• :
  • :
LLVT THỪA THIÊN HUẾ ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH - LLVT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THỰC HIỆN TỐT CUỘC VẬN ĐỘNG " PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, CỐNG HIẾN TÀI NĂNG, XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ"
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020)

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam,  Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam  (18/11/1930 - 18/11/2020)

Phần thứ nhất

MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM RA ĐỜI,

BƯỚC PHÁT TRIỂN CỦA PHONG TRÀO YÊU NƯỚC

VÀ PHONG TRÀO CÁCH MẠNG CỦA NHÂN DÂN TA

Từ nửa cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược, thống trị nước ta, biến nước ta thành xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn thống trị, áp bức, bóc lột hết sức tàn bạo và tìm mọi cách để đàn áp, dập tắt phong trào yêu nước và phong trào cách mạng của Nhân dân ta. Lúc này, tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản: mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược và mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến.

Dưới tác động của chính sách thống trị của thực dân Pháp và một số yếu tố khác làm cho xã hội Việt Nam biến đổi sâu sắc, các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp nổ ra liên tiếp từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX nhưng lần lượt bị thất bại vì thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức vững mạnh, thiếu lực lượng tiên phong. Điều đó được lãnh tụ Hồ Chí Minh kết luận: “Từ ngày bị đế quốc xâm chiếm, nước ta là một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác. Trong mấy mươi năm khi chưa có Đảng, tình hình đen tối như không có đường ra”[1].

Trong bối cảnh đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã không đi theo con đường cứu nước của các vị tiền bối vì nhận thấy ở đó còn những hạn chế. Người tìm hiểu một số cuộc cách mạng tư sản, nhất là Đại Cách mạng Pháp năm 1789 với bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” và khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” nổi tiếng; cách mạng Bắc Mỹ với “Tuyên ngôn độc lập” năm 1776 tuyên bố về quyền con người thiêng liêng bất khả xâm phạm, nhưng nhận thấy ở đó “vẫn còn áp bức bất công”, không thể đáp ứng yêu cầu của dân tộc Việt Nam. Cuối cùng, Người tìm được và quyết định đưa dân tộc Việt Nam đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 của V.I Lênin - Lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới, người kế thừa và phát triển di sản vĩ đại của C. Mác - Ph. Ănghen.

Qua thời gian chuẩn bị về tư tưởng, lý luận, tổ chức và cán bộ, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 02/1930 tại Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc; thông qua ‘Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt”, “Chương trình tóm tắt”“Điều lệ vắn tắt” của Đảng do Người soạn thảo, vạch ra những vấn đề cơ bản về đường lối cách mạng Việt Nam; trong đó có những nội dung về yêu cầu tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Đó là cơ sở quan trọng để sau đó Đảng ta xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam.

Giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ - Tĩnh đang diễn ra sôi nổi và rầm rộ trong cả nước; ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội Phản đế Đồng minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Chỉ thị xác định Hội Phản đế Đồng minh phải bảo đảm tính công - nông; đồng thời phải mở rộng tới các thành phần trong dân tộc để Mặt trận thực sự là của toàn dân và nhấn mạnh: “Giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật rộng, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công”.

Hội Phản đế Đồng minh là hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn cách mạng của Đảng ta. Đó cũng là cống hiến vĩ đại về lý luận và thực tiễn của Nguyễn Ái Quốc, là thành quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đủ trưởng thành, đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng.

Từ đó tới nay, tuy có những hình thức và tên gọi khác nhau cho phù hợp với nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng nhưng Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam luôn là nơi tập hợp các giai tầng xã hội vì mục tiêu lớn của dân tộc. 

 

Phần thứ hai

90 NĂM CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ VẺ VANG VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP

TO LỚN CỦA MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM

A. CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ 90 NĂM VẺ VANG

I. THỜI KỲ ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG (1930 - 1945)

1. Hội Phản đế Đồng minh (tháng 11/1930 - tháng 3/1935)

Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng minh. Đây là hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Từ khi thành lập đến tháng 3/1935, Hội Phản đế Đồng minh đã có nhiều đóng góp quan trọng cho cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

2. Hội Phản đế Liên minh (tháng 3/1935 - tháng 10/1936)

Tháng 3/1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất của Đảng thông qua Nghị quyết về công tác Phản đế Liên minh. Nghị quyết xác định các nhiệm vụ cần thiết trước mắt là lập tức tổ chức ra các Hội Phản đế Liên minh, đảng viên phải vào Hội, mở rộng tổ chức Hội tới cấp toàn Đông Dương, lôi kéo rộng rãi các tổ chức, cá nhân có tính chất phản đế phải liên kết cuộc vận động Phản đế Liên minh vốn có những khẩu hiệu chung tuyên truyền lớn lao với các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi hàng ngày. Phải ra báo và tài liệu riêng cho Phản đế Liên minh; cần sửa đổi những sai sót về tôn chỉ, điều lệ, các hình thức tổ chức Phản đế Liên minh của các đảng bộ.

3. Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương (tháng 10/1936 -tháng 3/1938)

Những năm 1936 - 1939, tình hình thế giới diễn biến mau lẹ, phức tạp. Chủ nghĩa phát-xít xuất hiện, nguy cơ chiến tranh thế giới đang đến gần. Sau khi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 trở về, Đoàn đại biểu Đảng ta cùng với Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị (tháng 11/1936), xác định mục tiêu chủ yếu và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam lúc này là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống chủ nghĩa phát-xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Đảng quyết định tạm thời chưa nêu khẩu hiệu “Đánh đổ đế quốc Pháp và giai cấp địa chủ giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày”; đồng thời chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương tập hợp các lực lượng toàn Đông Dương vào cuộc đấu tranh chống đế quốc.

4. Mặt trận Dân chủ Đông Dương (tháng 3/1938 - tháng 11/1940)

Để phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 3/1938 quyết định đổi tên Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương thành Mặt trận Thống nhất Dân chủ Đông Dương, gọi tắt là Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Nhờ có chính sách Mặt trận đúng đắn, có phương pháp vận động khôn khéo, phương pháp đấu tranh linh hoạt nên Mặt trận đã tập hợp, đoàn kết rộng rãi các giai tầng xã hội như công nhân, nông dân, tiểu thương, tiểu chủ tư sản nhỏ; đồng thời còn bắt tay với các đảng phái cải lương, kể cả những người Pháp tiến bộ ở Đông Dương nhằm chống chủ nghĩa phát-xít, chống chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hòa bình.

5. Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế (tháng 11/1940 - tháng 5/1941)

Ngày 01/9/1939, Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ; tháng 9/1940, phát-xít Nhật vào Đông Dương, thực dân Pháp thỏa hiệp với phát-xít Nhật, thẳng tay đàn áp phong trào dân chủ chống chiến tranh của Nhân dân ta. Tháng 11/1940, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế, nhằm tập hợp hết thảy những lực lượng phản đế, phản phong kiến ở Đông Dương nhằm đánh đổ đế quốc Pháp, phát-xít Nhật và bè lũ tay sai phản lại quyền lợi dân tộc. Nhờ những chủ trương đúng đắn đó, các tổ chức phản đế nhanh chóng được phát triển, Mặt trận được mở rộng trong các tầng lớp Nhân dân.

6. Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, tức Mặt trận Việt Minh (thành lập từ tháng 5/1941)

Nhận thấy sự chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước có lợi cho cách mạng Việt Nam, ngày 28/01/1941, Nguyễn Ái Quốc về nước (sau hơn 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài). Tháng 5/1941, Người triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám. Hội nghị nhận định, cách mạng Việt Nam là cách mạng dân tộc giải phóng, trước mắt tạm gác khẩu hiệu “Cách mạng thổ địa” để lôi kéo địa chủ tiến bộ, mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất chống Pháp, Nhật nhằm giải quyết nhiệm vụ sống còn của dân tộc lúc này là giải phóng dân tộc.  Để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh bao gồm các hội cứu quốc của các tầng lớp Nhân dân.

Tháng 10/1941, Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ. Đây là lần đầu tiên, một Mặt trận Dân tộc thống nhất trình bày công khai đường lối, chính sách, phương pháp tiến hành và tổ chức lực lượng đấu tranh để thực hiện mục đích cứu nước của mình. Ngày 07/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị về chuẩn bị khởi nghĩa. Tháng 10/1944, Bác Hồ có thư kêu gọi đồng bào ra sức chuẩn bị để họp toàn quốc Đại hội, đại biểu cho tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể trong nước để bầu cử ra “Một cơ cấu đủ lực lượng và uy tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”.

Ngày 22/12/1944, Bác Hồ ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Thực hiện Chỉ thị đó, một cao trào cách mạng đã xuất hiện ở nhiều nơi; khu giải phóng Việt Bắc gồm 6 tỉnh được thành lập. Tình hình chuyển biến mau lẹ, phát-xít Đức đầu hàng Đồng minh. Lãnh tụ Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào dũng cảm tiến lên dưới ngọn cờ của Việt Minh, “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập họp ở Tân Trào trong hai ngày 16 và 17/8/1945, đã nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa do Đảng Cộng sản kiến nghị, thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca. “Đại hội đã cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, sau này trở thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” do Lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chỉ trong vòng hai tuần lễ, toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, Ủy ban Nhân dân lâm thời được thành lập khắp các địa phương trong cả nước. Ngày 02/9/1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

II. THỜI KỲ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN THÀNH QUẢ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM, TIẾN HÀNH KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC (1946 - 1975)

1. Mặt trận Việt Minh tăng cường đoàn kết toàn dân, góp phần bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành. Để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù và tay sai, nhiệm vụ củng cố và phát triển Việt Minh được đề ra cụ thể; việc phát triển các tổ chức cứu quốc thống nhất trong cả nước trở thành vấn đề cần kíp. Trước các hoạt động chống phá của các loại kẻ thù, Đảng ta chuyển vào hoạt động bí mật; từ đó vai trò của Việt Minh trong đời sống chính trị của đất nước ngày càng được đề cao và ngày càng thu nhận thêm những thành viên mới, góp phần ngăn chặn, phân hóa hàng ngũ các đảng phái chính trị phản động bám gót quân Tưởng; đồng thời tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào “Sản xuất cứu đói”, “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo tiết kiệm”… Nhờ những hoạt động có hiệu quả của Việt Minh, khối đại đoàn kết toàn dân thực sự trở thành lực lượng hậu thuẫn vững chắc chống thù trong giặc ngoài, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh nguy hiểm, bảo vệ được chính quyền, chủ động chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đánh giá công lao to lớn của Việt Minh, Tuyên ngôn của Đại hội toàn quốc Thống nhất Việt Minh - Liên Việt tháng 3/1951 nêu rõ: “Việt Minh có công lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chống quân cướp nước. Công đức ấy tất cả mọi người Việt Nam phải ghi nhớ. Lịch sử của Việt Minh 10 năm đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc cũng là những trang lịch sử vẻ vang vào bậc nhất của dân tộc Việt Nam ta”.

2. Mặt trận Thống nhất Việt Minh - Liên Việt (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) đóng góp to lớn đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn

Để đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của Mặt trận Dân tộc Thống nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chủ trương vận động thành lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt). Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 29/5/1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tuyên bố thành lập. Cương lĩnh của Hội chỉ rõ: “Mục đích đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước vô đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam độc lập - thống nhất - dân chủ - phú cường”. Việc thành lập Hội Liên Việt là bước phát triển mới của Mặt trận Dân tộc Thống nhất.

Thực hiện Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã ra sức tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia kháng chiến. Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt ngày càng sát cánh bên nhau, đẩy mạnh mọi hoạt động, xây dựng tổ chức, phát triển lực lượng nhằm mục tiêu chung là kháng chiến thắng lợi, giành độc lập dân tộc. Việc thống nhất Việt Minh và Liên Việt trở thành yêu cầu khách quan của kháng chiến và sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta nhằm củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Ngày 03/3/1951, Đại hội toàn quốc Mặt trận Thống nhất Việt Minh - Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) được tiến hành. Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Đương (tháng 5/1951) tuyên bố ra công khai với tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam, có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam và lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Liên Việt đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; tăng cường đại đoàn kết toàn dân, vận động các giới đồng bào chấp hành tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước; đập tan mọi hoạt động tàn bạo và âm mưu thâm độc của kẻ thù; vận động Nhân dân thực hiện giảm tô, giảm tức và cải cách ruộng đất nhằm động viên khí thế cách mạng của nông dân; tăng cường liên minh công - nông, góp phần củng cố Mặt trận Dân tộc Thống nhất.

Quá trình kháng chiến toàn dân, toàn diện làm cho Mặt trận Dân tộc Thống nhất không ngừng lớn mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Qua chín năm kháng chiến, Mặt trận Liên Việt trở thành “… Một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ nhân dân, là sức mạnh vô biên của cuộc kháng chiến, kiến quốc; là cơ sở quần chúng rộng rãi làm thành một áo giáp vững bền của Đảng để đánh thắng bọn xâm lược và tay sai của chúng”.

