• :
  • :
LLVT THỪA THIÊN HUẾ ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH - LLVT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THỰC HIỆN TỐT CUỘC VẬN ĐỘNG " PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, CỐNG HIẾN TÀI NĂNG, XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ"
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rào Trăng, ngày trở lại

““Tháng 10 năm ấy còn nhớ khôngHôm ấy mưa to trắng bầu trời13 chiếc mũ nằm trong đất/ Đời đời an nghỉ với non sông". Ngày 13/10/2020, tiếng gọi nghẹn ngào "Còn ai ở đấy không... đồng chí ơi" đã rơi vào thinh không, 13 đồng đội của tôi đã anh dũng ngã xuống tại Tiểu khu 67, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mỗi lần trở lại Rào Trăng, trong tôi lại trào dâng lên niềm xúc động, xót thương khôn nguôi. Hình ảnh đồng đội tôi can trường đạp lên đất đá, cây rừng, vượt màn mưa trong đêm rừng xứ Huế để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3, cứ hiện rõ như in trong tâm trí tôi. Và lần trở lại này cũng vậy!…”

Những ngày trung tuần tháng Tư năm 2023, nhận được lệnh hành quân tới Rào Trăng dự Lễ khởi công Nhà tưởng niệm liệt sỹ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn vào tháng 10 năm 2020, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Bởi những nguyện vọng thiết tha của thân nhân liệt sĩ, cũng là tình cảm, ước nguyện thiết tha của lực lượng vũ trang Quân khu 4 và cấp ủy, chính quyền, Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã dần trở thành hiện thực. Trở lại Rào Trăng lần này, tôi ngồi cùng xe với Thiếu tướng Võ Văn Chót, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4. Trên đường hành quân, Thiếu tướng Võ Văn Chót kể cho tôi nghe những chiến công vang dội cùng sự anh dũng hy sinh của quân và dân ta trên tuyến đường 71 lịch sử. “Tuyến đường 71 có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong tuyến vận tải quân sự Trường Sơn, là cung đường huyết mạch để quân ta vận chuyển lực lượng, phương tiện, khí tài quân sự ra mặt trận. Đây là tuyến đường diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa quân và dân ta với kẻ thù…” – Thiếu tướng Võ Văn Chót hào sảng kể.

Ngày đó, Thiếu tướng Võ Văn Chót từng 2 lần đóng quân, chiến đấu trên tuyến đường huyền thoại này. Lần đầu vào năm 1968, lúc đó ông là Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 được lệnh hành quân qua tuyến đường 71 tiến xuống gần đồng bằng để tiến công vào thành phố Huế trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968. Lần thứ 2, để chuẩn bị cho Chiến dịch Giải phóng Thừa Thiên Huế, từ năm 1973, cấp trên giao cho Sư đoàn 324 làm chủ công cùng các đơn vị công binh mở đường 71 dài gần 70km từ xã Hồng Vân, huyện A Lưới đến xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền để cùng kết hợp với cánh quân từ tuyến đường 12 tạo thành “gọng kìm” tiến công vào nội thành Huế. Lúc này, Thiếu tướng Võ Văn Chót là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 chỉ huy đơn vị xây dựng đoạn đường qua Thủy điện Rào Trăng hiện nay. Chỉ hơn 2 tháng, dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, quân và dân ta đã nhanh chóng hoàn thành tuyến đường chiến lược. Đang kể, giọng Thiếu tướng Võ Văn Chót bỗng chùng xuống: “Khó có thể kể hết những vất vả, gian lao khi mở tuyến đường này. Buổi ngày, các đơn vị kỵ binh dù và máy bay của địch quần thảo liên tục rất khó thi công, trong đêm tối, chỉ với cuốc, xẻng bộ binh, dụng cụ thô sơ, quân dân ta bí mật làm đường. Vậy nhưng gần 400 cán bộ, chiến sĩ cũng đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại ở Rào Trăng...”. Nói rồi, ánh mắt vị tướng dày dặn trận mạc, năm nay đã 89 tuổi đã không cầm được dòng lệ rơi xuống.

