• :
  • :
LLVT THỪA THIÊN HUẾ ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH - LLVT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THỰC HIỆN TỐT CUỘC VẬN ĐỘNG " PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, CỐNG HIẾN TÀI NĂNG, XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ"
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng "Sức đề kháng" giới trẻ trước làn sóng thông tin đa chiều

Trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Để tăng “sức đề kháng” giới trẻ trước làn sóng thông tin đa chiều, Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều biện pháp trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Một giờ học chính trị của 260 chiến sĩ mới Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngoài nội dung đã được phê duyệt trong chương trình, giáo án giáo dục chính trị, bài giảng sẽ được bổ sung nhiều thông tin mang tính thời sự. Một trong những thông tin đó là công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ; dự thảo Luật đất đai sửa đổi; công tác phòng chống tham nhũng; công tác cán bộ; công tác đối ngoại; Hoàng Sa, Trường Sa; phòng chống, khắc phục bão lụt…, Nhiều thế lực thù địch đang lợi dụng những vấn đề này để xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.

Để định hướng, tạo sức “đề kháng” tốt nhất cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tập trung khai thác những kênh thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước để kịp thời đưa đến cho cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng đắn, khách quan từng sự việc, từng vấn đề cụ thể; đồng thời thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp cho từng đối tượng để cán bộ, chiến sĩ cập nhật những thông tin trên mạng xã hội, trên internet được tốt nhất.

Thiếu tá Nguyễn Văn Minh, Chính trị viên Tiểu đoàn 1 cho biết: Trước khi nhập ngũ vào đơn vị các chiến sĩ đã sử dụng các trang mạng xã hội, không ít đồng chí đã từng tiếp cận với những luồng thông tin trái chiều, phản bác, xuyên tạc Đảng, Nhà nước và Quân đội, trong đó có những đồng chí đã chịu tác động tiêu cực của những thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Nắm bắt được vấn đề đó chỉ huy các cấp đã có nhiều biện pháp như: Giáo dục chính trị, sinh hoạt, nói chuyện thời sự…để giúp các chiến sĩ biết cách nắm thông tin qua các nguồn thông tin chính thống, nhận dạng được các thông tin xuyên tạc bịa đặt, từ đó từng bước hình thành cho chiến sĩ sức đề kháng trước các âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Những chiến sĩ mới đều đang ở độ tuổi thanh niên. Theo khảo sát, hầu hết đều đang sử dụng mạng xã hội. Trong dòng chảy thông tin, họ cũng đã chịu không ít va đập. Nhiều trong số đó thừa nhận đã từng được tiếp cận với những thông tin trái chiều, phản bác, xuyên tạc các chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong công tác phòng, chống dịch; sửa đổi luật đất đai; phòng, chống tham những, tiêu cực. Thậm chí, họ đã từng hoang mang, hoài nghi, dao động. Nhưng tâm lý họ đã ổn định, vững vàng trở lại khi bước vào môi trường quân ngũ, thông qua rất nhiều hoạt động giáo dục chủ động và thụ động mà đơn vị đang triển khai…

Binh nhì Lê Đình Minh Phụng, Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 tâm sự: Trước khi nhập ngũ tôi có xem những thông tin trên trang mạng xã hội, tôi cảm thấy có một số nội dung giống nhau, nhưng luồng thông tin lại khác nhau, tôi không biết luồng thông tin nào là đúng, luồng thông tin nào sai, sau khi vào đơn vị sinh hoạt, học tập chính trị, xem thời sự được tiếp thêm nhiều kiến thức, tôi đã nhận diện được các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái trên mạng xã hội.

Trung úy, Hồ Văn Nanh, Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 cho biết: Trước khi vào đơn vị các chiến sĩ cập nhật và tiếp nhận các luồng thông tin thông qua mạng xã hội, nhiều đồng chí chưa phân biệt được các nguồn thông tin đó đúng hay sai, nhưng khi vào học tập, công tác trong môi trường quân đội, đội ngũ cán bộ các cấp đã thường xuyên giáo dục, định hướng nhận thức cho các đồng chí chiến sĩ thông qua giáo dục chính trị, đọc báo, xem ti vi, sinh hoạt tổ 3 người, sinh hoạt Tiểu đội, Trung đội và Đại đội giúp cho các đồng chí chiến sĩ mới thống nhất chung các luồng thông tin đúng và có nhận thức đúng, đủ về các nguồn thông tin.