3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng với Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng

Ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra sức vận động các tầng lớp Nhân dân thi đua yêu nước, tham gia khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa thực sự là cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Để Mặt trận không ngừng phát huy vai trò, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm theo dõi và chỉ đạo công tác Mặt trận. Tại lớp huấn luyện cán bộ Mặt trận (tháng 8/1962), Người chỉ rõ: “Chính sách Mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III (năm 1960) của Đảng nêu rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đoàn kết các giai cấp, các đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước và tán thành chủ nghĩa xã hội, nhờ đó đã động viên mọi lực lượng yêu nước và tiến bộ của dân tộc để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.

Từ cao trào đấu tranh của Nhân dân miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm, nội dung cơ bản là đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân với mục tiêu đấu tranh “Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình, thống nhất Tổ quốc!”, nhằm đánh đổ chế độ độc tài tay sai của đế quốc Mỹ. Trong quá trình hoạt động, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã kịp thời đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân. Đại hội lần thứ I (tháng 3/1962) quyết định nhiều chính sách lớn về đối nội, đối ngoại, như: vấn đề hòa bình, trung lập, dân tộc, ruộng đất, trí thức, tư sản, tôn giáo, ngoại kiều và chính sách đối với binh lính và ngụy quyền miền Nam…; tạo điều kiện đoàn kết rộng rãi nhất, sẵn sàng bắt tay với những ai tán thành chống Mỹ, cứu nước và thống nhất đất nước.

Ngày 20/4/1968, trong khí thế của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời với bản Cương lĩnh thích hợp, nhằm đoàn kết, tranh thủ thêm tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở thành thị nhưng chưa tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 06/6/1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam đã bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng Cố vấn.

Từ khi ra đời, Mặt trận đã làm một phần chức năng của chính quyền dân chủ Nhân dân. Sau khi có Chính phủ Cách mạng lâm thời, Mặt trận giữ vai trò trụ cột và làm hậu thuẫn cho chính quyền cách mạng, không ngừng đẩy mạnh hoạt động trên cả ba mặt quân sự, chính trị và ngoại giao, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

III. MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI

Từ ngày 31/01 đến 04/02/1977, tại thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội đã thông qua Chương trình chính trị và Điều lệ mới, nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong Nhân dân, phát huy nhiệt tình cách mạng và tinh thần làm chủ; động viên nhân dân hăng hái tham gia xây dựng và củng cố chính quyền, xây dựng Hiến pháp chung của cả nước; tổ chức bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục thiên tai, phát triển kinh tế…

Từ khi đất nước thống nhất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn giữ vai trò củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ cách mạng mới. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã động viên nhân dân tăng cường đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức giành nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đưa đất nước chuyển sang thời kỳ phát triển mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã có nhiều đổi mới và đạt hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên nhiều lĩnh vực.

Ngày 18/4/1983, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V) đã ra Chỉ thị số 17-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới” chỉ rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn nhất, vừa có tính chất liên hiệp rộng rãi, vừa có tính quần chúng sâu sắc. Mặt trận đại diện cho quyền làm chủ của Nhân dân lao động, là sợi dây nối liền các tầng lớp xã hội rộng rãi với Đảng, là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước”. Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II (từ ngày 12 đến 14/5/1983) đã thông qua Chương trình hành động và ra lời kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước đoàn kết phấn đấu khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, góp sức cùng với Đảng và Nhà nước tìm ra những giải pháp có hiệu quả để đưa đất nước tiến lên.

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ III (tháng 11/1988) đã xác định tăng cường và đổi mới công tác Mặt trận; nhằm mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hoạt động và tổ chức nhằm tập hợp mọi lực lượng, mọi khả năng, phấn đấu vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân; hướng hoạt động của Ủy ban Mặt trận các cấp đi vào thực hiện một cách thiết thực các nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của đất nước, địa phương và đời sống của Nhân dân; tập trung vào việc vận động Nhân dân tham gia xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng chính quyền Nhân dân và thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội; phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, tự lực vươn lên; ra sức khai thác mọi tiềm năng và các điều kiện thuận lợi, khắc phục khó khăn, tự đổi mới và góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới chung của đất nước.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và xác định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị của các đoàn thể Nhân dân và của cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận”.

Sau Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng, Nhà nước đã đẩy mạnh việc thể chế hóa vai trò, vị trí trách nhiệm của Mặt trận trên một số lĩnh vực hoạt động. Ngày 17/11/1993, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 07-NQ/TW về “Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc Thống nhất”, đề ra 4 chủ trương lớn, đồng thời là 4 quan điểm cơ bản chỉ đạo quá trình tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc và tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đại hội lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 8/1994) đã đề ra phương hướng tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận nhằm làm tốt hơn nữa chức năng đoàn kết dân tộc, tập hợp mọi lực lượng tán thành sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh. Thực hiện các nghị quyết Đại hội VIII, Đại hội IX của Đảng và chương trình Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “Đại đoàn kết dân tộc xây dựng và bảo vệ đất nước”; kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa X năm 1999 đã thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động có hiệu quả, mở rộng về tổ chức và hoạt động, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy vị trí, vai trò của Mặt trận trong đời sống chính trị - xã hội. Hội nghị lần thứ 2 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa IV) đã quyết định mở Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới, nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Người, ngày 03/5/1995, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Thông tri 04 hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”). Đây là Cuộc vận động nhân dân rộng lớn trong cả nước của thời kỳ đổi mới có nội dung toàn diện, diễn ra trong thời gian dài.

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ V (tháng 8/1999) đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc Thống nhất trong thời kỳ phát triển mới của đất nước. Tháng 10/2000, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” trong phạm vi toàn quốc, thể hiện chủ trương phù hợp với lòng dân, ý Đảng, mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc.

Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TW về “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Sau khi các Quyết định nêu trên được ban hành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp và đề xuất với các cơ quan chức năng ban hành nhiều văn bản quán triệt, triển khai thực hiện giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, như: Thông tri số 28/TTr-MTTW-BTT, ngày 17/4/2014 hướng dẫn thực hiện một số điều Quyết định số 217, Quyết định số 218; Kế hoạch số 471/KH-MTTW-BTT ngày 17/4/2014 về triển khai thực hiện Quyết định số 217, Quyết định số 218 trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Đến nay, các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từng bước đi vào nề nếp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực bám sát chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền của địa phương, những vấn đề xã hội và nhân dân quan tâm, bức xúc để giám sát, phản biện xã hội hàng năm. Việc góp ý thường xuyên, định kỳ, đột xuất được quan tâm hơn; gắn giám sát, phản biện xã hội với nhiệm vụ lắng nghe ý kiến Nhân dân, vận động Nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đạt được những kết quả tích cực, ngày càng đổi mới, có nhiều sáng tạo về phương thức, cách thức triển khai, đi vào chiều sâu với chất lượng cao hơn.