 

Phối cảnh Nhà tưởng niệm liệt sĩ tuyến đường 71 tại Tiểu khu 67, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. 

 

Dù chiến tranh đã lùi xa rất lâu nhưng mỗi lần hành quân trở lại trên tuyến đường này, hình ảnh những đồng chí, đồng đội của mình sẵn sàng hy sinh vì độc lập Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân đã làm trái tim vị tướng già quặn thắt lại. Thời khắc đó, tôi hiểu và đồng cảm với cảm xúc của ông. Dù là một người lính trẻ, chưa từng trải qua sự khốc liệt của chiến tranh nhưng chính tôi đã trực tiếp chính kiến sự can trường, anh dũng ngã xuống của 13 đồng đội trong cuộc chiến thời bình trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên vào ngày 13/10/2020 tại Tiểu khu 67.  Trái tim người lính luôn kiên trung, không bao giờ mềm yếu dù trong bất kỳ trong hoàn cảnh nào, vậy mà giờ đây nhớ lại từng chặng đường hành quân, từng khoảnh khắc bên nhau giữa rừng đêm thâm u, là một người lính nhưng tôi đã không thể cầm được nước mắt. Xót xa và thương nhớ các anh nhiều nhưng lòng tôi cũng đầy tự hào khi đồng đội mình đã tiếp bước, noi gương thế hệ cha anh, hy sinh một cách anh dũng vì nước, vì dân.

          Trên đường hành quân vào Rào Trăng, hình ảnh những ngày “quần thảo” với mưa lũ nơi đất trời xứ Huế năm đó cứ hiển hiện trong tâm trí tôi qua từng cung đường. Sáng sớm ngày 12/10/2020, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu chỉ huy đoàn công tác của Quân khu 4, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đi xuồng thị sát dọc sông Hương, sông Ô Lâu. Ông lệnh cho xuồng đi chậm, sát bờ để có thể phát hiện người dân cần giúp đỡ, cứu trợ. Trời mưa ràn rạt, giữa mênh mông biển nước, suốt cả buổi sáng, lúc nào, anh cũng đứng ngoài mạn thuyền, ánh mắt không ngừng quan sát. Mỗi thùng mỳ tôm, mỗi gói nhu yếu phẩm được trao cho người dân; từng đợt xuồng đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, khuôn mặt anh bớt lo lắng hơn. Đến 11 giờ 30 phút, sau khi nhận cuộc điện thoại “nóng” báo tin về việc một số công nhân ở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 gặp nạn, khuôn mặt Thiếu tướng Nguyễn Văn Man biến sắc, ánh mắt anh đầy lo lắng, anh hạ lệnh cho xuồng trở lại bến để lập tức cơ động đến thủy điện. Nhiều đoạn đường ở thành phố Huế ngập sâu trong nước, anh nóng ruột chỉ đạo các lực lượng nhanh chóng triển khai các biện pháp để cơ động được nhanh nhất.  

Toàn cảnh Lễ dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Tiểu khu 67. 

 

Xuyên trưa vượt nước lũ, đến 14 giờ 45 phút, đoàn công tác chúng tôi có mặt tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Con đường 71 đến thủy điện Rào Trăng nước ngập lớn qua tràn xe không thể cơ động qua. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man hội ý nhanh với đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Hùng (nay là Thiếu tướng, liệt sỹ Nguyễn Hữu Hùng), Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu. Quyết định để lại xe ô tô, lội bộ vượt tràn. Từ 15 giờ 15 phút, đoàn công tác chúng tôi đi bộ đường rừng trên đường 71. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, nhiều đoạn dốc cao, sương mù trời trở nên thâm u, không còn sóng điện thoại để liên lạc… nhưng vì phía trước là người dân đang chờ với hy vọng đến sớm để kịp thời đánh giá tình hình, cứu nạn những người gặp nạn, chúng tôi rảo bước nhanh hơn.