“Mưa dầm thấm lâu” là phương châm hiệu quả trong công tác giáo dục, tuyên truyền, nhất là giáo dục chính trị. Tại các Đại đội huấn luyện chiến sĩ mới, các hoạt động huấn luyện được tổ chức nền nếp và cơ bản chiếm hết thời gian của bộ đội. Cho nên, để bộ đội có thể thuận tiện trong tiếp cận thông tin, những mô hình như “hộp báo thao trường” được tận dụng tối đa. Ngoài việc lựa chọn kỹ các loại báo, các chủ đề, vấn đề cũng được sắp xếp theo ngày để bộ đội nghe, đọc tập trung, nâng cao hiệu quả tiếp nhận. Những chủ đề được chọn là sự kiện đang rất thời sự: Xung đột quân sự giữa Nga – Ucraina; Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Binh nhì Hoàng Minh Tú, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 tâm sự: Đơn vị đã trang bị cho kiến thức kỷ năng nhận diện, đấu tranh, phản bác và các quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng, cách chọn lọc, lựa chọn các thông tin trên các thông tin chính thống để đọc như là báo quân đội, báo nhân dân, báo Thừa Thiên Huế, truyền hình Việt Nam…

Trung úy Nguyễn Hoài Nam, Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 cho biết: Quá trình học tập tọa đàm, mạn đàm chúng tôi thường đưa ra những ý kiến trái chiều để cán bộ, chiến sĩ cùng nhau trao đổi và thảo luận, thông qua những nội dung đó đã trang bị cho cán bộ, chiến sĩ có những kỷ năng hiểu biết hơn về cách tiếp cận thông tin và có cơ sở để cán bộ, chiến sĩ đấu tranh, phản bác với những quan điểm sai trái trên không gian mạng.

Những “lỗ hổng trong quản lý thông tin” chính là cơ hội để những thông tin xấu độc có thể len lỏi, làm cơ sở để các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà Nước, Quân đội ta. Cho nên, để ngăn chặn những “lỗ hổng” này, không có cách nào khác là phải cung cấp thông tin đầy đủ, đúng đắn và kịp thời cho cán bộ, chiến sĩ. Về lâu dài, tự cán bộ, chiến sĩ chủ động trang bị thêm nhiều kiến thức, trải nghiệm thực tế, để nâng cao bản lĩnh, lập trường, khả năng phản xạ khi đối diện với những thông tin xấu độc, sai trái, thù địch. Đây là chìa khóa căn cơ lâu dài để tăng “sức đề kháng”, “tự miễn dịch” cho cán bộ, chiến sĩ.

Binh nhì Nguyễn Đình Thi, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 tâm sự: Việc nhận diện và đấu tranh đẩy lùi các thông tin xấu độc trong đơn vị thì thời gian qua đã được Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn cũng như các cấp thường xuyên quán triệt, hướng dẫn, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đơn vị đã làm tốt công tác tư tưởng cũng như nâng cao trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên cũng như chiến sĩ trong quá trình đấu tranh các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Để tăng “sức đề kháng" cho chiến sĩ, các đơn vị đã có nhiều cách làm sáng tạo, thành lập các tổ thông tin tuyên truyền, gói vấn đề thành thông điệp, biên tập các nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, giúp chiến sĩ nhận biết những thông tin xấu độc, đặc biệt là những thủ đoạn tinh vi xảo quyệt của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội về chính trị, như dùng công nghệ để chỉnh sửa cắt ghép hình ảnh, lồng ghép những thông tin thật giả lẫn lộn, xuyên tạc sự thật, bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Trung tá Tạ Văn Tú, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Việc nâng cao khả năng tự đề kháng, tự miễn dịch cho cán bộ, chiến sĩ trước các thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội là vấn đề cấp bách quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua chúng tôi đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới. Trong công tác tuyên truyền chúng tôi xác định phương châm tạo cho chiến sĩ có kiến thức nền vững chắc và đủ sức miễn dịch trước các thông tin xấu độc; thứ hai chúng tôi phát huy vai trò của đội ngũ sĩ quan, đây là đội ngũ nhận thức rộng trên các lĩnh vực, chính lực lượng này sẽ là cầu nối để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, định hưởng cho chiến sĩ.

Hàng năm có hàng vạn thanh niên nhập ngũ vào quân đội. Quân đội là trường học lớn của tuổi trẻ. Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, các chiến sĩ được học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt.  Hàng năm cũng có hàng vạn quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Với nhiều người trẻ, điện thoại thông minh, máy tính bảng đã là những phương tiện hữu ích. Nếu như trước đây họ chưa nhận biết thế nào là thông tin xấu độc thì qua 2 năm học tập, rèn luyện, thực hiện nghĩa vụ quân sự trong quân đội họ đã nhận diện và có sức đề kháng với thông tin xấu độc. Trở về địa phương, họ sẽ góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, bảo vệ trận địa tư tưởng của Đảng trong Nhân dân.

Bằng những cách làm sáng tạo, thời gian qua, ngoài Trung đoàn 6, các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh cũng đã giúp cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ về các thủ đoạn diễn biến hòa bình và tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để tạo sức đề kháng, tự miễn dịch. Những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, nếu nhận diện rõ nguồn gốc và sự nguy hại của những thông tin này mới có thể chủ động đấu tranh với nó. Chủ động phản bác, chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời; chủ động làm chủ “trận địa thông tin”. Làm được điều đó thì: “Dù ai nói ngả nói nghiêng - Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”./.

 
Bài, ảnh Trần Tình

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 611
Hôm qua : 1.713
Tháng 09 : 30.945
Tháng trước : 36.320
Năm 2024 : 267.613
Năm trước : 319.267
Tổng số : 1.342.002