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững và phát huy, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã không ngừng nâng cao vai trò chủ trì trong phối hợp và thống nhất hành động. Các tổ chức thành viên tiếp tục quan tâm chăm lo thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của các đoàn viên, hội viên; thu hút được sự tham gia của các giới, các giai tầng trong xã hội vào hoạt động của tổ chức. Liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức - nền tảng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố và có sự gắn kết chặt chẽ hơn. Đồng bào các dân tộc phát huy mối quan hệ “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển”; đồng bào các tôn giáo phấn khởi với đường hướng “Tốt đời, đẹp đạo”, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; người Việt Nam định cư ở nước ngoài ngày càng hướng về Tổ quốc, đóng góp nhiều nguồn lực, góp phần xây dựng quê hương, đất nước... Những cố gắng đó đã góp phần tích cực làm cho đất nước ta “Thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Văn kiện Đại hội XII của Đảng).

Việc tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động ngày càng đem lại kết quả thiết thực, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức nên đã từng bước phát huy được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức tốt các phong trào thi đua từ cơ sở, khu dân cư; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo các vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt chăm lo cho người nghèo và phối hợp chăm lo cho các gia đình chính sách. Tiếp tục củng cố, phát huy vai trò liên minh chính trị; đẩy mạnh thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là việc triển khai phong trào, cuộc vận động để cổ vũ, động viên sự tham gia của các tầng lớp nhân dân.

 Hoạt động đối ngoại nhân dân ngày càng linh hoạt và có trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng và công tác ngoại giao của Nhà nước. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên theo tinh thần Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 06/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”.

Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động có nhiều cố gắng và ngày càng thiết thực, bảo đảm tăng cường phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức hữu quan và nâng cao nhận thức chính trị cho các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân về vai trò và vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị; hoạt động của Mặt trận ngày càng tăng tính hành động, giảm tính hành chính, bám sát dân, bám sát địa bàn cơ sở. Tích cực triển khai thực hiện Kết luận 62-KL/TW, ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tiếp tục kiện toàn tổ chức, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, phối hợp với các cấp chính quyền từng bước tháo gỡ khó khăn về điều kiện hoạt động. Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nhiều nơi hoạt động ngày càng hiệu quả; vị trí, vai trò ngày càng được phát huy, làm nòng cốt trong việc vận động nhân dân thực hiện các phong trào, các cuộc vận động ở địa bàn dân cư.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc nhiều tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội đồng tư vấn, đội ngũ cộng tác viên và phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu trên một số lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở mỗi cấp.

Qua hơn 20 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã phát huy được tính tích cực, sáng tạo và nội lực của người dân, cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở từng địa bàn khu dân cư; đã khơi dậy truyền thống đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, tăng cường củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân thông qua hình thức tự quản ở cơ sở, tích cực xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh… Kết quả của Cuộc vận động đã góp phần quan trọng cùng Nhà nước thực hiện đường lối của Đảng về công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

B. MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI

Sau ngày đất nước thống nhất, để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, các tổ chức Mặt trận của 2 miền thống nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Kể từ đó đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã qua 8 kỳ đại hội:

I. ĐẠI HỘI LẦN THỨ NHẤT (NHIỆM KỲ 1977 - 1983)

Đại hội họp từ ngày 31/01 đến 04/02/1977, tại Hội trường Thống nhất, thành phố Hồ Chí Minh, đã hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đại hội đã thông qua Chương trình chính trị và Điều lệ mới nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong Nhân dân, phát huy nhiệt tình cách mạng và tinh thần làm chủ, động viên nhân dân hăng hái tham gia xây dựng và củng cố chính quyền, xây dựng Hiến pháp chung của cả nước; tổ chức bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục thiên tai, phát triển kinh tế…

Đại hội đã hiệp thương, giới thiệu 191 người tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đoàn Chủ tịch gồm 45 người, Ban Thư ký gồm 7 người; bầu ông Tôn Đức Thắng là Chủ tịch danh dự; ông Hoàng Quốc Việt là Chủ tịch.

II. ĐẠI HỘI LẦN THỨ II (NHIỆM KỲ 1983 - 1988)

Đại hội họp từ ngày 12/5 đến 14/5/1983, tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Chương trình hành động của Đại hội là hướng mọi hoạt động của Mặt trận đi vào thiết thực, hướng về cơ sở, tới địa bàn dân cư; ra lời kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước đoàn kết phấn đấu khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, góp sức cùng với Đảng và Nhà nước tìm ra những giải pháp có hiệu quả để đưa đất nước tiến lên.

Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa II gồm 184 người, Đoàn Chủ tịch gồm 45 người, Ban Thư ký gồm 8 người; bầu ông Hoàng Quốc Việt là Chủ tịch danh dự; Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là Chủ tịch; ông Nguyễn Văn Tiến là Tổng thư ký.

III. ĐẠI HỘI LẦN THỨ III (NHIỆM KỲ 1988 - 1994)

Đại hội họp từ ngày 02/11 đến 04/11/1988, tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Đây là Đại hội thực hiện công cuộc đổi mới do Đại hội VI (1986) của Đảng đề ra, là “sự biểu dương lực lượng to lớn của toàn dân, đoàn kết một lòng tiến hành công cuộc đổi mới”. Phương hướng tăng cường và đổi mới công tác Mặt trận được Đại hội nêu ra là: (1) Mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân; mở rộng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hoạt động và tổ chức nhằm tập hợp mọi lực lượng, mọi khả năng, phấn đấu vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân; (2) Hướng hoạt động của Ủy ban Mặt trận các cấp đi vào thực hiện một cách thiết thực các nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của đất nước, địa phương và đời sống của Nhân dân; tập trung vào việc vận động Nhân dân tham gia xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng chính quyền Nhân dân và thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội; (3) Phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, tự lực vươn lên; ra sức khai thác mọi tiềm năng và các điều kiện thuận lợi, khắc phục khó khăn, tự đổi mới và góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới chung của đất nước.

Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa III gồm 166 người, Đoàn Chủ tịch gồm 30 người, Ban Thư ký gồm 6 người; bầu ông Hoàng Quốc Việt là Chủ tịch danh dự; Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là Chủ tịch; Luật sư Phan Anh là Phó Chủ tịch; ông Phạm Văn Kiết là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký.

