính sách; tạo việc làm, hỗ trợ vốn, giống, công cụ sản xuất, giúp đỡ các gia đình chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, xây tặng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà nghĩa tình đồng đội”…

Bốn là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách. Thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách ở các cấp. Các cơ quan, đơn vị tăng cường bồi dưỡng, giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyên ngành, đảm bảo cho đội ngũ này có đủ phẩm chất, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết với ngành, có tâm trong sáng, bố trí lâu dài. Thực hiện nghiêm túc, nền nếp chế độ công tác Ngành, đẩy mạnh cải cách hành chính, đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện công tác chính sách. Quan tâm chăm lo đến đời sống cho đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách để họ yên tâm công tác, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

         Lực lượng vũ trang với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, tin tưởng rằng trong những năm tới, công tác chính sách hậu phương Quân đội sẽ được chăm lo, thực hiện tốt, theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng chính sách, gia đình quân nhân, góp phần quan trọng vào phát huy nhân tố chính trị - tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân”, xem đây là một mặt quan trọng để xây dựng LLVT Thừa Thiên Huế ngày càng vững mạnh, làm nòng cốt trong cũng cố quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa./.

 

Bài: THƯỢNG TÁ NGUYỄN VĂN HẢI 

Trưởng ban Chính sách, Phòng Chính trị

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 173
Hôm qua : 904
Tháng 04 : 24.978
Tháng trước : 26.473
Năm 2024 : 96.356
Năm trước : 319.267
Tổng số : 1.170.745