Trên tuyến đường 71 xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, bùn đất nhão nhoét, màn đêm buông xuống, mưa không ngừng rơi. Chân lún sâu quá đầu gối, lớp đá dưới đất lại cứa vào khiến chân ai cũng xầy xước. Nhưng nhìn ánh mắt cương nghị, đôi chân đạp đá, đạp đất vượt lên các điểm sạt lở dẫn đầu đoàn quân, hướng về phía trước của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng với việc nghĩ đến hình ảnh các công nhân của thủy điện đang chới với giữa bùn nước, chúng tôi nén đau thêm vững bước để tiếp tục hành quân. Mỗi khi vượt qua các điểm sạt lở đất, cả đoàn lại đứng lại để hỏi thăm, động viên nhau, những người bị thương đi khó khăn được đồng đội thay nhau dìu đi.

 

 

 

Nguyên Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu và Thủ trưởng Cục Chính trị thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ.
                                                                                                 Ảnh: HỒ VIỆT

 

 Xuyên màn đêm trong mưa rừng xứ Huế đầy hiểm nguy bởi nguy cơ sạt lở đất xảy ra bất cứ lúc nào, đến 19 giờ 45 phút, sau khi đi bộ đường rừng được hơn 10km, trời tối như bưng, mưa càng ngày càng lớn, quảng đường đến thủy điện Rào Trăng 4 còn hơn 5km, đoàn công tác chúng tôi quyết định dừng chân nghỉ qua đêm tại Trạm quản lý, bảo vệ rừng sông Bồ thuộc Tiểu khu 67, sáng sớm mai sẽ tiếp tục hành quân vào đến thủy điện Rào Trăng. Khoảng 0 giờ 5 phút sáng 13/10/2020, những tiếng nổ liên tục phát ra từ khu đồi phía sau, trong tích tắc, đất đá đổ xuống khu nhà. Tôi và 7 người còn lại may mắn chạy thoát ra ngoài được khi hàng nghìn khối đất đá đổ xuống. Chúng tôi quay lại gọi lạc cả giọng, hy vọng còn người sống sót, vậy mà chỉ có tiếng đất đá đang chực trào đổ xuống cùng tiếng “răng rắc” gãy đổ của các bức tường còn sót lại đổ xuống hòa lẫn tiếng mưa ràn rạt. Đau đớn vô cùng, làm chân tay chúng tôi bủn rủn. Rồi đợt sạt lở lần 2 đổ xuống, không còn một chút hy vọng, chúng tôi như muốn ngã quỵ. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm của đồng chí, đồng đội,  hy vọng về “phép màu” tan biến khi 13 cán bộ, chiến sỹ lần lượt được tìm thấy sâu trong lòng đất rừng xứ Huế. Thương các anh, thương đồng đội mình vô cùng.

Đời lính can trường, thời nào cũng vậy, trong trái tim các anh là Tổ quốc, trên vai các anh là đồng bào, phía trước các anh là Nhân dân. Chẳng nề hà gian khó, bởi “Nhân dân đang cần chúng ta đến, thì bất luận có hy sinh cũng phải đến” như lời Thiếu tướng Man nhắn nhủ với đoàn công tác trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Cùng chung tâm niệm cao cả ấy, những đồng đội của chúng tôi ngày ấy, dù nhà cũng bị ngập trong mưa lũ, đã nguyện “gác tình riêng”, sẵn sàng lên đường xông pha vào “tuyến lửa”. Rào Trăng đã ôm các anh vào lòng, để đau thương cho người ở lại… Thế nhưng, sự hy sinh này chẳng dễ dàng quên lãng, bởi các anh ra đi vì một sứ mệnh chưa từng do dự - "trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa”. Các anh sẽ mãi sống trong niềm tự hào của người thân và Nhân dân, trong sự tiếp nối noi gương quả cảm của những thế hệ đi trước và mãi mãi về sau.