IV. ĐẠI HỘI LẦN THỨ IV (NHIỆM KỲ 1994 - 1999)

Đại hội họp từ ngày 17/8 đến 19/8/1994, tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của hơn 600 đại biểu.

Đại hội đã đề ra phương hướng tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận nhằm làm tốt hơn nữa chức năng đoàn kết dân tộc, tập hợp mọi lực lượng tán thành sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh.

Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IV gồm 206 người; trong đó Đoàn Chủ tịch gồm 40 người, Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch gồm 7 người; bầu ông Nguyễn Hữu Thọ là Chủ tịch danh dự; ông Lê Quang Đạo là Chủ tịch; ông Trần Văn Đăng là Tổng Thư ký.

V. ĐẠI HỘI LẦN THỨ V (NHIỆM KỲ 1999 - 2004)

Đại hội họp từ ngày 26/8 đến 28/8/1999, tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 621 đại biểu. Đại hội này đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc Thống nhất trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa V gồm 253 người, Đoàn Chủ tịch gồm 45 người, Ban Thường trực gồm 9 người; bầu ông Phạm Thế Duyệt là Chủ tịch; ông Trần Văn Đăng là Tổng Thư ký.

VI. ĐẠI HỘI LẦN THỨ VI (NHIỆM KỲ 2004 - 2009)

Đại hội họp từ ngày 21/9 đến 23/9/2004, tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 878 đại biểu. Đây là Đại hội “Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI gồm 320 người, Đoàn Chủ tịch gồm 52 người, Ban Thường trực gồm 8 người; bầu ông Phạm Thế Duyệt là Chủ tịch; ông Huỳnh Đảm là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.

Hội nghị lần thứ 5 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI họp tại Hà Nội (tháng 01/2008), đã hiệp thương cử các chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký mới. Ông Huỳnh Đảm được bầu là Chủ tịch, thay ông Phạm Thế Duyệt nghỉ hưu theo chế độ; ông Vũ Trọng Kim là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký.

VII. ĐẠI HỘI LẦN THỨ VII (NHIỆM KỲ 2009 - 2014)

Đại hội họp từ ngày 28/9 đến 30/9/2009, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 1.300 đại biểu; trong đó có 989 đại biểu chính thức và 311 đại biểu khách mời.

Chủ đề của Đại hội là: “Nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Đại hội đã đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và chương trình hành động nhiệm kỳ 2009 - 2014 và chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân lập thành tích chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 80 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam và các ngày lễ lớn của đất nước. Đại hội đã ra lời kêu gọi các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và ở nước ngoài đoàn kết, đồng tâm hiệp lực cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phát huy cao độ lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, đồng lòng chung sức thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”

Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VII gồm 355 người, Đoàn Chủ tịch gồm 58 người, Ban Thường trực gồm 9 người; ông Huỳnh Đảm là Chủ tịch; ông Vũ Trọng Kim là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký.

Hội nghị lần thứ 6 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VII họp tại Hà Nội (ngày 05/9/2013) đã hiệp thương cử ông Nguyễn Thiện Nhân giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thay ông Huỳnh Đảm nghỉ hưu theo chế độ.

VIII. ĐẠI HỘI LẦN THỨ VIII (NHIỆM KỲ 2014 - 2019)

Đại hội họp từ ngày 25 đến 27/9/2014, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 1.008 đại biểu chính thức.

Phương châm của Đại hội là: “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”. Chủ đề của Đại hội là: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đại hội đã đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội và Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VII (2009 - 2014); rút ra những bài học kinh nghiệm, nhận định, đánh giá cụ thể, toàn diện về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ và Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2014 - 2019). Đại hội đã kêu gọi toàn thể đồng bào Việt Nam ta ở trong nước và nước ngoài tích cực hưởng ứng thực hiện 5 chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng Đảng và Nhà nước tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc.

Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII gồm 383 người, Đoàn Chủ tịch gồm 62 người, Ban Thường trực gồm 6 người; ông Nguyễn Thiện Nhân là Chủ tịch; ông Vũ Trọng Kim là Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký.

Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ năm (khóa VIII) họp tại Hà Nội (ngày 14/4/2016) đã hiệp thương cử ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng làm Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký khóa VIII thay ông Vũ Trọng Kim nghỉ hưu theo chế độ.

Hội nghị lần thứ bảy (khóa VIII) họp tại Hà Nội (ngày 22/6/2017) đã hiệp thương cử ông Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch thay ông Nguyễn Thiện Nhân chuyển công tác.

Hội nghị lần thứ tám (khóa VIII) họp tại thành phố Hồ Chí Minh (ngày 05/01/2018) đã hiệp thương cử ông Hầu A Lềnh làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký thay ông Trần Thanh Mẫn giữ chức Chủ tịch.

 

 Phần thứ ba

90 NĂM CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ VẺ VANG NHỮNG ĐÓNG GÓP

TO LỚN CỦA MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM

I. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ VÀ CUỘC VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1930 - 1945)

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào yêu nước, cách mạng dấy lên khắp nơi trên cả ba miền đất nước và cả ở hải ngoại, đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của nhân dân Thừa Thiên Huế. Tháng 01/1927, Kỳ bộ Trung kỳ ra đời, mở rộng địa bàn hoạt động trong nhiều tỉnh, là chỗ dựa trực tiếp cho thanh niên yêu nước ở Thừa Thiên. Tháng 7/1929, Tỉnh bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Thừa Thiên ra đời. Đầu năm 1930, Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương Cộng sản Liên đoàn Thừa Thiên cũng được thành lập. Hai tổ chức cộng sản nối nhau ra đời trên đất Thừa Thiên trở thành hạt nhân tập hợp rộng rãi lực lượng quần chúng góp phần vào cuộc đấu tranh chung vì độc lập, tự do của dân tộc; có tác dụng tích cực thúc đẩy phong trào tiếp tục tiến lên. Nhiều cơ sở cách mạng tại Huế và các huyện được xây dựng; các hoạt động tuyên truyền, đấu tranh diễn ra… Nhờ vậy, các tổ chức quần chúng dần xuất hiện, như Công Hội Đỏ nhà máy vôi thủy Long Thọ…

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào tháng 02/1930, đến tháng 4/1930, hai tổ chức Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và Đông Dương Cộng sản Đảng đã họp và hợp nhất thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên. Vừa ra đời, Đảng bộ tỉnh đã kêu gọi nhân dân gia nhập các hội quần chúng, thực hiện đấu tranh đòi quyền lợi thiết thân hàng ngày, vạch trần những thủ đoạn lừa bịp và tố cáo tội ác dã man của thực dân Pháp…