 

 

 

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và thân nhân các liệt sĩ thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Tiểu khu 67.
                                                                                              Ảnh: HỒ TRANG 

 

Tại nơi các anh ngã xuống, các đại biểu và thân nhân các liệt sĩ dự Lễ khởi công Nhà tưởng niệm thắp nén tâm hương đã không cầm được nước. Tiếng sụt sùi rồi những tiếng nấc nghẹn và những tiếng khóc to phá tan sự tĩnh lặng cả núi rừng. Bởi chúng tôi, ai cũng tiếc thương các anh khôn nguôi. Chị Trần Thị Quảng Bình, vợ của liệt sĩ Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, nói trong nấc nghẹn: “Anh ngã xuống, là mất mát không thể bù đắp được của mẹ con chúng tôi. Nhưng gia đình chúng tôi rất tự hào vì anh hy sinh vì dân, vì nước. Mẹ con tôi nguyện sớm vượt qua nỗi đau, tiếp tục noi gương, tiếp bước quân hành còn dang dở của anh để lại…”. Còn chị Trương Thị Mỹ Ny, vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn Bình nói trong nước mắt: “Đã nhiều lần trở lại nơi chồng tôi và đồng đội hy sinh nhưng lần nào trái tim tôi cũng quặn thắt lại vì thương anh và đồng đội vô cùng vì chúng tôi đi ô tô trong điều kiện thời tiết thuận lợi nhưng cũng rất khó đi, trong khi các anh phải vượt đường rừng trong đêm mưa gió, nguy hiểm cận kề. Anh ra đi như được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, tôi được tuyển dụng vào Quân đội để làm việc...”.

 

Các đại biểu làm Lễ động thổ công trình Nhà tưởng niệm liệt sĩ.
                                                                                                Ảnh: HỒ VIỆT

 

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã không dấu được xúc động nói: “Trong trái tim các anh là Tổ quốc, trên vai các anh là đồng bào, sự hy sinh anh dũng các anh đã thể hiện trọn vẹn tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân. Các anh ngã xuống can trường đã thắp lên trong trái tim, chúng tôi những người ở lại “ngọn lửa” của lòng dũng cảm vì Nhân dân phục vụ trong mọi khó khăn, gian khổ. Chúng tôi nguyện sẽ tiếp bước các anh, thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm, kiên trung, dũng cảm để vượt qua mọi khó khăn luôn vì dân, vì nước.  Nhà tưởng niệm các liệt sĩ hoàn thành là công trình tâm linh nhằm tôn vinh những công lao to lớn, những mất mát hy sinh của các anh hùng liệt sĩ và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống mãi về sau cho lực lượng vũ trang và Nhân dân cả nước…”.

 

Thiếu tướng Võ Văn Chót, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu (người thứ 2 từ trái sang) cùng các đại biểu dự Lễ khởi công xây dựng Nhà tưởng niệm liệt sĩ.
                                                                                                        Ảnh: DẠ THI

 

 “Những người lính mùa Thu ấy đã ra đi từ đó không về, dòng tên các anh khắc vào đá núi” và mãi khắc sâu vào trong tim chúng tôi – những người ở lại. Xin được mượn tứ thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong bài Đất nước như một nén tâm nhang gửi tới các anh: "Họ đã sống và chết. Giản dị và bình tâm”. Xin nghiêng mình cảm kích, tri ân và vĩnh biệt “những người đã làm ra Đất nước”.

Thực hiện: ĐỨC CƯƠNG

Phó Tổng biên tập Báo Quân khu 4

 


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 87
Hôm qua : 539
Tháng 04 : 25.887
Tháng trước : 26.473
Năm 2024 : 97.265
Năm trước : 319.267
Tổng số : 1.171.654