Trải qua 15 năm đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhân dân Thừa Thiên Huế đã từng bước được tập hợp, rèn luyện, thử thách trong tổ chức Mặt trận Dân tộc Thống nhất, với tên gọi và tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ thay đổi qua từng giai đoạn. Trong giai đoạn 1930 - 1945, Hội Phản đế đồng minh tỉnh Thừa Thiên chưa trở thành tổ chức để lãnh đạo phong trào nên chưa thu hút được đông đảo quần chúng tham gia mà chủ yếu hoạt động từ chủ trương chung của Đảng, hoạt động chưa rõ nét, lại bị khủng bố nên chịu tổn thất nặng nề. Giai đoạn 1936 - 1939, tên gọi Mặt trận thay đổi nhiều lần, nhưng mô hình mặt trận đã rõ nét, đã tổ chức đấu tranh nên thu hút được lực lượng quần chúng tham gia đông đảo, có tác dụng tốt đến phong trào cách mạng trong tỉnh. Đến giai đoạn 1939 - 1945, hai tên gọi Mặt trận Phản đế tỉnh Thừa Thiên và Mặt trận Việt Minh tỉnh Thừa Thiên gắn liền với cuộc đấu tranh sôi nổi chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa phát-xít, giành độc lập dân tộc và giành chính quyền về tay nhân dân, kết thúc bằng cuộc Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Thắng lợi rực rỡ của Mặt trận Việt Minh tỉnh Thừa Thiên là kết quả của sự đúng đắn trong đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, của Đảng bộ tỉnh nói riêng; là sự vận dụng sáng tạo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự do của nhân dân Thừa Thiên Huế được phát huy đến mức cao độ trong một tổ chức phù hợp. Qua thực tiễn đấu tranh thời kỳ 1930 - 1945, có thể khẳng định, vai trò của tổ chức Mặt trận Dân tộc luôn hết sức quan trọng, là nhân tố không thể thiếu trong sự nghiệp đấu tranh giành và giữ độc lập; đồng thời cũng không thể tách rời sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

II. MẶT TRẬN VIỆT MINH VÀ HỘI LIÊN VIỆT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 - 1954)

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong tình thế vô cùng khó khăn của sự nghiệp cách mạng, phải đối phó với thù trong giặc ngoài, nhưng trên cơ sở vai trò và uy tín chính trị của mình, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể chính trị đã vận động toàn dân thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính phủ, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Mặt trận Việt Minh đã hình thành hệ thống tổ chức từ tỉnh đến các làng, xã, trong các khu phố, nhà máy, trường học, công sở. Ban Chấp hành Việt Minh các cấp hoạt động tích cực; cán bộ Việt Minh có uy tín, được nhân dân tín nhiệm. Với phương châm tập hợp rộng rãi các giai tầng trong xã hội, hệ thống tổ chức của Mặt trận Việt Minh phát triển ngày càng nhanh. Ngoài Hội Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, còn thành lập các hội, như: Việt Nam cứu quốc, Chức nghiệp cứu quốc, Công giáo cứu quốc, Phật giáo cứu quốc, Hướng đạo cứu quốc… Là thành viên của Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc không ngừng lớn mạnh. Đây là thời kỳ Mặt trận Việt Minh được sự đồng tình ủng hộ nhiệt tình của tất cả các tầng lớp nhân dân; là sự biểu hiện cao và vững chắc về uy tín chính trị của Mặt trận.

Từ tháng 6/1946, với sự ra đời của Hội Liên Việt tỉnh, khối đoàn kết toàn dân được mở rộng thêm. Tuy vậy, Mặt trận Việt Minh vẫn giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động tập hợp và phát huy sức mạnh đoàn kết trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy khó khăn, thử thách. Với tinh thần tất cả cho mặt trận Huế, Mặt trận Việt Minh đã tuyên truyền vận động hội viên các đoàn thể cứu quốc, nhất là Nông hội ở các huyện tiếp tế hỗ trợ về mọi mặt, phục vụ cuộc tiến công bao vây địch trong 50 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 07/02/1947).

Từ tháng 3/1950, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thống nhất thành tên gọi chung là Hội Liên Việt Thừa Thiên. Giai đoạn này, mặc dù địch khủng bố ráo riết, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Hội Liên Việt không ngừng phát triển. Trong bối cảnh đầy cam go, thử thách, Mặt trận Việt Minh vẫn vận động được nhân lực và tài lực của nhân dân để nuôi dưỡng bộ đội, tiếp tế cho chiến khu; lãnh đạo nhân dân kháng chiến; phối hợp chặt chẽ với chính quyền quan tâm đến lợi ích thiết thực của người dân, bảo vệ nhân dân. Về quân sự, Mặt trận Việt Minh vận động gia nhập bộ đội để tăng cường lực lượng, vận động gia nhập dân quân du kích địa phương và giúp chính quyền dựng lại cơ xưởng sản xuất vũ khí, vận động nhân dân ủng hộ những kim khí cần thiết để làm đạn và lựu đạn… Thành công quan trọng của Mặt trận là đã vận động được nhiều nhân sĩ, trí thức, con em thuộc dòng dõi Hoàng tộc tham gia kháng chiến. Uy tín của Mặt trận ngày càng lan rộng trong nhân dân. Về phương diện lãnh đạo, Mặt trận đã mở rộng và bao trùm được nhiều lĩnh vực. Về phương diện công tác kháng chiến, kiến quốc, Mặt trận đã làm tròn một phần lớn nhiệm vụ bên cạnh chính quyền tỉnh.

Với bộ máy tổ chức ngày càng mở rộng từ cấp tỉnh đến cấp xã, hoạt động của Hội Liên Việt đã tập hợp, phát huy sức mạnh đoàn kết, đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện ở Thừa Thiên Huế, góp phần quan trọng vào thành quả chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

III. MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG THỪA THIÊN HUẾ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954 - 1975)

Chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ tập hợp, đoàn kết của Mặt trận là thời kỳ nhân dân Thừa Thiên Huế thể hiện cao độ tinh thần yêu nước và bất khuất, kiên cường trước họa ngoại xâm, đã từng bước vượt qua khó khăn, chịu đựng mất mát, hy sinh để cuối cùng giành được toàn thắng.

Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ (21/7/1954), đất nước ta tạm thời bị chia làm hai miền, Thừa Thiên Huế bị đặt dưới sự quản lý của chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên nhằm thực hiện chính sách thực dân mới. Trong nỗi đau đất nước bị chia cắt, với truyền thống gắn bó, đồng cam cộng khổ từ những ngày đầu đến vùng đất mới Hóa châu lập làng, nhất là trong những năm tiến hành các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm mà trước đó là suốt 9 năm chống chủ nghĩa thực dân Pháp, nhân dân Thừa Thiên Huế đã đoàn kết một lòng, kiên trì đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trải qua biết bao gian khổ, hy sinh, cuối cùng quê hương và đất nước đã được giải phóng, Nam - Bắc liền một dải, sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã được hoàn thành. Có được những thắng lợi đó, nhân dân trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng và đường lối đoàn kết, cứu nước của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết, trí tuệ và tài năng, bất chấp những mất mát, hy sinh để từng bước đánh thắng kẻ thù hung bạo với những thủ đoạn tinh vi, mị dân của chủ nghĩa thực dân mới.

Trong giai đoạn 1954 - 1960, miền Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên nói riêng chịu sự thống trị của Mỹ - Diệm với những chính sách độc tài về chính trị, tàn bạo về quân sự và nô dịch về văn hóa, nhất là các đợt “tố cộng, diệt cộng” đẫm máu. Từ trong những tổn thất to lớn đó, nhân dân Thừa Thiên Huế vẫn một lòng tin son sắt đối với Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng bước đi lên và làm nên những chiến công cả trong đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị. Tháng 10/1959, Mặt trận Đoàn kết dân tộc miền Tây Thừa Thiên được thành lập, sau đó với thắng lợi của phong trào đồng khởi miền núi và sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Ban Chấp hành Mặt trận Đoàn kết dân tộc miền Tây Thừa Thiên chuyển thành Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Thừa Thiên (21/4/1961), đẩy mạnh sự nghiệp đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân yêu nước, kiên quyết kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn nhằm mục tiêu thống nhất cho đất nước và độc lập cho dân tộc.

Sang giai đoạn Mỹ và chính quyền Sài Gòn thực hiện Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965), quân và dân trong tỉnh khởi nghĩa từng phần đã tiến lên làm chiến tranh cách mạng, tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ với hai mặt trận đấu tranh song song phối hợp - quân sự và chính trị. Cán bộ Mặt trận tuy kinh nghiệm còn ít, lực lượng còn mỏng, lại trong điều kiện ác liệt của chiến tranh và phải hoạt động bí mật, đã kiên trì vận động các tầng lớp nhân dân, từ công nhân, nông dân, tiểu thương, tiểu chủ đến học sinh, sinh viên, trí thức, đồng bào các tôn giáo, kể cả nhân viên, binh lính, sĩ quan… Tất cả đều nhằm tới mục đích là tăng cường khối đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần yêu nước, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến.

Năm 1963, phong trào Phật giáo Huế bùng lên và gây ra phản ứng dây chuyền trên toàn miền Nam đấu tranh chống chế độ cai trị độc tài, phát-xít của Ngô Đình Diệm trên thực tế đã vượt khỏi ranh giới đơn thuần tôn giáo mà đã hình thành nên một phong trào yêu nước rộng rãi trong toàn dân. Đến những tháng cuối năm 1964, đầu năm 1965, phong trào đồng khởi diễn ra khắp vùng nông thôn trong tỉnh. Nhân dân nhiều làng xã ở các huyện đã đồng loạt nổi dậy, phối hợp với bộ đội và các đội công tác võ trang tiến công địch, phá ấp chiến lược, xóa bỏ chính quyền tay sai, tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng ở cơ sở và chính quyền tự quản của nhân dân.

Trong những năm chống lại Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965 - 1968), mặc dù Mỹ leo thanh chiến tranh với quy mô lớn về lực lượng cũng như phương tiện chiến tranh, quân và dân Thừa Thiên tiếp tục làm nên những chiến công mới mà nguyên nhân quan trọng là mặt trận đoàn kết đã được phát huy cao độ. Mùa hè 1966 đấu tranh sôi động, thành phố Huế thoát khỏi sự kềm kẹp của chính quyền Sài Gòn và mùa Xuân 1968 tổng tiến công và nổi dậy, làm chủ thành phố - chính là hai sự kiện nổi bật nhất, hào hùng nhất, không chỉ trong tiến trình lịch sử của Thừa Thiên mà còn của cách mạng miền Nam những năm kháng chiến chống Mỹ.

Giai đoạn 1968 - 1972 là những năm Mỹ thực hiện Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tung tiền, đổ của ra sức bình định nông thôn và đánh phá ác liệt miền núi. Chúng tập trung lực lượng hùng hậu để bình định toàn bộ nông thôn đồng bằng và chủ động mở nhiều cuộc hành quân quy mô lớn đánh phá vào những khu vực trung tâm căn cứ miền núi, làm cho lực lượng cách mạng gặp nhiều khó khăn. Đến năm 1972, Thừa Thiên Huế được giải phóng hoàn toàn miền núi nhưng đồng bằng thì vẫn bị chính quyền Sài Gòn kiểm soát.

Sau Hiệp định Pa-ri (27/01/1973), trong bối cảnh chính quyền Sài Gòn liên tiếp tiến hành các cuộc hành quân lấn chiếm và bình định, tiếp tục Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Thừa Thiên Huế đã huy động đầy đủ hơn các tầng lớp nhân dân, đoàn kết rộng rãi hơn các thành phần cư dân, kể cả một số tầng lớp trên vào trong Mặt trận và Liên minh, kiên trì đẩy mạnh cuộc kháng chiến. Đây là thời gian đấu tranh giằng co quyết liệt, gay go và phức tạp cả về quân sự, chính trị, kinh tế, cả ở nông thôn, đồng bằng, thành phố, vùng giáp ranh và vùng giải phóng miền núi.

Phát huy những thành quả trong đấu tranh của các giai đoạn trước và hạn chế dần những thiếu sót, dưới sự lãnh đạo của Đảng và những nỗ lực không ngừng của cán bộ Mặt trận và Liên minh, quân và dân Thừa Thiên Huế đã lập nên chiến công trong mùa Xuân năm 1975, góp phần tích cực cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Quê hương Thừa Thiên Huế và đất nước Việt Nam từ đây bước vào một thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng cuộc sống mới trong hòa bình, độc lập và tự do.

IV. CÔNG TÁC MẶT TRẬN SAU NGÀY GIẢI PHÓNG, THỰC HIỆN NHIỆM VỤ XÂY DỰNG, BẢO VỆ TỔ QUỐC VÀ THỰC HIỆN CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP (1975 - NAY)

Ngày 26/3/1975, Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. Phát huy truyền thống anh dũng kiên cường trong kháng chiến, cùng với cả nước, nhân dân Thừa Thiên Huế bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới trên vùng đất quê hương sau 30 năm bị chiến tranh tàn phá.

Ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245-NQ/TW quyết định hợp nhất ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình thành tỉnh Bình Trị Thiên. Cùng với việc thực hiện thống nhất về mặt nhà nước sau khi hoàn thành hợp nhất tỉnh Bình Trị Thiên, các tổ chức Mặt trận của tỉnh Bình Trị Thiên cũng nhanh chóng hợp nhất, với tên gọi là Mặt trận dân tộc thống nhất Bình Trị Thiên (sau này đổi thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên).

Trong suốt những năm hoạt động trong tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất, dù hoàn cảnh rất nhiều khó khăn và những đặc thù của một tỉnh, nhân dân có nhiều tầng lớp khác nhau, nhiều vùng kinh tế khác nhau, trình độ hiểu biết cách mạng và trình độ văn hóa cũng khác nhau, nhưng Mặt trận các cấp vẫn xây dựng được sự nhất trí cao và lòng tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, quan điểm của Đảng, góp phần nâng cao năng lực vận dụng vào thực tiễn địa phương, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới sau khi tỉnh Thừa Thiên Huế tái lập. Mặt trận các cấp đã động viên, vận động nhân dân đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng tỉnh, đoàn kết hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bước đầu thực hiện công cuộc đổi mới, tạo nên những biến chuyển tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Mặt trận các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch và bọn phản cách mạng đang tìm mọi cách chống phá cách mạng Việt Nam. Qua đó, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đánh bại mọi âm mưu của chúng, hăng hái tham gia các phong trào thi đua xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nhiệm kỳ 1983 - 1989 là thời gian quan trọng đánh dấu bước phát triển về tổ chức và vai trò của Mặt trận trong việc xây dựng khối đoàn kết toàn dân; vận động nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng về kinh tế trong việc thực hiện 3 chương trình kinh tế lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; đổi mới về chính trị trong việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội.

Ngày 01/7/1989, Quốc hội đã ra quyết định tách tỉnh Bình Trị Thiên thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Việc chia lại địa giới hành chính cấp tỉnh và cấp huyện mở ra nhiều thuận lợi và triển vọng nhưng cũng có nhiều khó khăn và hậu quả cần phải giải quyết. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, các tầng lớp nhân dân ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới, chính sách đại đoàn kết của Đảng, Nhà nước, Mặt trận không ngừng phấn đấu vươn lên thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trải quan 4 kỳ đại hội, hoạt động của Mặt trận các cấp không ngừng đổi mới. Mỗi kỳ đại hội là một dấu mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển biến mới về chất của công tác Mặt trận. Hoạt động của Mặt trận ngày càng hoàn thiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần tạo nên sự đồng thuận của nhân dân, tăng cường hơn nữa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của tỉnh nhà. Mặt trận các cấp đã triển khai có hiệu quả các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Các tổ chức thành viên của Mặt trận ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều tổ chức hoạt động đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Mặt trận, nhất là những hoạt động hướng về cơ sở, quan tâm chăm lo cho người nghèo trong những thời điểm khó khăn, hoạn nạn rất kịp thời và có hiệu quả, đã tạo được niềm tin trong nhân dân.

 

Phần thứ tư

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay nêu cao vai trò, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đại hội lần thứ IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tăng cường củng cố liên minh chính trị, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội, thúc đẩy tinh thần thi đua sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Để đạt được mục tiêu trên đây, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên thống nhất hành động, quyết tâm phấn đấu thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân. Tập hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân để kịp thời phản ánh đến các cơ quan Đảng, Nhà nước; theo dõi, giám sát và đôn đốc việc xử lý, giải quyết.

Thứ hai, vận động Nhân dân thi đua học tập, lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước. Vận động Nhân dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, thi đua học tập, lao động sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy tài năng, sáng kiến, giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, cùng Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành vượt qua khó khăn, thách thức, tạo đà tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế quốc gia, cải thiện nâng cao chất lượng toàn diện đời sống Nhân dân. Vận động Nhân dân tăng cường tự quản, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; gương mẫu chấp hành pháp luật, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, đẩy lùi tiêu cực, tội phạm và tệ nạn xã hội. Phát huy truyền thống tương thân tương ái; thực hiện công tác đền ơn, đáp nghĩa, bảo đảm an sinh xã hội; triển khai các hoạt động cứu trợ, nhân đạo từ thiện, vận động giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hại do thiên tai, hoạn nạn.

Thứ ba, thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Tiếp tục vận động, phát huy vai trò Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; tổ chức góp ý và tập hợp ý kiến của Nhân dân tham gia vào các dự thảo văn kiện và sáng kiến tham gia xây dựng Đảng, xây dựng đất nước vào dịp đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Phối hợp hoàn thiện các quy định pháp luật, tổ chức và vận động cử tri, Nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức tiếp xúc cử tri. Phát huy vai trò của Mặt trận và sức mạnh của Nhân dân trong tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tăng cường giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng, phản biện dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thứ tư, tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại Nhân dân. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại Nhân dân theo phương châm “chủ động, sáng tạo, hiệu quả”, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới, góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng, tăng cường ngoại giao của Nhà nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước. Vận động, tạo sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

  Thứ năm, tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Kiện toàn Ủy ban Mặt trận các cấp với thành phần, cơ cấu hợp lý để Mặt trận thực sự là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, đại diện tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ cơ quan chuyên trách Ủy ban Mặt trận các cấp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ của Mặt trận chuyên nghiệp, tâm huyết và sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của công tác vận động quần chúng. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ năng lực đội ngũ cho cán bộ chuyên trách; phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Tư vấn, Ban Tư vấn, Ban công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận trên cơ sở đổi mới toàn diện các mặt công tác, các lĩnh vực hoạt động của Mặt trận, từ việc xây dựng và ban hành chủ trương, tổ chức triển khai thực hiện, tăng cường cơ chế phối hợp trong và ngoài hệ thống.

*

Trải qua gần một thế kỷ, với nhiều hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn trung thành với lợi ích của Nhân dân, tiêu biểu cho truyền thống đoàn kết dân tộc, là biểu tượng về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, là trí tuệ, sức mạnh không gì lay chuyển nổi của các thế hệ người Việt Nam yêu nước trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước,  xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020), chúng ta càng tự hào về truyền thống yêu nước, vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, kế thừa và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là nhân tố cơ bản để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

  PHÒNG CHÍNH TRỊ - BỘ CHQS TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

 

 

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb,CTQG, HN, 2016, tập 12, tr.401.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 28
Hôm qua : 456
Tháng 04 : 25.289
Tháng trước : 26.473
Năm 2024 : 96.667
Năm trước : 319.267
Tổng số : 1.171.056